Địa vị pháp lý của hiệu trưởng trường đại học tư thục - Nhìn từ mô hình quản trị công ty

Lê Anh Vân (Học viên cao học Khoa Luật - Học viện Khoa học Xã hội); TS. Nguyễn Thị Tâm (Khoa Luật - Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh)

Tóm tắt:

Ngày nay, hệ thống các trường đại học tư thục dần khẳng định vai trò quan trọng trong giáo dục đại học toàn cầu. Do đó, phát triển trường đại học tư thục trở thành một nhiệm vụ phù hợp với xu thế chung của thế giới. Bài viết đưa ra một số điểm khái quát về địa vị pháp lý của hiệu trưởng trường đại học tư thục theo Luật Giáo dục đại học - nhìn từ mô hình quản trị công ty. Trong đó, tác giả có liên hệ đến hội nghị nhà đầu tư và hội đồng trường trong mối quan hệ với hiệu trưởng trường đại học tư thục.

Từ khóa: Hiệu trưởng, trường đại học tư thục, quản trị đại học, quản trị công ty.

1. Đặt vấn đề

Thực tiễn Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình doanh nghiệp một cách rõ nét, từ đại hội đồng cổ đông cho đến hội đồng quản trị, từ cổ phần cho đến cổ tức. Đối với cơ sở giáo dục nói chung, cũng như với trường đại học nói riêng, hiệu trưởng đương nhiên giữ một vị trí và vai trò quan trọng. Dù vậy, địa vị pháp lý của hiệu trưởng là có khác nhau phụ thuộc vào loại hình và mô hình quản trị mà trường đại học lựa chọn, thông thường được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Luật Giáo dục đại học 2018 đã sử dụng thuật ngữ “hội nghị nhà đầu tư” và “hội đồng trường” thay thế cho “đại hội đồng cổ đông” và “hội đồng quản trị”, cũng như làm rõ nhiều quyền hạn và trách nhiệm của các thiết chế quản trị đại học này. Địa vị pháp lý của hiệu trưởng trường đại học tư thục cũng có những thay đổi trong mối quan hệ quản trị đại học đó.

2. Trường đại học tư thục theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Trường đại học tư thục là một trong hai loại hình cơ sở giáo dục đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học 2018. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học bao gồm cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục. Nếu cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu, thì cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động.

Trường đại học tư thục bao gồm trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, thực ra thì trong luật thực định hay ngoài thực tiễn đều không có định nghĩa trực tiếp để chỉ khái niệm “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận”. Đối với loại hình đại học này, luật giáo dục đại học cũng chỉ gọi là “trường đại học tư thục” nói chung. Cũng như vậy, cụm từ “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận” chỉ xuất hiện khi đặt bên cạnh để so sánh với “trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.

Còn trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn. Nhà đầu tư của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận cũng không hưởng lợi tức; thay vào đó, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung, hợp nhất, không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường.

3. Quản trị công ty và quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp

Quản trị công ty, theo Ngân hàng Thế giới, là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của các công ty, cho phép công ty có thể thu hút được tài chính và nhân lực để hoạt động có hiệu quả, nhờ đó mà có thể tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của các bên có lợi ích liên quan và của xã hội nói chung.

Trong cuốn “Nguyên tắc quản trị công ty”, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Châu Âu đã đưa ra định nghĩa về quản trị công ty là những biện pháp nội bộ để điều hành và kiểm soát công ty liên quan tới mối quan hệ giữa ban giám đốc, hội đồng quản trị và các cổ đông của một công ty với các bên có quyền lợi liên quan. Qua đó, quản trị công ty chỉ được xem là có hiệu quả khi khích lệ được ban giám đốc và hội đồng quản trị theo đuổi các mục tiêu vì lợi ích của công ty và của các cổ đông, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của công ty một cách hiệu quả, khuyến khích công ty sử dụng các nguồn lực một cách tốt hơn.

