Dầu thô tiếp tục bật tăng mạnh trước các tin tức tích cực về vaccine Covid-19

Chốt phiên giao dịch Thứ Ba (ngày 10/11, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô tăng gần 3% trong bối cảnh nhiều tin tức tích cực về vaccine Covid-19, đã giúp giảm bớt phần nào các lo ngại về việc nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ suy yếu khi nhiều khu vực trên thế giới tái phong toả trở lại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Giàn khoan dầu thô
 Liên minh OPEC+ có thể sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới nếu như nhu cầu sử dụng dầu thô trên thị trường tiếp tục suy yếu vì sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: krohne)

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tương lai chốt phiên giao dịch tại mức 43,61 USD/thùng, tăng 1,21 USD/thùng tương ứng 2,9%. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,07 USD/thùng tương ứng 2,7% lên mức 41,36 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 9/11, giá dầu thô thế giới đã tăng 8% - mức tăng theo ngày lớn nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây sau khi hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech cho biết vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm cho hiệu quả lên đến 90%. Giá dầu thô tiếp tục được đẩy lên cao trong ngày giao dịch Thứ Ba sau khi ông Anthony Fauci – Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ cho biết vaccine Covid-19 sẽ được sử dụng rộng rãi nhanh nhất vào tháng 12 tới đây.

Nhận định về tác động của vaccine Covid-19 đến thị trường dầu mỏ, ông Bob Yawger – Giám đốc thị trường năng lượng tương lai tại hãng chứng khoán Mizuho cho biết những tin tức tích cực mới về vaccine Covid-19 cho thấy mọi người có thể quay trở lại nhịp sống bình thường trong năm sau, đồng nghĩa với việc gia tăng mạnh nhu cầu sử dụng nguyên liệu.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, nhiều khu vực tại Châu Âu đang phải tái phong toả trở lại để ngăn chặn sự lây lân của dịch bệnh. Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hoa Kỳ cũng đang tiếp tục tăng cao, vượt mốc 10 triệu ca nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sử dụng nhiên liệu. Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn của Châu Âu như London (Anh), Paris (Pháp) và Madrid (Tây Ban Nha) đã giảm mạnh trong tháng 11 vừa qua. Trước đó, lưu lượng giao thông tại Châu Âu đã tăng mạnh trong tháng 10/2020 khi các biện pháp phong toả, hạn chế di chuyển được nới lỏng tại nhiều quốc gia.

Giá dầu thô cũng đang được nâng đỡ sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cho biết liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh có thể giảm sản lượng khai thác nếu như nhu cầu sử dụng dầu mỏ suy yếu khi vaccine Covid-19 chưa được đưa ra thị trường. Trước đó, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020 và sau đó mức cắt giảm sản lượng khai thác giảm xuống còn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2021.

Quang Đặng (Theo Reuters)