Dầu thô Brent mất mốc 30 USD/thùng, liên minh OPEC+ có thể khó đạt được mức cắt giảm sản lượng đã đề ra

Giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đều đã giảm xuống, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 6 phiên giao dịch liên tiếp. Thị trường hiện quan sát liên minh OPEC+ thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khi một số quốc gia thành viên khó có thể đạt được mục tiêu cắt giảm đã đề ra.
Khai thác dầu thô tại Iraq
 Iraq cùng một số quốc gia khai thác dầu thô khác thuộc liên minh OPEC+ gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác như đã đề ra theo thoả thuận cắt giảm sản lượng có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2020 (Ảnh: REUTERS/Essam Al-Sudani)

Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, giá dầu thô Brent đã giảm 1,25 USD tương ứng 4% xuống mức 29,72 USD/thùng; đánh dấu phiên giảm giá đầu tiên sau 6 phiên giao dịch tăng giá liên tiếp. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 57 cents xuống còn 23,99 USD/thùng.

Tính từ ngày 22/4/2020, thời điểm giá dầu thô Brent rơi xuống mức thấp nhất kể trong vòng 29 năm trở lại đây, giá dầu thô Brent đã tăng gần gấp đôi tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang quan sát chặt chẽ diễn biến thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh, bao gồm Nga.

Theo thoả thuận này, liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu kể từ ngày 1/5/2020 nhằm kìm hãm đà giảm của giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô xuống mức thấp kỷ lục dưới các tác động của đại dịch Covid-19.

Hãng tin Reuters dẫn lời các thương nhân và nguồn tin cho biết Iraq, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai trong khối OPEC, vẫn chưa chính thức thông báo việc cắt giảm lượng xuất khẩu dầu thô đến các đối tác nhập khẩu dầu thô thường xuyên của nước này.

Điều này có thể cho thấy Iraq đang gặp khó khăn trong việc thực thi thoả thuận của liên minh OPEC+. Bên cạnh Iraq, một số quốc gia khai thác dầu thô quy mô nhỏ hơn thuộc liên minh OPEC+ như Nigeria và Angola cũng đang gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác.

Việc một số quốc gia không đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng khai thác có thể gây tổn hại đến nỗ lực tái cân bằng thị trường của liên minh OPEC+ ngay cả khi Nga đã đưa mức sản lượng khai thác xuống gần mức mục tiêu. Nga hiện là quốc gia có sản lượng khai thác lớn thứ hai liên minh OPEC+.

Các dữ liệu mới nhất về lượng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm chế xuất từ dầu tại Hoa Kỳ trong tuần trước do Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) ban hành có thể cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phục hồi chậm. EIA cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng tuần thứ 15 liên tiếp với mức tăng thêm 4,6 triệu thùng trong tuần trước. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 7,8 triệu thùng được giới phân tích đưa ra.

Ông John Kilduff, đối tác tại hãng tư vấn đầu tư Again Capital, nhận định “Lượng tồn trữ dầu thô (tại Hoa Kỳ) tăng thấp hơn so với dự báo của giới phân tích đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với giá dầu thô, tuy nhiên thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ các sản phẩm chế xuất từ dầu thô tăng cao cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng giảm mạnh do các hoạt động di chuyển bằng đường hàng không và vận chuyển trên bộ bằng xe tải ở mức thấp. Do đó dữ liệu cho thấy nền kinh tế (Hoa Kỳ) và nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn chưa được cải thiện”.

Nhu cầu sử dụng xăng của Hoa Kỳ hiện đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4/2020, nhu cầu sử dụng dầu thô của toàn cầu ước tính đã giảm ít nhất 20% khi nhiều quốc gia trên toàn cầu áp đặt các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.  

Quang Đặng (Theo Reuters)