Dí dỏm những lời chúc Tết

Xưa các cụ chúc nhau có văn phong, có trước sau, trên dưới, thể hiện sự hiểu biết và trí tuệ. Giờ thì chỉ cần nhận một lời chúc chân thành, đọc lên nghe thấy hay, thấy hài hước, vui tươi là được.

Tết là thời khắc khởi đầu của một năm mới, là thời điểm mọi người gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu mong cho một năm mới bình an. Phong tục chúc Tết của các cụ ta từ xưa đến nay quả là một nét đẹp văn hóa, có giá trị tinh thần đối với đa số người dân.

Tết cũng là thời điểm của những hy vọng, mong cầu. Hy vọng cuộc sống trong năm tới tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, an bình hơn, no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Cái mình mong cầu đó cũng chính là điều mong cầu của mọi người. Bởi vậy, người ta chúc nhau những điều tốt đẹp để cùng nhau xác tín rằng năm tới vạn sự như ý, được những việc cát tường...

Tập tục này trước hết thể hiện qua lời nói: Chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phát tài… Ngoài ngôn từ còn có những hình thức biểu đạt như câu đối, thiệp và những biểu hiện khác: mượn giấy để viết chữ, mượn hình vẽ thành tranh khánh chúc, vẽ trên bao lì xì và gởi gắm lời cầu mong và chúc tụng trên các đồ trang trí ngày Tết.

Nội dung những lời chúc Tết cũng có lắm cái điều thú vị. Xưa các cụ chúc nhau có văn phong, có trước sau, trên dưới, thể hiện sự hiểu biết và trí tuệ. Giờ thì chỉ cần nhận một lời chúc chân thành, đọc lên nghe thấy hay, thấy hài hước, vui tươi là được.

Giả dụ như câu chúc: “Năm mới, chúc Anh/Chị tiền vào như nước sông Đà. Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin” chẳng biết có từ bao giờ, nhưng nghe vừa bình dị, vừa buồn cười mà hình ảnh so sánh thì cực kỳ ấn tượng.

Nhiều bạn trẻ còn sáng tạo nguyên một “món ăn lời chúc” với đầy đủ gia vị để người được chúc “thưởng thức”: “Công thức nấu món đêm 30 tết năm mới: Lấy toàn thể 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị, thù oán… rồi để cho ráo nước. Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hay 31 phần. Trộn đều với một chút tin yêu, một chút kiên nhẫn, một chút can đảm, một chút cố gắng, một chút hy vọng, một chút trung thành. Ướp thêm gia vị lạc quan, tự tin và hài hước. Rồi đem ngâm một lát trong dung dịch “Những điều tâm niệm của mình”. Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào “Nồi yêu thương” và nấu với lửa “Vui mừng”. Đem ra ăn với “Nụ cười” trong chén “Bao dung”…”

Dù chúc bằng những công cụ hiện đại như qua tin nhắn điện thoại, qua mạng xã hội nhưng cái “chất” truyền thống vẫn được người Việt gửi gắm qua những lời chúc. Đó có thể là một câu vè nghe vui tai nhưng tràn đầy những điều may mắn tốt đẹp: “Năm mới Tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la. Mọi nhà no đủ. Vàng bạc đầy hũ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai. Sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. Lộc đến quanh năm. An khang thịnh vượng!”.

Đó có thể là một câu ca dao, hay câu nói vần: “Năm mới. Chúc luôn hoan hỷ. Sức khỏe bền bỉ. Công danh hết ý. Tiền vào bạc tỉ. Tiền ra ri rỉ. Tình yêu thỏa chí. Vạn sự như ý. Luôn cười hi hi. Cung hỷ cung hỷ”.

Hay đó là câu chúc chơi chữ, dí dỏm… khiến người nhận được lời chúc phải bật cười kiểu như: “Chúc cho năm mới phát tài, phát lộc, phát tướng, phát danh chứ… đừng phát phì!”.

Dù xưa hay nay, mỗi lời chúc đều được gửi gắm vào đó những mong ước cho một năm mới an vui, may mắn và hạnh phúc. Thế nên, ngại gì mà không trao cho nhau những lời chúc!?

Thế Đạt