Dệt may mở chuỗi cung ứng mới

Bên cạnh việc nỗ lực vượt qua hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở ra chuỗi cung ứng mới về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phòng dịch cho châu Âu và Hoa Kỳ.
Dệt kim Đông Xuân
 Dệt kim Đông Xuân tự sản xuất nguyên liệu có tính năng kháng nước và kháng khuẩn công nghệ nano bạc

Tìm “cơ” trong “nguy”

Theo nhận định của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đại dịch Covid-19 khiến nhiều đối tác ở 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và EU tạm dừng nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam. Ngành Dệt May Việt Nam có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu kịch bản dịch Covid-19 được kết thúc vào cuối tháng 5/2020. Nhưng điều thực sự lo ngại nằm ở chỗ, lao động toàn ngành sẽ thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Trước sự đứt gãy nguồn cầu, nhiều doanh nghiệp dệt may mở chuỗi cung ứng mới, với tiêu chí cao nhất là bù đắp phần nào sự thiếu hụt đơn hàng truyền thống và kiếm việc làm mới giữ chân người lao động. Từ tháng 2, Tổng công ty May 10 dự đoán tháng 4/2020, sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng, nên đã quyết định chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang y tế.

Hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020).Một đối tác khác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu chiếc khẩu trang y tế.

TNG cũng đã xuất những lô hàng khẩu trang đi châu Âu gần một tháng nay. Hàng triệu chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn đã có mặt tại Pháp, Bỉ, Đức... Ngoài khẩu trang nano vải kháng khuẩn, TNG cũng sẽ sản xuất khẩu trang y tế từ trung tuần tháng 5. Dây chuyền, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế đã được TNG nhập và sẽ về nhà máy trong 40 ngày nữa. Có dây chuyền về là TNG sẽ vào ca sản xuất luôn, thị trường đầu ra cho mặt hàng này đang khá tốt.

Mới đây, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) cũng vừa xuất khẩu những lô hàng đầu tiên là những chiếc khẩu trang 3 lớp - kháng giọt bắn, kháng khuẩn và bảo vệ da tới thị trường Mỹ và một số nước tại châu Âu như Ba Lan, Hà Lan.

Cùng với khẩu trang, nhiều doanh nghiệp dệt may đã kịp thời đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế phòng dịch. Những sản phẩm này đang mở ra những chuỗi cung ứng mới, bù đắp phần nào cho chuỗi cung ứng hàng may mặc thời trang đang tạm thời đóng băng do đại dịch Covid-19.

Vượt qua hàng rào kỹ thuật

Mở ra chuỗi cung ứng mới về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phòng dịch cho châu Âu và Hoa Kỳ không đơn giản, và không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng làm được điều này.

Tiêu chuẩn OeKO-Tex® 100
 Để đạt tiêu chuẩn OeKO-Tex® 100  sẽ trải qua trên 100 tiêu chí kiểm tra

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản là dễ kiếm. Có doanh nghiệp nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Có đơn vị như Dệt kim Đông Xuân tự sản xuất nguyên liệu có tính năng kháng nước và kháng khuẩn công nghệ nano bạc. Hay như Công ty Dệt lụa Nam Định đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.

Nhưng để xuất hàng sang thị trường EU, Hoa Kỳ từng đó là chưa đủ, mà phải tuân thủ theo quy định của đối tác nhập khẩu hoặc nước nhập khẩu. Theo Việt Thắng Jean, một số đối tác chỉ định nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm khẩu trang phải nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Hay đối với hóa chất là phải lấy từ thị trường châu Âu, Nhật Bản hoặc Thái Lan..

Hơn thế nữa, để xuất sang châu Âu, Hòa Kỳ , doanh nghiệp phải có được chứng nhận OeKO-Tex® 100 về xuất xứ nguyên liệu vải.

Tiêu chuẩn OeKO-Tex® 100 là hệ thống kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ đồng nhất trên khắp thế giới cho các nguyên liệu thô, bán thành phẩm và sản phẩm trong ngành dệt may, bao gồm tất cả các cấp độ trong sản xuất với mục đích bảo đảm không chứa chất độc hại một cách tổng thể. để đạt tiêu chuẩn OeKO-Tex® 100  sẽ trải qua trên 100 tiêu chí kiểm tra như nồng độ formaldehyde, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, các chất dẫn gốc Clor hữu cơ và các chất bảo quản như Tetra - và pentachlorophenol…

Có được chứng nhận OeKO-Tex® 100 không hề dễ dàng. Quy trình thẩm định, đánh giá để đạt chứng nhận này không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ các nước siết chặt lệnh hạn chế di chuyển nhằm phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã vượt qua hàng rào kỹ thuật, mở ra chuỗi cung ứng mới về khẩu trang, đồ bảo hộ y tế phòng dịch cho châu Âu và Hoa Kỳ.

Không chỉ vậy, ở thị trường Âu-Mỹ, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa trở nên phổ biến. Vì vậy, bên cạnh hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thêm để người sử dụng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Lâm Thao