Trên thế giới, quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp đã xuất hiện từ thập niên cuối của thế kỷ trước, tại cả những trường đại học có bề dày và uy tín lâu năm, cũng như tại trường trẻ tuổi hơn tại các quốc gia mới nổi. Theo Đinh Xuân Khoa (2018), đại học theo mô hình doanh nghiệp đang là xu thế phát triển toàn cầu, trong đó nhấn mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các trường đại học vào quá trình đổi mới sáng tạo và tạo ra các giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội.

Để quản trị đại học hiệu quả, theo Trần Văn Nam (2019), các cơ sở giáo dục đại học nên tổ chức, quản lý như một công ty, với các cơ chế hoạt động và giám sát. Quản trị đại học theo mô hình doanh nghiệp không theo đuổi mục tiêu kinh tế hoàn toàn, mà tích hợp với phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn. Tăng nguồn thu thông qua nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đây vừa là cách để nhà trường tự chủ kinh tế, vừa là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo.

Có thể đánh giá rằng, toàn bộ các trường đại học tư thục hiện nay đều tổ chức và hoạt động không khác gì một mô hình doanh nghiệp (Bùi Thành Dũng, 2018), mặc dù chưa có điều nào quy định cụ thể cho họ hoạt động như là một doanh nghiệp. Do đó, hoạt động của trường đại học tư thục mang đầy rủi ro, bất cập, và khó đảm bảo cho sự phát triển và tồn tại lâu dài.

Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013) cho rằng quản trị đại học là quá trình xây dựng và tập hợp các quy tắc, hệ thống nhằm quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động của một trường đại học. Nhà quản trị đại học chịu trách nhiệm trước nhà trường, cộng đồng và người học về sự tin cậy, tính thích ứng và hiệu quả chi phí quản lý thông qua việc phân chia trách nhiệm, nguồn lực và kiểm soát tính hiệu lực và hiệu quả. Quản trị đại học là phương cách để những người có thẩm quyền lãnh đạo hướng dẫn và giám sát các mục tiêu và giá trị của nhà trường thông qua các chính sách và quy trình thực hiện.

4. Địa vị pháp lý của hiệu trưởng trường đại học tư thục từ góc nhìn quản trị công ty theo Luật Doanh nghiệp 2014

3.1. Hiệu trưởng, hội đồng trường và hội nghị nhà đầu tư trong mô hình quản trị trường đại học tư thục

Luật Giáo dục đại học 2018 sử dụng thuật ngữ “hội nghị nhà đầu tư” và “hội đồng trường” thay thế cho “đại hội đồng cổ đông” và “hội đồng quản trị”. Theo đó, bộ khung mô hình quản trị đại học trong trường đại học tư thục sẽ bao gồm hội nghị nhà đầu tư, hội đồng trường, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, ban kiểm soát (có thể có hoặc không có), cùng các hội đồng, phòng, ban, khoa, bộ môn… cùng thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà trường.

Về hội nghị nhà đầu tư, nếu như Luật Giáo dục đại học 2012 quy định “Hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường” mà không minh định một cơ cấu nào khác đại diện cho quyền lợi của nhà đầu tư, thì Luật Giáo dục đại học 2018 đã quy định “nhà đầu tư là một cấp cao nhất trong cơ cấu quản trị trường đại học tư thục thông qua hội nghị nhà đầu tư”. Hội nghị nhà đầu tư là hội nghị của tất cả các nhà đầu tư của trường đại học tư thục được quy định trong Luật Giáo dục đại học.

Điều kiện, hình thức quyết định, tổ chức và hoạt động của hội nghị nhà đầu tư gần như để ngỏ chưa được nhắc đến trong Luật Giáo dục đại học 2018. Tuy nhiên, luật cũng ghi chú tất cả những vấn đề này phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Ngược lại, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 16a, Luật Giáo dục đại học 2018, lại do hội nghị nhà đầu tư thông qua nội dung.

Về hội đồng trường, Luật Giáo dục đại học 2012 dù chưa có thiết chế hội đồng trường đối với trường đại học tư thục, nhưng thay vào đó “hội đồng quản trị là tổ chức đại diện duy nhất cho chủ sở hữu” của trường đại học tư thục. Hiện nay, Luật Giáo dục đại học 2018 định nghĩa hội đồng trường dựa theo loại hình.

