Đề nghị hỗ trợ 100% tiền điện cho doanh nghiệp cấp đông thịt lợn để đối phó với dịch bệnh

Một trong những cơ chế nổi bật được các đại biểu đưa ra trong cuộc họp đề xuất cơ chế thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn, đó là đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ tài chính, điện, kho bãi cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn.

Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến khó lường, chiều 30/5/2019, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi họp để đề xuất cơ chế hỗ trợ, tổ chức thực hiện thu mua, giết mổ lợn và cấp đông thịt lợn nhằm bình ổn thị trường trong thời gian tới.

Tính đến ngày 29/5/2019, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 44 tỉnh, thành phố; trên 2 triệu con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy, tương đương với 7%  tổng đàn lợn. Tại những địa phương có dịch như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều huyện xã của địa phương đó.

Từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình dịch bệnh lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, giá tăng nhẹ trở lại.

dự trữ thịt lợn cấp đông
Một trong những cơ chế nổi bật được các đại biểu đề xuất đó là đề nghị hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia cấp đông, hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng...

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).

Trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn  biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Binh, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.

Do vậy, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn là một trong các giải pháp cần thiết để giảm thiểu lây lan dịch bệnh, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá lợn không bị rơi xuống thấp trong thời điểm hiện nay, đảm bảo thực phẩm sạch,cung cấp thịt lợn trong thời gian tới, không để sốt giá, nhất là những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Một trong những cơ chế nổi bật được Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hỗ trợ đó là đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện chủ trương cấp đông, dự trữ thịt lợn. Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị, các Bộ ngành hỗ trợ các doanh nghiệp về chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng.

Đồng thời, đề nghị hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông và hỗ trợ 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Hồng Hà