Dầu thô WTI chạm mức thấp kỷ lục trong gần 19 năm

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2001 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại tình trạng dư cung diễn ra và các kho dự trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đang nhanh chóng bị lấp đầy.
Giàn khoan dầu thô
 Số lượng giàn khoan dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần này đã giảm mạnh kỷ lục kể từ năm 2015 trong bối cảnh giá dầu thô liên tục ở mức thấp (Ảnh: Zhu Difeng/Shutterstock.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 17/4), giá dầu thô quốc tế đã có sự biến động trái chiều. Giá dầu thô Brent giao tương lai (LCOC1) đã tăng 26 cents/thùng tương ứng 0,9% lên 28,08 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2020 (CLC2), hợp đồng đang được giao dịch nhiều nhất, đã giảm 50 cents/thùng tương ứng 2% xuống còn 25,03 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020, hợp đồng có kỳ hạn gần nhất, cũng giảm mạnh 1,60 USD/thùng tương ứng 8,1% xuống còn 18,27 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 (CLC1) có lúc giảm còn 17,31 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 11/2001.

Giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua chịu áp lực giảm chủ yếu do thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020 và các kho chứa dầu thô tại Hoa Kỳ đang được lấp đầy nhanh chóng, khiến tâm lý lo ngại dư cung tăng cao. Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô được kìm hãm phần nào sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố kế hoạch 3 bước tái mở cửa nền kinh tế Hoa Kỳ, giúp giới đầu tư kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Tính chung cả tuần này (13 – 17/4), giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 (CLC1) đã giảm gần 20% và giá dầu thô Brent (LCOC1) đã giảm gần 11%. Giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 chịu áp lực giảm mạnh do giới đầu tư tập trung bán ra mã hợp đồng này trước ngày hết hạn của mã hợp đồng dầu thô này (ngày 21/4/2020) để chuyển sang mã hợp đồng giao tháng 6 (CLC2).

Theo Cơ quan thống kê Trung Quốc, GDP quý 1/2020 của nước này đã sụt giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ghi nhận mức sụt giảm theo quý đầu tiên kể từ khi dữ liệu GDP hàng quý được công bố hồi năm 1992.

Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường nhưng sản lượng lọc hoá dầu trong tháng 3/2020 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các kho chứa dầu thô tại cảng dầu Cushing (bang Oklahoma) đã đạt mức chứa 69%, tăng mạnh so với mức 49% của 4 tuần trước đây. Cảng dầu Cushing là một trong những trung tâm chứa dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ và là nơi chuyển giao dầu thô WTI chính của các hợp đồng giao tương lai.

Một số nhà phân tích cảnh báo các kho chứa dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ bị lấp đầy chỉ trong vài tuần nữa nếu như các hoạt động kinh tế tiếp tục bị đình trệ; Hoa Kỳ hiện đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Việc giá dầu thô của các hợp đồng có kỳ hạn gần ngày càng thấp hơn giá của các hợp đồng có kỳ hạn xa hơn trên thị trường tương lai cũng phản ánh giới đầu tư lo ngại tình trạng dư cung dầu thô có thể xảy ra tại thời điểm hiện tại.

Việc Tổng thống Donald Trump công bố các bước chuẩn bị để tái mở cửa nền kinh tế Hoa Kỳ trong ngày 16/4 chỉ có tác dụng nâng đỡ giá dầu thô Brent trong ngắn hạn. Giá dầu thô cũng nhận được sự hỗ trợ từ thông tin số lượng giàn khoan dầu thô tại Hoa Kỳ, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, trong tuần này đã giảm 66 giàn khoan xuống còn 438 giàn khoan, theo hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, cho thấy nguồn cung dầu thô có thể đang giảm xuống trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm thấp.  

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)