Dịch vụ thanh toán thẻ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ QUỲNH CHÂU (Khoa Tài chính Ngân hàng -Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng thương mại đã mang đến cho các ngân hàng một vị thế mới, một diện mạo mới. Bằng phương pháp thống kê, phân tích và tổng hợp, bài viết này công bố kết quả nghiên cứu về các loại thẻ ngân hàng hiện đang được sử dụng tại Việt Nam, qua đó đánh giá xu hướng của hoạt động kinh doanh thẻ và đưa ra các biện pháp phát triển dịch vụ tại các ngân hàng thương mại.

Từ khóa: Thẻ ngân hàng, thanh toán thẻ, dịch vụ thẻ, ngân hàng thương mại, dịch vụ thanh toán.

1. Đặt vấn đề

Thẻ là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do ngân hàng phát hành thẻ cấp cho khách hàng sử dụng để thanh toán hàng hóa dịch vụ tại các điểm cung ứng hàng hóa dịch vụ có ký hợp đồng thanh toán với ngân hàng, rút tiền mặt tại các máy rút tiền tự động hay các ngân hàng đại lý trong phạm vi số dư tiền gửi của mình hoặc hạn mức tín dụng được cấp. Thẻ còn được dùng để thực hiện nhiều dịch vụ khác thông qua hệ thống giao dịch tự động ATM như chuyển khoản, tra vấn thông tin tài khoản, thông tin các khoản chi phí sinh hoạt,…

Thẻ là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiên tiến và hiện đại. Thẻ ra đời không những đạt được hai mục tiêu là tiện lợi và an toàn cho việc thanh toán mà còn thể hiện được tính văn minh, hiện đại của thời kỳ hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

2. Cơ sở lý thuyết

Thẻ được phân chia thành các loại sau:

a. Phân loại theo công nghệ sản xuất:

  • Thẻ khắc chữ nổi (EmbossingCard): dựa trên công nghệ khắc chữ nổi, tấm thẻ đầu tiên được sản xuất theo công nghệ này. Hiện nay, người ta không còn sử dụng loại thẻ này nữa vì kỹ thuật quá thô sơ dễ bị giả mạo.
  • Thẻ băng từ (Magnetic stripe): dựa trên kỹ thuật thư tín với hai băng từ chứa thông tin đằng sau mặt thẻ. Thẻ này đã được sử dụng phổ biến trong hơn 20 năm qua, nhưng đã bộc lộ một số nhược điểm: do thông tin ghi trên thẻ không tự mã hóa được, thẻ chỉ mang thông tin cố định, không gian chứa dữ liệu ít, không áp dụng được kỹ thuật mã hóa, bảo mật thông tin,...

Thẻ thông minh (Smart Card): đây là thế hệ mới nhất của thẻ thanh toán, thẻ có cấu trúc hoàn toàn như một máy vi tính.

b. Phân loại theo tính chất thanh toán của thẻ:

  • Thẻ tín dụng (Credit Card): là loại thẻ được sử dụng phổ biến nhất. Theo đó, người chủ thẻ được phép sử dụng một hạn mức tín dụng có thể không phải trả lãi trong thời hạn 45 ngày để mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại những cơ sở kinh doanh, khách sạn, sân bay,... chấp nhận loại thẻ này.

        Gọi đây là thẻ tín dụng vì chủ thẻ được ứng trước một hạn mức tiêu dùng mà không phải trả tiền ngay, chỉ thanh toán sau một kỳ hạn nhất định. Cũng từ đặc điểm trên mà người ta còn gọi thẻ tín dụng là thẻ ghi nợ hoãn hiệu (delayed debit card) hay chậm trả.

  • Thẻ ghi nợ (Debit card): đây là loại thẻ có quan hệ trực tiếp và gắn liền với tài khoản tiền gửi. Loại thẻ này được sử dụng để mua hàng hóa hay dịch vụ, giá trị những giao dịch sẽ được khấu trừ ngay lập tức vào tài khoản của chủ thẻ thông qua những thiết bị điện tử đặt tại cửa hàng, khách sạn,... đồng thời chuyển ngân ngay lập tức vào tài khoản của cửa hàng, khách sạn,... Thẻ ghi nợ còn hay được sử dụng để rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động. Thẻ ghi nợ không có hạn mức tín dụng vì nó phụ thuôc vào số dư hiện hữu trên tài khoản của chủ thẻ.

Thẻ trả trước (Prepaid Card): đây là loại thẻ mới được phát triển trên thế giới, khách hàng chỉ cần trả cho ngân hàng một số tiền sẽ được ngân hàng phát hành thẻ với mệnh giá tương đương. Đặc tính của loại thẻ này giống như các thẻ khác, chỉ có điều thẻ này được giới hạn trong số tiền có trong thẻ và chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào quy định của mỗi ngân hàng, tức là hạn mức thẻ không có tính chất tuần hoàn.

c. Phân loại theo phạm vi lãnh thổ:

  • Thẻ trong nước: là thẻ được giới hạn trong phạm vi một quốc gia, do vậy đồng tiền giao dịch phải là đồng bản tệ của nước đó.

