Đầu tư thiên thần vào startup trên thế giới và tại Việt Nam

ĐẶNG THÀNH ĐẠT (Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Nhà đầu tư thiên thần (tiếng Anh là Angel Investor) đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn và cùng đồng hành hỗ trợ cho các startup trước khi họ trưởng thành để có thể tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo đó, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Facebook, Google, Apple, Amazon, Starbucks,… khi còn là doanh nghiệp khởi nghiệp đều đã từng đi lên được là nhờ các nhà đầu tư thiên thần đầu tư và dìu dắt, nâng đỡ.

Hiện nay, trên thế giới, hàng năm có khoảng trên 30.000 startup được nhận đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần với giá trị ngày càng tăng. Tại Việt Nam, hoạt động đầu tư thiên thần bước đầu được hình thành, cùng với sự phát triển của hệ sinh thái startup được Chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy. Bài viết tổng hợp tình hình đầu tư thiên thần vào startup trên thế giới và hoạt động đầu tư thiên thần tại Việt Nam.

Từ khóa: Nhà đầu tư thiên thần, startup, hoạt động đầu tư, thiên thần, nhà đầu tư.

1. Nhà đầu tư thiên thần là ai?

Thuật ngữ “thiên thần” có xuất phát từ Nhà hát Broadway tại thành phố New York - Mỹ, nhắc đến những cá nhân giàu có góp tiền để tài trợ cho các tác phẩm trình diễn trên sân khấu. Năm 1978, Giáo sư William Wetzel tại Đại học New Hampshire đã bắt sử dụng thuật ngữ “thiên thần” trong bài nghiên cứu của ông về cách các doanh nghiệp huy động vốn ở Mỹ.

Nhà đầu tư thiên thần là những cá nhân giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp mới thành lập và thông thường để đổi lại, họ sẽ có quyền sở hữu một phần công ty [1]. Nhà đầu tư thiên thần chính là những người tìm kiếm cơ hội đầu tư trong giai đoạn đầu của các startup. Trong lộ trình phát triển của startup, nhà đầu tư thiên thần đóng vai trò là bước đệm giữa giai đoạn hạt giống (seed) và giai đoạn startup đã định hình nhưng cần số vốn lớn để tăng trưởng nhanh (early stage) khi mà các quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) thường không đầu tư cho startup khi còn quá nhỏ. Thông thường, số tiền nhà đầu tư thiên thần đầu tư vào startup trong khoảng từ 25.000 đến 500.000 đô la [2]. Số tiền này có thể mất hết nếu startup thất bại, tuy nhiên nếu startup thành công, nhà đầu tư thiên thần sẽ nhận được mức lợi nhuận cao hơn nhiều so với các phương thức đầu tư truyền thống.

Với bề dày kinh nghiệm về hoạt động đầu tư và kinh doanh, các nhà đầu tư thiên thần không chỉ đóng vai trò là cổ đông, mà còn có thể đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn, huấn luyện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ tháo gỡ những vướng mắc, hoặc góp ý giúp doanh nghiệp phát triển theo đúng định hướng hơn.

2. Tình hình đầu tư thiên thần trên thế giới

Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Nhà đầu tư thiên thần toàn cầu (World Business Angels Investment Forum) năm 2019, giá trị đầu tư thiên thần trên toàn thế giới tăng liên tục qua các năm. Năm 2019, tổng giá trị đầu tư thiên thần vào khoảng 60 tỷ đô la, tăng 20% so với năm 2018 (50 tỷ đô la) và được dự báo sẽ tăng lên 250 tỷ đô la trong vòng 5 đến 7 năm tới [3].

Số liệu thống kê của Crunchbase news cho thấy, số lượng startup được đầu tư bởi nhà đầu tư thiên thần tăng liên tục qua các năm.

Hình 1: Đầu tư thiên thần vào startup toàn thế giới từ 2010 đến 2019                  

dau_tu_thien_than_vao_startup_toan_the_gioi

Nguồn: Báo cáo đầu tư toàn cầu quý 4/EOY 2019 của Crunchbase [4]

Báo cáo thống kê do Harvard Business School công bố năm 2017 cho thấy, giá trị đầu tư của nhà đầu tư thiên thần cho startup hàng năm tại Mỹ khoảng 24 tỷ đô la. Các startup tại Mỹ kêu gọi đầu tư bình quân ở mức khoảng 450.000 đô la từ nhà đầu tư thiên thần. 55% nhà đầu tư thiên thần tại Mỹ từng có kinh nghiệm sáng lập hoặc CEO của startup do chính họ tạo dựng. Cũng theo báo cáo, 5 lĩnh vực đầu tư nhiều nhất của nhà đầu tư thiên thần là: Công nghệ, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, hàng tiêu dùng, và giáo dục [5]. 

