Dầu thô quay đầu giảm giá trở lại, OPEC+ nâng sản lượng khai thác từ tháng 8/2020

Giá dầu thô đã giảm 1% sau khi liên minh OPEC+ thống nhất sẽ nâng sản lượng khai thác từ tháng 8/2020; trong khi đó, sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn bị đe doạ bởi nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai.
Giàn khoan dầu thô
 Giàn khoan dầu thô hoạt động tại khu vực Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: Bloomberg)

Chốt phiên giao dịch ngày 16/7, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 42 cents tương ứng 1% xuống mức 43,37 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 45 cents tương ứng 1,1% xuống còn 40,75 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia đồng minh khai thác dầu thô do Nga đứng đầu đồng ý nâng sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 8/2020. Từ đầu tháng 5/2020, liên minh OPEC+ đã tiến hành thoả thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ lên tới 9,7 triệu thùng dầu/ngày tương đương khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra nhằm bình ổn giá dầu thô. Dự kiến từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020, mức cắt giảm sản lượng sẽ được liên minh OPEC+ điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày.

Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao Paola Rodriguez-Masiu từ hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định việc liên minh OPEC+ nâng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày có thể được thị trường dầu mỏ hấp thụ nhờ sự phục hồi của nhu cầu sử dụng dầu thô.

Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Thái tử Abdulaziz bin Salman cho biết trên thực tế mức cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ trong tháng 8 và tháng 9/2020 có thể sẽ đạt từ 8,1 triệu thùng – 8,3 triệu thùng/ngày, cao hơn đáng kể so với mức 7,7 triệu thùng/ngày được đề ra trong thoả thuận.

Trong ngày 15/7, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã bật tăng 2% sau khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong tuần trước đã giảm mạnh. Trong vài tuần trở lại đây, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI liên tục dao động xung quanh mốc 40 USD/thùng trước các lo ngại về sự bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô cũng như các yếu tố ở phía nguồn cung.

Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy đã có gần 600.000 ca tử vong trên toàn cầu vì đại dịch Covid-19 và số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ; một số quốc gia tuyên bố chống dịch thành công như Australia cũng đang đối mặt với việc bùng phát dịch trở lại.

Trong ngày 15/7, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết thị trường dầu mỏ thế giới đang gần tiến tới mốc cân bằng và giá dầu thô sẽ được giữ ở quanh mức 40 USD/thùng trong những tháng sắp tới.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc trong tháng 6/2020 đã tăng mạnh 9% so với cùng kỳ năm trước, chạm mức cao kỷ lục nhờ nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại quốc gia này tăng trở lại. Đây là dấu hiệu mới nhất có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang dần phục hồi trở lại; Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Quang Đặng (Theo Reuters)