Đẩy mạnh thương mại điện tử: Phải xây dựng lòng tin cho người tiêu dùng trực tuyến

Để người tiêu dùng tiếp tục “mặn mà” cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là 2 câu chuyện lớn, một là sự tin cậy, hai là lợi ích của cả đôi bên

Sau Covid-19, 62% người dùng vẫn muốn mua hàng online 

Tại Diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam - Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online", do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 20/8, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh nhận định, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ông Thành nhấn mạnh, tiêu dùng online không chỉ là câu chuyện xu hướng, mà vài năm gần đây, tốc độ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vào loại nhanh nhất khu vực. Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online. Đối với các doanh nghiệp, đây là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, là cách thức sống còn trong giai đoạn này.

khuynh hướng tiêu dùng trực tuyến
Tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng

Trong khi đó, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc - Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam lại cho rằng, bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

Đặc biệt, xu hướng mua sắm trực tuyến sau Covid-19 vẫn tăng cao, kết quả khảo sát cho thấy có đến 62% ý kiến cho biết vẫn duy trì mua hàng trên mạng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, còn những trở ngại khiến thương mại điện tử vẫn chưa phát triển được hết tiềm năng vốn có.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm.

Khảo sát mua sắm trực tuyến năm 2019 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, nhu cầu mua sắm quần áo: 24%; hàng cá nhân: 21%; hàng điện tử: 18%; vé máy bay, xem phim: 17%; nội dung online: 19%...

Tuy nhiên, có thực trạng là niềm tin của người tiêu dùng điện tử bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sản phẩm quá với chất lượng thực tế. Do đó, nhiều giao dịch không diễn ra đối với những mặt hàng có giá trị cao.

“Câu chuyện ở đây là niềm tin của người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để cân bằng giữa mua bán truyền thống và mua bán online?”, ông Lê Đức Anh đặt vấn đề.

Xây dựng lòng tin cho khách hàng

Để thúc đẩy người dân thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online, ông Lê Đức Anh cho rằng, cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thúc đẩy thị trường thông qua mua bán online và nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Quốc Quyền - Giám đốc đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc cho hay, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới. Tuy nhiên, thanh toán trực tuyến tiêu dùng online vẫn chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.

Cụ thể, tại sàn thương mại điện tử Tiki, với khoảng 4,5- 5 triệu đơn hàng mỗi tháng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là tiền mặt.

Để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, đại diện Tiki kiến nghị, cơ quan quản lý cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Thêm vào đó, cần có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép.

Ngoài ra, đại diện Tiki cũng đề xuất, các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng tiếp tục “mặn mà” cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đây là 2 câu chuyện lớn, một là sự tin cậy, hai là lợi ích của cả đôi bên. Do đó, phải làm thế nào để cân bằng, giúp người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng trả tiền trước cho các đơn hàng mua sắm online.

“Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD. Điều này hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuỗi giá trị bán hàng, các chính sách thanh toán, bảo mật thông tin người tiêu dùng…”, TS. Võ Trí Thành cho hay.

[Quảng cáo]

Hạ An