Hình 2: Các lĩnh vực đầu tư nhiều nhất của nhà đầu tư thiên thần

tại Mỹ          

cac_linh_vuc_dau_tu_nhieu_nhat_cua_nha_dau_tu_thien_than_tai_myNguồn: Harvard Business School [5]

Tại châu Âu, hoạt động đầu tư thiên thần ngày càng có xu hướng phát triển. 

Bảng 1. Thống kê về đầu tư thiên thần tại châu Âu

từ năm 2014 đến năm 2018             

thong_ke_ve_dau_tu_thien_than_tai_chau_au Nguồn: European Business Angels Network [6]

Trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe thông minh, công nghệ tài chính (fintech), công nghệ nền tảng (deep tech), năng lượng tái tạo là các lĩnh vực được nhà đầu tư thiên thần đầu tư nhiều nhất tại thị trường châu Âu. 

Hình 3: Tỷ lệ startup thuộc các lĩnh vực được đầu tư

bởi các nhà đầu tư thiên thần châu Âu năm 2019

ty_le_startup_thuoc_cac_linh_vuc_duoc_dau_tu Nguồn: Báo cáo của the State of European Tech [7]

Tại Châu Âu, khoảng 40% số nhà đầu tư thiên thần từng là nhà sáng lập startup [7].

Ở châu Á, khu vực Đông Nam Á là khu vực có hoạt động đầu tư thiên thần sôi động nhất. Hệ sinh thái startup của 6 quốc gia trong khu vực, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines ngày càng hoàn thiện và thúc đẩy startup ở các nước này phát triển. Theo báo thống kê của e27 năm 2018, tại 6 quốc gia nêu trên có tổng số trên 5,828 startup, đầu tư vốn từ nhà đầu tư thiên thần vào startup có tổng giá trị trên 853 triệu đô la, tăng tới 326% so với giá trị đầu tư 10 năm trước (61 triệu đô la năm 2008) [8].

Từ những năm 1980, tại các nước phát triển, các nhà đầu tư thiên thần đã có xu hướng kết hợp lại với nhau thành các hội, nhóm nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ rủi ro đầu tư và thiết lập nên các quỹ có khả năng tiến hành các hoạt động đầu tư lớn hơn. Các hội nhóm nhà đầu tư thiên thần thường có từ 10 đến 150 nhà đầu tư được công nhận chính thức. Tại Mỹ, nếu như vào năm 1996 chỉ có khoảng 10 hội nhóm nhà đầu tư thiên thần, thì tới năm 2017 đã có trên 250 hội nhóm. Tại châu Âu, năm 1999, Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần châu Âu (EBAN) được thành lập, tới năm 2018 có tổng số 482 mạng lưới nhà đầu tư thiên thần hoạt động tại châu Âu [6]. Tại châu Á, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Đông Nam Á (BANSEA) được thành lập, năm 2011 có trụ sở tại Singapore và tại 6 quốc gia có hệ sinh thái startup đã và đang phát triển đều có mạng lưới nhà đầu tư thiên thần quốc gia. Mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng về số lượng cho thấy xu thế chung trong hoạt động đầu tư thiên thần hiện nay.

3. Hoạt động đầu tư thiên thần tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia (Austrade) công bố, bối cảnh khởi nghiệp tại Việt Nam có thể bắt nguồn từ năm 2004, khi IDG Ventures Vietnam được thành lập, rót hơn 100 triệu USD vào thị trường. Kể từ đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển 3 đợt: Làn sóng đầu tiên (từ 2004 đến 2007); Làn sóng thứ hai (từ năm 2007 đến năm 2010) và Làn sóng thứ ba (từ 2011 đến nay). Trong làn sóng thứ ba, Việt Nam đã tăng trưởng phi thường về số lượng startup, từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 năm 2017 [9]. Các không gian làm việc chung (co-working space), vườn ươm khởi nghiệp (incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng bùng nổ từ năm 2017. Được biết, đây là năm Chính phủ ban hành Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, hoạt động của nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước cũng được hình thành. Vào tháng 4/2017, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam (iAngel Network) được thành lập với trên 80 thành viên là các nhà đầu tư thiên thần cá nhân, chủ yếu là nhà đầu tư thiên thần trong nước. Theo thống kê của AngelList, có trên 5.400 nhà đầu tư thiên thần nước ngoài quan tâm tới Việt Nam [10].

