Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán trong bối cảnh ứng dụng công nghệ Blockchain và hội nhập quốc tế

THS. VŨ THỊ DIỆP (Khoa Kế toán - Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu trong công việc hàng ngày, đặc biệt là đối với lĩnh vực kế toán. Công nghệ ngày càng phát triển thì mức độ ảnh hưởng tới cơ hội và việc làm của những kế toán viên ngày càng lớn. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, việc cởi mở và chủ động tiếp cận nguồn thông tin mới để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa quan trọng nhất để thành công.

Bài viết nghiên cứu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán trong bối cảnh ứng dụng công nghệ mới, cụ thể là công nghệ Blockchain. Từ đó, tác giả đưa ra các giải pháp đề xuất đồng bộ.

Từ khóa: Đào tạo, phát triển, Blockchain, nhân lực kế toán, công nghệ mới, hội nhập quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Công nghệ ngày càng phát triển một cách mạnh mẽ, kéo theo đó là những mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn đến đời sống con người nói chung và các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp nói riêng. Trong đó, lĩnh vực kế toán cũng không nằm ngoài xu hướng.

Công nghệ Blockchain xuất hiện và ngành Kế toán đứng trước sự thay đổi. Việc ứng dụng công nghệ mới này sẽ mang lại những cải tiến mới mẻ cho ngành Kế toán. Nó cũng là xu hướng công nghệ mà các chuyên viên ngành tài chính, kế toán không thể ‘xem nhẹ’ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kế toán trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi người làm nghề phải trau dồi các nghiệp vụ chuyên ngành, có kỹ năng thực hành kế toán, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, thái độ tích cực và chuyên nghiệp trong công việc cũng như phải có các kỹ năng mềm cần thiết. Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu, các trường đại học, cao đẳng, học viện phải đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán trong bối cảnh ứng dụng công nghệ mới Blockchain để bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế.

2. Blockchain và thực trạng lĩnh vực kế toán Việt Nam hiện nay

Blockchain được coi là một bước đột phá về công nghệ, được thiết lập để tạo ra những biến đổi trong công việc kế toán. Vậy, Blockchain là gì, ứng dụng Blockchain như thế nào là những câu hỏi được quan tâm.

2.1. Blockchain là gì?

Theo định nghĩa từ trang wikipedia: Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

2.2. Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực kế toán

Thứ nhất, ứng dụng Blockchain có thể giúp bảo mật thông tin kế toán.

Bằng cách tạo ra một sổ cái duy nhất trên một mạng lưới máy tính để các công ty, khách hàng, ngân hàng và cơ quan thuế của họ ghi chép và chia sẻ thông tin. Khi bất kỳ người nào trong số họ thêm thông tin, sổ cái sẽ tự động xác minh và điều chỉnh dữ liệu.

Thứ hai, ứng dụng Blockchain giúp giảm thiểu khả năng xảy ra sai phạm kinh tế.

Công nghệ Blockchain trong kế toán làm giảm phần lớn khả năng xảy ra sai sót khi đối chiếu các thông tin phức tạp và khác biệt từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn nữa, hồ sơ kế toán sẽ không thể chỉnh sửa và thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu.

Thứ ba, an ninh mạng được thắt chặt nhờ công nghệ Blockchain.

Một hacker sẽ phải xâm nhập vào toàn bộ mạng máy tính cùng một lúc để thực hiện bất kỳ thiệt hại nào. Nếu chỉ tấn công một máy tính, những máy tính khác trong mạng lưới sẽ có thể phát hiện và phản ứng với việc tấn công.

2.3. Thực trạng lĩnh vực kế toán của Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Chuẩn mực Kế toán Việt Nam - VAS (gồm 26 chuẩn mực), đã được xây dựng theo các chuẩn mực kế toán quốc tế - IAS, và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế cũng như tình hình doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, giữa VAS và IAS/IFRS còn có một khoảng cách đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hội nhập của kế toán Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hệ thống này được biểu hiện cụ thể ở nhiều khoản mục trên báo cáo tài chính, nếu lập theo IFRS được đánh giá theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu thì khi lập theo VAS lại ghi là theo giá gốc. Điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của DN chưa phản ánh đúng như diễn biến thực tế của thị trường.

Thứ hai, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán

Nguồn nhân lực kế toán Việt Nam tuy đã sẵn sàng hội nhập nhưng số lượng và chất lượng vẫn còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu mang tầm quốc tế. Thực tế này cho thấy, Việt Nam không chỉ ít về số lượng mà đội ngũ người làm kế toán còn yếu về chuyên môn. Việc đào tạo kế toán đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh hiện nay vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam thống kê, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh.

Thứ ba, kỹ năng mềm của kế toán viên còn yếu

Khảo sát của tổ chức tuyển dụng Navigos Search cho thấy, các vấn đề như: nhu cầu sử dụng ngôn ngữ quốc tế, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, lối tư duy phản biện - giải quyết vấn đề ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm (như: làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), tính tuân thủ kỷ luật chưa nghiêm.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật còn hạn chế

 Tại Việt Nam, công tác kế toán hiện nay chủ yếu được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ. Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ các dữ liệu đó thành thông tin điện tử vừa đa dạng, vừa khó nắm bắt. Khảo sát thực tế cho thấy, kiến thức, sự hiểu biết, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các kế toán viên hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều. Công tác đào tạo cũng chỉ mới dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức nền, chưa chuyên sâu, đa ngành, nhất là đối với những kiến thức mang tính đặc thù công nghệ, bảo mật và trí tuệ nhân tạo...