Thẻ quốc tế: đây là loại thẻ được chấp nhận trên toàn thế giới, sử dụng các ngoại tệ để thanh toán và được quy đổi theo tỷ giá của đồng ngoại tệ sử dụng.

d. Phân loại theo chủ thể phát hành:

  • Thẻ do Ngân hàng phát hành (Bank Card): là loại thẻ do ngân hàng phát hành giúp cho khách hàng sử dụng một số tiền do ngân hàng cấp tín dụng.
  • Thẻ do tổ chức phi ngân hàng phát hành: là loại thẻ du lịch và giải trí của các tập đoàn kinh doanh lớn hoặc các công ty xăng dầu lớn, các cửa hiệu lớn,... phát hành.

3. Thực trạng sử dụng thanh toán thẻ tại các NHTM hiện nay

Thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển mạnh. Đây là một tín hiệu rất tốt góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, thẻ thanh toán đã được biết đến hơn 10 năm trước đây, nhưng phải đến năm 1998 thị trường thẻ mới trở nên sôi động khi có sự tham gia của nhiều ngân hàng. Bởi lợi nhuận từ dịch vụ này rất hấp dẫn đối với các ngân hàng và đó chính là cơ hội để các NHTM Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây cũng là một trong những nghiệp vụ ngân hàng hiện đại giúp Việt Nam đi tắt đón đầu trong dịch vụ ngân hàng, giúp hoạt động ngân hàng trong nước có sức mạnh cạnh tranh về công nghệ với các ngân hàng nước ngoài trong lĩnh vực mới mẻ này. Tuy nhiên, đây cũng là dịch vụ đem lại không ít những khó khăn cho các ngân hàng Việt Nam, như: khó khăn về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ nói chung và bản thân ngân hàng nói riêng đã gây nhiều trở ngại đối với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh thẻ đạt tới những giá trị tiềm năng vốn có của nó, buộc ngân hàng phải không ngừng tự mình nhìn lại và đưa ra các biện pháp giải quyết để có thể đứng vững và khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

Thẻ ngân hàng tiếp tục là phương tiện thanh toán đa dụng, tiện ích, được các NHTM chú trọng phát triển, có tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng, trong quý I năm 2019 đạt 65 triệu giao dịch với tổng số tiền giao dịch là 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,45% về số lượng và 18,82% về giá trị so với cùng kỳ của năm 2017). Các NHTM đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn thanh toán thẻ. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Trong quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng so với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác đang có xu hướng tăng lên. Dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn và phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng với nhiều tiện ích khác nhau cung cấp cho khách hàng.

Để gia tăng lượng giao dịch không dùng tiền mặt, các ngân hàng hiện nay đang đẩy mạnh phát triển hệ thống chấp nhận thẻ như máy ATM, máy POS, mạng lưới thanh toán hàng hóa dịch vụ sử dụng thẻ, các tiện ích dịch vụ,… Ngoài rút tiền mặt, chủ thẻ có thể dễ dàng sử dụng thẻ trong các thanh toán giao dịch hóa đơn điện thoại, internet, trả phí bảo hiểm, chuyển khoản thanh toán,… Tiện ích của thẻ ATM không chỉ giúp chủ thẻ quản lý được tiền, không đem theo một lượng tiền lớn để thanh toán hàng hóa dịch vụ, tiết kiệm được tiền,… mà còn giúp họ tiết kiệm chi tiêu khi các ngân hàng phát hành thẻ phối hợp với những đơn vị bán hàng giảm giá hàng hóa cho khách hàng sử dụng thẻ. Ngoài ra, khách hàng sử dụng thẻ còn được bảo hiểm trong các trường hợp cụ thể, như: khi rút tiền từ máy ATM bị cướp; khi thanh toán mua hàng hóa nhưng bị mất hàng ngay sau khi mua hàng; khi mua vé máy bay bị trễ giờ bay; tai nạn du lịch toàn cầu; tư trang trong chuyến đi; trách nhiệm trong chuyến đi; gia sản khi vắng nhà; mua sắm; thất lạc ví;…

Quy mô dân số trẻ không ngừng mở rộng cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành là những yếu tố cơ bản khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card) ngày càng được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh việc phát triển số lượng thẻ, các NHTM ngày càng quan tâm đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ bằng việc tăng khả năng thanh toán cho chủ thẻ thông qua phát hành thẻ thanh toán đồng thương hiệu và đa ứng dụng có liên kết với các tổ chức khác, như trường học, hãng taxi, hãng hàng không, siêu thị…; chú trọng tăng độ an toàn, bảo mật của thẻ thanh toán như ứng dụng công nghệ Chip trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ, như phát hành và chấp nhận thanh toán thẻ chip chuẩn EMV.

a. Những tiện ích của sản phẩm thẻ đa năng hiện đại

ATM có nhiều chức năng, mang đến nhiều tiện ích giúp con người tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Một chiếc thẻ ATM đa năng đúng nghĩa có thể giúp bạn:

  • Nhanh chóng: thay vì tốn khoảng 45 phút để đến và chờ đợi các giao dịch viên của ngân hàng phục vụ, mỗi người chỉ cần vài phút đứng trước “ngân hàng tự động” ở gần nơi ở hay nơi làm việc cùng các thao tác đơn giản để đáp ứng ngay mọi nhu cầu tài chính của mình. Bên cạnh đó, khách hàng không cần phải sắp xếp thời gian đến ngân hàng trong giờ hành chính bởi “ngân hàng tự động” này sẽ phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
  • Tiện lợi: Thẻ ATM hiện đại có thể tích hợp các nhiều chức năng trong cùng một dịch vụ, từ các nhu cầu giao dịch cơ bản như rút tiền, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống với nhiều ngân hàng khác đến các nhu cầu giao thanh toán cho đời sống hàng ngày, như: hóa đơn tiền điện/nước, thanh toán thẻ tín dụng, vé máy bay, hóa đơn ĐTDĐ trả sau, phí bảo hiểm,… Tại máy ATM của các ngân hàng công nghệ cao, khách hàng còn có thể rút được tiền khi lỡ quên mang thẻ, đăng kí các dịch vụ online như vay vốn, ebanking và mobile banking hay gửi tiết kiệm online. Có thể thấy, các giao dịch của khách hàng sẽ thu gọn chỉ trong một chiếc thẻ với những thao tác đơn giản nhất, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại, thay vào đó khách hàng sẽ được thư thả hơn để tận hưởng cuộc sống.

b. Những hạn chế còn tồn tại

Bên cạnh những tiện ích trên, hoạt động thanh toán thẻ thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

  • Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển chưa đồng bộ do chi phí đầu tư cao nên các NHTM còn dè dặt khi quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng.
  • Thanh toán thẻ nội địa qua POS chưa nhiều; chất lượng máy POS chưa cao; hệ thống đường truyền đôi khi bị tắc nghẽn; tình trạng đơn vị chấp nhận thẻ thu phụ phí của khách hàng thanh toán bằng thẻ chưa được khắc phục triệt để nên doanh nghiệp, người dân còn chưa mặn mà với thanh toán qua POS.
  • Chất lượng phục vụ, quan tâm của một số các NHTM còn kém (khi được báo máy POS hư hỏng thì NHTM không cử ngay nhân viên đến sửa; khi rút tiền máy ATM gặp phải tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông,…).
  • Văn hóa sử dụng thẻ tại Việt Nam: hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đều có trang bị máy ATM ở nhiều nơi, nhằm phục vụ khách hàng thuận tiện, nhanh chóng. Song, tại địa điểm các máy ATM đã bộc lộ nét một số văn hóa chưa đẹp khi giao dịch thẻ, đơn cử như sau:

Phần lớn các hóa đơn hay những tờ tra cứu số dư đã bị vứt bừa bãi, mặc dù đa phần các ngân hàng đều đặt thùng rác ngay trong buồng ATM.

+ Tình trạng nói chuyện điện thoại trong khi vừa rút tiền hay chen ngang của những người giao dịch thẻ còn diễn ra phổ biến.

 Lợi dụng khi khách hàng tập trung rút tiền tại máy ATM, một số kẻ gian đã  nhìn trộm mật khẩu (hay còn gọi là mã PIN - viết tắt từ Personal Identification Number), nhằm thực hiện những hành vi gian trá, vi phạm pháp luật.

4. Kết luận

Để đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

  • Các NHTM chú trọng đầu tư đúng mức hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư các máy POS tiên tiến, hiện đại hơn.
  • Tập trung phát triển, bố trí hợp lý, sắp xếp lại mạng lưới POS, đảm bảo hoạt động hiệu quả; mở rộng các điểm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ có đủ điều kiện phải lắp đặt thiết bị POS và chấp nhận thanh toán bằng thẻ.
  • Gia tăng cải thiện chất lượng phục vụ cho nhân viên.
  • Khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội,...).
  • Chú trọng, tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật các hành vi vi phạm pháp luật trong thanh toán thẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Tiến (2010), Giáo trình Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, NXB. Thống kê.
  2. Trầm Thị Xuân Hương và nhóm tác giả (2013), Giáo trình Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, NXB. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
  3. Trần Huy Hoàng (2011), Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB. Lao Động.
  4. Phương Linh (2019). Phát triển ngân hàng số: Lấy khách hàng là trung tâm - Ứng dụng công nghệ 4.0 là nền tảng.

 

CARD-BASED PAYMENT OF COMMERCIAL BANKS IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI QUYNH CHAU

Faculty of Finance and Banking, Van Lang University

 

ABSTRACT:

The issuse of bank cards has supported the growth of commercial banks in Vietnam. This paper studies types of bank cards in Vietnam by using statistical and analytical methods, thereby assessing the trend of issuing bank cards and proposing solutions to develop bank card services of commercial banks.

Keywords: Bank cards, card-based payments, bank card services, commercial banks, payment services.