Theo Topica Founder Institute (TFI), lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 - 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD [11]. Đa số đầu tư vào các startup từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Hình 4: Thống kê đầu tư vào startup

             từ năm 2016 đến năm 2018 tại Việt Nam             

thong_ke_dau_tu_vao_startup_tu_nam_2016_den_nam_2018_tai_viet_nam

Nguồn: Vietnam Finance [11]

Theo thông tin được công bố trên các báo điện tử trong nước, một số startup tiêu biểu tại Việt Nam như Vntrip, Logivan, Bizzi, Vibeji,… đã từng nhận được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần nước ngoài. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê từ các tổ chức về số lượng và giá trị đầu tư của nhà đầu tư thiên thần vào startup tại Việt Nam, do đầu tư thiên thần vẫn là hoạt động tương đối mới mẻ tại nước ta trong bối cảnh hệ sinh thái startup mới hình thành chưa lâu.

Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật của Việt Nam định nghĩa và quy định cụ thể về đầu tư thiên thần. Hoạt động đầu tư thiên thần có tính chất rủi ro cao nhưng rất cần thiết cho sự phát triển của startup. Do đó, tại hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều xây dựng hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thiên thần. Ngoài ra, các nước thường có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân để thu hút đầu tư thiên thần nước ngoài vào startup trong nước; chính sách khuyến khích thành lập và hoạt động của mạng lưới nhà đầu tư thiên thần,… Trong giai đoạn hình thành hệ sinh thái startup như tại Việt Nam hiện nay thì vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường pháp lý khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động đầu tư thiên thần vào startup. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà nước sẽ ban hành những quy định và chính sách cụ thể về đầu tư thiên thần để khuyến khích hoạt động đầu tư vốn của các nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước cho startup Việt Nam. Vốn đầu tư thiên thần cũng là nguồn lực quan trọng trong phát triển hệ sinh thái startup tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akhilesh Ganti (2020), Angel Investor, Investopedia, <https://www.investopedia.com/terms/a/angelinvestor.asp>, truy cập 12/7/2020.
  2. OECD (2011a), Financing High-Growth Firms: The Role of Angel Investors, http://dx.doi.org/10.1787/9789264118782-en, truy cập 12/7/2020.
  3. FDI Summit 2020, World Business Angels Investment Forum (2020), <https://www.forum2021.istanbul/FDI-Summit-2020-About>, truy cập 12/7/2020.
  4. Jason D. Rowley (2020), The Q4/EOY 2019 Global VC Report: A Strong End To A Good, But Not Fantastic, Year, <https://news.crunchbase.com/news/the-q4-eoy-2019-global-vc-report-a-strong-end-to-a-good-but-not-fantastic-year/>, truy cập 12/7/2020.
  5. Laura Huang và cộng sự (2017), The American Angel, the first in-depth report on the demographics and investing activity of individual American angel investors, Harvard Business School, <https://www.hbs.edu/faculty/Publication%20Files/American%20Angel_50333d06-b332-4221-9919-2c35057ca468.pdf>, truy cập 12/7/2020.

6.      EBAN (2019), Statistics Compendium 2018 European Early Stage Market Statistics, <https://www.eban.org/wp-content/uploads/2020/06/Statistics-Compendium-2018-FINAL-NEW.pdf>, truy cập 12/7/2020.

7.      The State of European Tech (2019), <https://2019.stateofeuropeantech.com/chapter/investors/article/angels/>, truy cập 12/7/2020.

8.      E27 (2019), Southeast Asia Startup Ecosystem Report 2018, <https://e27.co/e27-southeast-asia-startup-ecosystem-report-2018-20190121/>, truy cập 12/7/2020.

9.      Vietnam's Innovation Ecosystem 2019 Report, Australian Trade and Investment Commission Vietnam (2019), <https://www.austrade.gov.au/local-sites/vietnam/news/vietnam_innovation_ecosystem>, truy cập 12/7/2020.

  1. Vietnam Angel Investors. <https://angel.co/vietnam/investors>, truy cập 12/7/2020.
  2. Viễn Thông (2019), Gần 900 triệu USD đổ vào các startup Việt trong năm 2018, báo điện tử Vietnam Finance, <https://vietnamfinance.vn/gan-900-trieu-usd-do-vao-cac-startup-viet-trong-nam-2018-20180504224218770.htm>, truy cập 12/7/2020.

 

INVESTMENT OF ANGEL INVESTORS IN THE WORLD AND IN VIETNAM

DANG THANH DAT

Center for Enabling Startups and Knowledge Transfer

Vietnam National University - Hanoi Campus

ABSTRACT:

Angel investors play an important role in providing capital and supporting startups before they become mature to access venture capital funds. The success of many famous brands in the world such as Facebook, Google, Apple, Amazon and Starbucks is thanks to angel investors who invested, supported and guided them in doing businesses. There are about 30,000 startups in the world receiving investment from angel investors every year with increasing amounts of capital. In Vietnam, the investment of angel investors has formed along with the development of the startup ecosystem which is supported and promoted by the Government of Vietnam. This paper summaries the current situation of angel investors’ investment in the world and in Vietnam.

Keywords: Angel investor, startup, investment, angel, investor.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 22, tháng 9 năm 2020]