Theo đó, đối với trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Hội đồng trường “là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan” (Khoản 1, Điều 17, Luật Giáo dục đại học 2018); trong khi đó, đối với trường đại học công lập, Hội đồng trường “là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan” (Khoản 1, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018).

Về hiệu trưởng, vai trò điều hành của hiệu trưởng được quy định rõ từ Luật Giáo dục đại học 2012 cho tới Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018. Theo đó, hiệu trưởng “là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học…” phù hợp với một cơ cấu quản trị.

3.2. So sánh mô hình quản trị trường đại học tư thục theo Luật Giáo dục đại học với mô hình quản trị công ty theo luật doanh nghiệp

Nếu so sánh với hội đồng thành viên trong mô hình quản trị công ty TNHH từ hai thành viên trở lên thì có một điểm khác biệt căn bản, đó là hội đồng trường đại học tư thục chưa phải là một cấp quản trị cao nhất, mà còn phụ thuộc vào hội nghị nhà đầu tư (tương ứng với Luật Giáo dục đại học 2012 là Đại hội đồng cổ đông). Trong khi đó, hội đồng thành viên trong mô hình quản trị công ty TNHH từ hai thành viên trở lên là “cơ quan quyết định cao nhất của công ty” theo Khoản 1, Điều 56, Luật Doanh nghiệp 2014.

Hình 1: So với hội đồng thành viên của công ty TNHH từ hai thành viên trở lên thì hội đồng trường chưa phải là một cấp quản trị cao nhất

Ngược lại, khi so sánh với hội đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần thì hội đồng trường đại học tư thục có nét tương đồng về thẩm quyền quản trị (Hình 2). Nếu như hội đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần là cấp quản trị nằm giữa đại hội đồng cổ đông và giám đốc/ tổng giám đốc công ty, thì hội đồng trường đại học tư thục là tổ chức trung gian bên dưới hội nghị nhà đầu tư và bên trên hiệu trưởng.

Hình 2: Hội đồng quản trị của công ty cổ phần và hội đồng trường có sự tương đồng về thẩm quyền quản trị cũng như về cơ cấu thành viên

Qua khái niệm tại Khoản 1, Điều 16, Luật Giáo dục đại học 2018, có thể nhận thấy hội đồng trường của trường đại học tư thục đã được quy định là bao gồm đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành phần bắt buộc từ các bên liên quan - bên ngoài các nhà đầu tư, là nét khác biệt của hội đồng trường khi so sánh với mô hình quản trị công ty TNHH, vốn chỉ được quy định là “gồm tất cả các thành viên công ty” (Khoản 1, Điều 56, Luật Doanh nghiệp 2014). Ngược lại, thành phần bắt buộc từ các bên liên quan của hội đồng trường lại là nét tương đồng khi so sánh với hội đồng quản trị trong mô hình quản trị công ty cổ phần. Thật vậy, Điểm b, Khoản 1, Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014, về một mô hình quản trị công ty cổ phần bao gồm “đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc/tổng giám đốc”, quy định “ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập”. Như vậy có thể kết luận, so với hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì hội đồng trường chẳng những có sự tương đồng về cấp thẩm quyền quản trị, mà còn có những đặc trưng giống nhau về cơ cấu thành viên cấu thành hội đồng (Hình 2).

Mặc dù vậy, cần phải phải làm rõ rằng, bản chất của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị công ty cổ phần có một số khác biệt so với thành viên từ các bên liên quan của hội đồng trường trong trường đại học tư thục. Trong khi mục đích chính của sự hiện diện thành viên độc lập trong hội đồng quản trị công ty cổ phần là để góp phần bảo vệ cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số của công ty cổ phần khỏi những nguy cơ sai phạm, tư lợi, hay lạm quyền từ đội ngũ điều hành gồm các thành viên hội đồng quản trị khác và các thành viên ban giám đốc; thì ngược lại, thành viên từ các bên liên quan của hội đồng trường trong trường đại học tư thục không phải là để góp phần bảo vệ nhà đầu tư, mà trái lại là để bảo vệ các bên liên quan (gồm giảng viên, nhân viên, sinh viên và thậm chí là cộng đồng giáo dục, xã hội nói chung) khỏi những can thiệp quá đà hay “phản giáo dục” của những nhà đầu tư “cá mập”. Ở khía cạnh này, bản chất của thành viên từ các bên liên quan của hội đồng trường trong trường đại học tư thục là tương đồng với thành viên người lao động tham gia vào hội đồng ở tầng trên trong mô hình quản trị công ty cổ phần điển hình theo cấu trúc hai tầng ở Liên bang Đức.

