Dầu thô phá vỡ ngưỡng 40 USD/thùng, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đã chạm đáy khủng hoảng

Giá dầu thô đã bật tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 40 USD/thùng sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra tại Hoa Kỳ trong tháng 5/2020 ở mức cao nhất lịch sử.
Nhà máy lọc hoá dầu Hoa Kỳ
Một nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ (Ảnh: CNN)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 5/6), giá dầu thô Brent giao tương lai đã bật tăng mạnh 2,31 USD tương ứng 5,8% lên 42,30 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 2,14 USD tương ứng 5,7% lên 39,55 USD/thùng. Tính chung cả tuần giao dịch này (1/6 – 5/6), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã ghi nhận mức tăng lần lượt đạt 19,2% và 10,7%; đánh dấu tuần tăng giá thứ sáu liên tiếp. 

Đà tăng giá mạnh của dầu thô được hỗ trợ chủ yếu do dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong tháng 5/2020 đã bất ngờ giảm xuống. Đồng thời, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh cho biết sẽ tiến hành nhóm họp sớm nhằm thảo luận khả năng kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô.

Cụ thể, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tháng 5/2020 đã giảm xuống còn 13,3% so với mức 14,7% trong tháng 4/2020. Dữ liệu cũng cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp trong tháng trước lên đến 2,5 triệu việc làm – mức tăng lớn nhất theo tháng trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ. Các con số này đều tốt hơn rất nhiều so với các dự báo u ám của giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.

Trước khi dữ liệu chính thức được công bố, khảo sát do Dow Jones thực hiện với các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có thêm 8,33 triệu việc làm bị mất đi trong tháng 5/2020, đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ lên mức kỷ lục 19,5% - mức cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi năm 1930.

Dữ liệu việc làm tốt cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang gần chạm đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra và có thể sẽ bật tăng trở lại trong bối cảnh các tiểu bang đang bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế.

Giá dầu thô cũng được hỗ trợ nhờ các thông tin tích cực từ các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới – liên minh OPEC+. Bộ Năng lượng Nga cho biết liên minh OPEC+ có thể nhóm họp trực tuyến vào thứ Bảy tuần này. OPEC+ cũng cho biết có thể nhóm họp sớm, thay vì đợi đến tuần sau như lịch dự kiến, nếu như Iraq và các quốc gia khác đồng thuận việc kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác.

Kể từ ngày 1/5, liên minh OPEC+ đã thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác khổng lồ, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu tại thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát; việc cắt giảm này sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 6/2020. Hãng tin Reuters cho biết Ả-rập Xê-út và Nga đã đồng ý kéo dài việc cắt giảm sản lượng trên đến cuối tháng 7/2020, thậm chí Ả-rập Xê-út đang tìm cách thuyết phục kéo dài việc cắt giảm đến cuối tháng 8/2020.

Nếu như liên minh OPEC+ không tìm được tiếng nói chung trong việc kéo dài thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác thì mức cắt giảm sản lượng khai thác sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 7 – tháng 12/2020 như kế hoạch dự kiến trước đây.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng được hỗ trợ bởi lo ngại cơn bão nhiệt đới Cristobal hoạt động tại khu vực trung tâm Vịnh Mexico, Hoa Kỳ có thể gây gián đoạn việc khai thác dầu thô của nhiều giàn khoan dầu tại đây và gây sạt lở đất tại các nhà máy lọc dầu thuộc tiểu bang Louisiana.

Tính từ ngày 29/5 đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng 17%, chạm mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây và giá dầu thô WTI đã tăng 11%. Nếu tính từ ngày 22/4 - thời điểm giá dầu thô Brent sụp đổ xuống còn 15,98 USD/thùng thì mức giá hiện tại đã cao hơn gấp đôi. 

Quang Đặng (Theo Reuters)