TÓM TẮT:

Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp nông thôn. Các nguồn lực đều được ưu tiên cho công cuộc hiện đại hóa, trong đó, nguồn nhân lực giữ vị trí then chốt, bởi đây là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng nhất của đất nước. Bài viết này phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn.

Từ khóa: Đào tạo, nhân lực, nông nghiệp, nông thôn, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp lâu đời, lao động nông thôn là một nguồn lực lao động dồi dào, đầy tiềm năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song trong những năm gần đây, tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm ngày càng tăng. Nguồn lực trong lĩnh vực nông nghiệp thừa lao động chân tay, lao động giản đơn nhưng lại thiếu lao động tay nghề cao, thiếu người quản lý, tổ chức giỏi.

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng về khoa học kỹ thuật và biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến nền nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao của nước ta. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe hơn trong quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập. Nhân lực nông nghiệp, nông thôn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đang trở thành một xu hướng tất yếu để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và góp phần bảo vệ môi trường.

2. Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay

Nông thôn Việt Nam bao gồm một vùng rộng lớn và trải dài 3 miền Bắc-Trung-Nam. Vùng có tỷ lệ dân số nông thôn lớn nhất là vùng Bắc Trung Bộ (89,2%), tiếp đến là miền núi Trung du Bắc Bộ (85,7%),… và thấp nhất là Đông Nam Bộ (51,6%). Hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp chiếm 35% trong tổng sản phẩm quốc nội của cả nước và thu hút 72% lực lượng lao động nông thôn, giá trị sản lượng chiếm 75,7% tổng sản lượng (chủ yếu là cây lương thực). Sản lượng lương thực chủ yếu là lúa. Ngoài cây lúa, cây công nghiệp có: cao su, cà phê, chè,… tiềm năng về nông nghiệp cũng rất lớn. Trong tổng số 9 triệu ha đất rừng có khoảng 6 triệu ha được coi là có giá trị thương mại.

Ngoài những đặc điểm thuận lợi cơ bản ở trên thì nông thôn nước ta còn những vấn đề nổi lên như sau: Mức tích lũy và đầu tư còn rất thấp, cơ sở hạ tầng cơ bản chưa tương xứng với yêu cầu và tiềm năng phát triển. Hệ thống giáo dục ở nông thôn cũng kém phát triển và còn nhiều bất cập: Hàng năm, vẫn còn học sinh bỏ học, trong đó đều là do kinh tế gia đình khó khăn. Hiện tượng mù chữ và tái mù chữ trở lên khá phổ biến. Nhà nước chưa có chính sách giáo dục phù hợp với mức sống của dân cư nông thôn, kinh phí của Nhà nước cho giáo dục, đào tạo còn eo hẹp và phân tán.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình độ học vấn của nguồn nhân lực trong khu vực nông thôn thấp. Ngoài những lý do kể trên, còn có một lý do nữa là do tư tưởng của người nông dân, họ thường quan niệm rằng: học chẳng để làm gì, vì trước sau cũng quay về với nghề nông thuần túy.

Như vậy, nông thôn Việt Nam đang tồn tại rất nhiều yếu kém, làm cản trở và giật lùi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên phạm vi cả nước. Nông nghiệp cũng cần được cơ cấu lại sản xuất để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn không chỉ đào tạo cho lao động trong sản xuất, mà còn phải đào tạo cả nhân lực cho quản lý. Nông thôn hiện nay không chỉ cần có nhân lực cho nông nghiệp, mà cần cả nhân lực cho công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đào tạo nhưng phải gắn liền với sử dụng, tạo công ăn việc làm.

Đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đi vào chiều sâu chất lượng, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng phù hợp để phát triển ngành Nông nghiệp nước nhà có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Hiện nay, cả nước có 13 trường ĐH, CĐ đào tạo về nông lâm nghiệp; 60% trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề về nông lâm nghiệp. Các trường này chuyên đào tạo các cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý, đào tạo tay nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy, nhu cầu về cán bộ được đào tạo qua trường này rất lớn, nhưng công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người học nghĩ rằng sau khi học phải về làm việc ở nông thôn, những vùng khó khăn nên không muốn học.

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nghề tại chỗ cho lực lượng lao động tại nông thôn, đào tạo nghề nông nghiệp cũng được quan tâm. Hoạt động dạy nghề đi liền với chuyển đổi ngành nghề được áp dụng cho các địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng như xây dựng đô thị, khu công nghiệp. Ngay từ Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X Đảng đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó nêu rõ: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đào tạo nghề cho bộ phận con em nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động; đồng thời tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở. Hình thành chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hàng năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đào tạo nghề”.

Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và tầm nhìn cho các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo đến nay vẫn còn mang tính hình thức, theo phong trào, đào tạo theo số lượng, , chưa thực sự gắn liền việc đào tạo với nhu cầu xã hội,...

Mặc dù chúng ta cũng đã và đang rất nỗ lực trong việc đưa lao động, đặc biệt là lao động nông thôn đến với các chương trình đào tạo nghề, tuy nhiên hiệu quả của những chương trình này chưa cao, chưa tương xứng với những nỗ lực đầu tư đã có. Số lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, số lao động đã qua đào tạo nghề còn ở trình độ thấp, trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề cao phù hợp với sản xuất công nghiệp lại đang rất lớn. Thêm vào đó, hệ thống cơ sở đào tạo nghề, năng lực đào tạo nghề của giáo viên vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Sự kết nối giữa cung và cầu chưa tốt làm giảm động lực học của người học. Trước tình trạng đó, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

3. Một vài giải pháp cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn

Thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu của xã hội. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần đúng người, đúng nghề, các chương trình giảng dạy phong phú, phù hợp với đối tượng về trình độ, năng lực và cả địa bàn cư trú. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao trình độ, kỹ năng của người dân để hòa nhập với sản xuất hiện đại, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của các địa phương là một vấn đề đặt ra rất quan trọng đối với các cấp, các ngành. Muốn vậy, cần có những giải pháp sau:

Trước hết, Nhà nước cần ban hành các chính sách hợp lý và cụ thể về đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần nghiên cứu kỹ đặc điểm từng vùng, miền để có những chính sách đào tạo nhân lực thực sự phù hợp với từng vùng miền đó. Cần xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nhân lực về nông nghiệp như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp,… để có thể liên kết đào tạo, chuyển giao kiến thức về nông nghiệp thường xuyên cho người nông dân. Thường xuyên đưa những người đang công tác, học tập tại các cơ sở đào tạo đó về thực tế, thực nghiệm tại nông thôn để vừa nâng cao kiến thức thực tế, vừa mang những kiến thức đã học truyền lại cho nông dân để kết quả sản xuất được cao hơn. Tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo và hướng nghiệp từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn. Đầu tư cả về cơ sở vật chất, lẫn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được đội ngũ giáo viên có chất lượng và tâm huyết thật sự với nông nghiệp, nông thôn.

Hàng năm, cần có điều tra đánh giá, tổng kết, nhân rộng những mô hình tiên tiến, phù hợp với việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, có những điều tra đánh giá về chương trình đào tạo ở các cơ sở đào tạo xem có phù hợp với thực tiễn sản xuất hay không và tiến hành bổ sung điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một cách thức quan trọng để thu hút người lao động học nghề và gắn bó với nghề mà mình được học. Có như vậy, người lao động mới mặn mà với các chương trình đào tạo do đề án mang lại. Thêm vào đó, còn phải đào tạo cho người nông dân cách tiếp cận với thị trường để quảng bá sản phẩm họ làm ra đến được tay người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu các khâu trung gian trong tiêu thụ sản phẩm.

Việc có cơ chế chính sách tạo cầu nối lao động - thị trường lao động cũng rất cần thiết. Đây là chính sách hết sức quan trọng để tạo sự gắn kết giữa hoạt động dạy nghề với thị trường lao động, bao gồm cả thị trường lao động ở nông thôn cũng như ở các khu đô thị, nông nghiệp và phi nông nghiệp. Chính sách này sẽ là một trong những nền tảng chính đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy nghề - dạy được nghề và sử dụng được nghề đã học.

Nếu không có sự chuyển biến tích cực, tìm ra biện pháp phù hợp và nhanh chóng, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại về nhiều mặt, như hạn chế năng lực của đội ngũ người lao động, mất cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập, phát sinh sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 711/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 6 năm 2012 về “Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020”.
  3. Đặng Xuân Hoan (2015), “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Cộng sản điện tử, truy cập ngày 17/04/2015.

Training human resources for the process of industrialization and modernization of agriculture and rural areas in Vietnam

Master. Nguyen Thanh Son

Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Vietnam is in the process of industrialization and modernization of agriculture and rural areas. All the country’s resouces, especially human resources, are prioritized for this process of industrialization and modernization. This article analyzes the situation and proposes solutions to improve the quality of human resources training activities in order to facilitate the process of industrialization and modernization of agriculture and rural areas.

Keywords: Training, human resources, agriculture, rural areas, Vietnam.