Thành viên từ các bên liên quan của hội đồng trường bao gồm thành viên trong và ngoài trường đại học tư thục. Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP giải thích thành viên ngoài trường đại học là: nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động. Trong khi đó, thành viên trong trường đại học bao gồm: đại diện giảng viên, người lao động trên cơ sở nhân sự được hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, đại diện người học do tổ chức của người học giới thiệu. Thậm chí, đối với trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, thành phần độc lập của hội đồng quản trị còn được chỉ định cụ thể hơn dưới tên gọi là “thành viên đương nhiên” bao gồm: bí thư cấp ủy, hiệu trưởng trường đại học, chủ tịch công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - là người học của trường đại học (Điểm b, Khoản 3, Điều 17, Luật Giáo dục đại học 2018).

3.3. Hiệu trưởng giữ vai trò quản lý quan trọng, nhưng không mặc định là người đại diện theo pháp luật của trường đại học tư thục

Vai trò điều hành của hiệu trưởng được quy định rõ từ Luật Giáo dục đại học 2012 cho tới Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 trong mối quan hệ với Hội đồng trường. Theo đó, hiệu trưởng “là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học…” phù hợp với một cơ cấu quản trị.

Theo Luật Giáo dục đại học 2012, Hiệu trưởng - do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận, được quy định chung là người đại diện cho cơ sở giáo dục đại học trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, mà không có phân biệt giữa trường đại học công lập hay trường đại học tư thục. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học 2018 đã có sự điều chỉnh để bám sát với thực tiễn, hiệu trưởng trường đại học tư thục không đương nhiên là người đại diện pháp luật của trường; thay vào đó, người đại diện theo pháp luật của trường đại học tư thục có thể là một người khác nếu như có quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục - ví dụ như là chủ tịch hội đồng trường.

So sánh với các mô hình quản trị công ty, Khoản 2, Điều 78, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty trừ khi điều lệ công ty có quy định khác; cũng như đối với cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần (Khoản 2, Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014) thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Hiệu trưởng, dù là người đại diện theo pháp luật hay không, cũng là một mắt xích quản lý quan trọng trong mọi mô hình quản trị đại học. Vì tầm quan trọng đó, Luật Giáo dục đại học 2012 dành cho hiệu trưởng một vị trí đương nhiên trong hội đồng quản trị của trường đại học tư thục. Luật Giáo dục đại học 2018 dù đã tháo gỡ quy định cứng nhắc về cơ cấu thành viên đương nhiên của hiệu trưởng, nhưng vẫn thể hiện tinh thần đề cao vai trò của hiệu trưởng khi dự liệu trường hợp: nếu hiệu trưởng không là thành viên của hội đồng trường thì “trong các cuộc họp của hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học có quyền tham dự, thảo luận”; hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình về công tác quản lý các hoạt động của nhà trường trước Hội đồng trường; hiệu trưởng sử dụng các phương pháp quản lý phù hợp nhưng đảm bảo hướng tới việc tuân thủ công tác quản lý hiệu quả thông qua việc đề ra mục tiêu cụ thể và so sánh mức độ thành công của các mục tiêu.

3.4. Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng trường đại học tư thục

Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế là những nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù của chức danh hiệu trưởng nhằm đạt được các mục tiêu chung tối thiểu của một cơ sở giáo dục đại học, dù là công lập hay tư thục. Thậm chí, Điểm c, Khoản 4, Điều 17, Luật Giáo dục đại học 2018 còn dự liệu trường hợp chủ tịch hội đồng trường là người nắm giữ hết hoặc chia sẻ những nhiệm vụ và quyền hạn trên thì phải có đủ những tiêu chuẩn như hiệu trưởng.