3. Giải pháp ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực kế toán tại Việt Nam

Để ứng dụng công nghệ Blockchain, lĩnh vực kế toán Việt Nam cần triển khai các giải pháp sau:

3.1. Về phía cơ quan quản lý

Thứ nhất, tập trung, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực kế toán. Theo đó, đến năm 2020, cần ban hành Chuẩn mực VAS/VFRS theo hướng cập nhật và tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2025, áp dụng IFRS theo 3 cấp độ: các công ty có lợi ích công chúng thực hiện IFRS nguyên mẫu; các công ty khác áp dụng VAS/VFRS; DN nhỏ và vừa thực hiện chế độ kế toán dành cho DN nhỏ và vừa. Việc áp dụng hoàn toàn IFRS sẽ giúp kế toán Việt Nam mở ra một thời kỳ mới, làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các yếu tố của báo cáo tài chính.

Thứ hai, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, kịp thời đáp ứng xu thế phát triển của hệ thống số toàn cầu. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, bảo mật cao thông tin dữ liệu kế toán. Nghiên cứu và vận dụng một cách hiệu quả, phù hợp các phương pháp kế toán kể cả phương pháp cơ bản và phương pháp phân tích kỹ thuật trong bối cảnh nghề kế toán sử dụng chứng từ điện tử, công nghệ Blockchain, điện toán đám mây…

Thứ ba, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kế toán cũng như định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán lành mạnh, bền vững. Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán theo xu hướng của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.

3.2. Về phía các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, cung cấp ứng dụng công nghệ Blockchain

Với mục tiêu phá vỡ các rào cản trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain, cần có các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp các dịch vụ, nền tảng công nghệ và công cụ để hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam tiếp cận công nghệ mới này một cách an toàn, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Việc kết hợp công nghệ Blockchain trên các phần mềm kế toán sẽ giúp công tác kế toán tại các doanh nghiệp tối ưu hóa tính bảo mật, an toàn và minh bạch các thông tin kế toán. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán cần phát triển đội ngũ nhân viên lành nghề, am hiểu sâu về chuyên môn và có khả năng hội nhập; Tăng cường công tác đào tạo phát triển các kỹ năng mềm hiệu quả, hoạt động nhóm tích cực và sử dụng thành thạo công nghệ số theo nhu cầu thị trường.

3.3. Về phía các cơ sở đào tạo

Cơ sở đào tạo cần chú trọng xây dựng, rà soát lại chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.

Phát triển nội dung đào tạo giúp sinh viên sau khi ra trường thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ số. Ngoài giảng dạy kiến thức chuyên môn, cần tập trung đào tạo các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả; làm việc ở nhiều nhóm khác nhau; kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.

Chuyển từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực; phát triển theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm.

Thiết lập mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu được gắn kết, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

3.4. Về phía kế toán viên

Kế toán viên cần cập nhật công nghệ Blockchain thông qua các chương trình đào tạo.

Blockchain tạo sự cạnh trạnh cho người lao động trong lĩnh vực kế toán. Để nắm bắt được những cơ hội do Blockchain mang lại, các kế toán viên phải cập nhật xu hướng của những thay đổi, làm quen với các khái niệm mới, như: dữ liệu lớn (big data), mật mã, hệ thống sổ cái (Blockchain), hệ thống thanh toán, thanh toán qua các thiết bị di động, các nền tảng mới kết nối giữa các nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ tài chính.

Tóm lại, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang "bùng nổ" ở Việt Nam, kế toán viên cần cân nhắc cách thức làm việc, bởi vì qua đó có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm công việc có giá trị cao hơn liên quan đến hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ chiến lược. Blockchain có thể mở ra rất nhiều cánh cửa cơ hội cho ngành Kế toán trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. “2018 - Năm đỉnh cao của ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động kiểm toán”, Báo Kiểm toán số 26+27 tháng 8/2018.
  2. “Tìm hiểu về hóa đơn điện tử đầu tiên ứng dụng công nghệ Blockchain”-
    Báo Dantri.com.vn (13/04/2019).
  3. ThS. Trương Thị Hoài, ThS. Đào Thị Loan, Khoa Kinh tế - Đại học Vinh “Ứng dụng blockchain vào lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5 (2019).
  4. “Tìm hiểu về công nghệ blockchain và ảnh hưởng của nó đến lĩnh vực kế toán - tài chính - ngân hàng”, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, số tháng 8 (2018).

Developing and training human resources in accounting field in the context of the implementation of blockchain technology and Vietnam’s international integration process

Master. Vu Thi Diep

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Applying science and technology is an indispensable trend for business fields, especially the accounting field. Technological advances create more job opportunities for accountants. Blockchain is one of the most current interested technology topics. The key for business sectors to success in the context of rapid technology development is to be open and proactive in accessing new information sources to train and develop human resources. This article is about training and developing human resources in accounting field in the context of the implementation of blockchain technology and the country’s international integration process with proposed solutions synchronously.

Keywords: Training, development, blockchain, human resources in accounting field, new technology, international integration.