Trừ những văn bản đã minh định trong luật hoặc trong quy chế tổ chức hoạt động của trường là thuộc thẩm quyền của hội nghị nhà đầu tư hoặc của hội đồng trường, hiệu trưởng có thẩm quyền ban hành nhiều quy định trong công tác quản lý hoạt động hàng ngày của cơ sở giáo dục đại học, như: bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền, quyết định dự án đầu tư.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, hội đồng trường, và các bên liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bao gồm: thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao đó.

3.5. Tiêu chuẩn và nhiệm kỳ của hiệu trưởng trường đại học tư thục đã được quy định linh hoạt hơn

Tiêu chuẩn của hiệu trưởng trường đại học là một điều từng gấy tranh cãi nhiều trong thực tiễn khi thực hiện Luật Giáo dục đại học 2012. Theo đó, hiệu trưởng phải “có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm; có trình độ tiến sĩ trở lên”. Luật Giáo dục đại học 2018 đã thay thế tiêu chuẩn “đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng ít nhất 05 năm” bằng quy định linh hoạt hơn, đó là có “kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học”.

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo quy định trong Luật Giáo dục đại học 2012 là 05 năm. Điều này cũng đã được linh hoạt hóa trong Luật Giáo dục đại học 2018 khi quy định nhiệm kỳ hiệu trưởng do hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường.

4. Kết luận

Thực tiễn hiện nay cho thấy, hầu hết các trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình doanh nghiệp. Ba thiết chế là hội nghị nhà đầu tư, hội đồng trường và hiệu trưởng của trường đại học tư thục có những nét tương đồng đáng kể so với đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và tổng giám đốc trong công ty cổ phần. Trong đó, hiệu trưởng có thể là người đại diện theo pháp luật của trường đại học tư thục, nhưng cũng có thể không. Điều này phụ thuộc vào quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục. Tuy nhiên, dù ở vai trò nào, qua địa vị pháp lý của mình, hiệu trưởng vẫn là một mắt xích quản lý quan trọng trong mọi mô hình quản trị đại học.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2005), Luật Doanh nghiệp 2005.
  2. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp 2014.
  3. Quốc hội (2012), Luật Giáo dục đại học 2012.
  4. Quốc hội (2018), Luật Giáo dục đại học 2018.
  5. Bùi Xuân Hải (2006), So sánh cấu trúc quản trị nội bộ của công ty cổ phần Việt Nam với các mô hình điển hình trên thế giới, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 6/2006.
  6. Ánh Ngọc (2019), Đổi mới quản trị đại học: Hướng tới mô hình định hướng doanh nghiệp, Giáo dục và Thời đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số ra ngày 24/2/2019.
  7. Bùi Thành Dũng (2018), Pháp luật vê thành lập và hoạt động của trường đại học tư thục theo mô hình doanh nghiệp, luận văn thạc sỹ luật học, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  8. Hải Bình (2018), Vận dụng tư duy doanh nghiệp trong quản trị trường đại học, Giáo dục và Thời đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số ra ngày 25/08/2018.
  9. Hoàng Thị Mai (2015), Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quản trị công ty cổ phần, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  10. IFC Tổ chức tài chính quốc tế (2004), Nguyên tắc quản trị công ty của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD (2004).
  11. Nguyễn Đông Phong & Nguyễn Hữu Huy Nhựt (2013), Quản trị đại học và mô hình cho trường đại học khối kinh tế ở Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 8 (18) tháng 01/2013.

The legal status of the private university’s rector from the perspective of corporate governance model

PhD. Le Anh Van

Postgraduate student, Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences

LLD Nguyen Thi Tam

Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

Abstract:

Private universities are increasingly playing an important role on global higher education system. Therefore, the task of strengthening private universities is in line with this trend. This article gives an overview of the legal status of the private university’s rector under Law on Higher education from the perspective of corporate governance model including limited liablity company and joint stock company models under the Law on Enterprises of Vietnam. This article also analyses tthe relationship among the rector, the university council and the general meeting of shareholders in private universities.

Keywords: Rector, private universities, university governance, corporate governance.