Điện Biên: Khuyến công là giải pháp để phát triển công nghiệp nông thôn

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khôi phục, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Điện Biên.

Hoạt động khuyến công tại Điện Biên luôn được xác định là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi nghề mới cho lao động nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, nhằm khuyến khích các cơ sở CNNT đổi mới công nghệ sản xuất... Giai đoạn 2016 -2020, hoạt động khuyến công giúp chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên hỗ trợ cho chương trình triển khai tại các huyện vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới…Trong đó, một số ngành sẽ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ như: công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ...

Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Ðể công tác khuyến công gắn chặt với địa bàn nông thôn, khuyến công Điện Biên còn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực khởi nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; trình diễn kỹ thuật và nhân rộng mô hình, như: Trình diễn kỹ thuật chế biến tinh bột sắn, miến dong, chế biến chè, kỹ thuật sản xuất gạch bằng lò đứng tuynel… Quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Hoạt động khuyến công đã khơi dậy các nghề truyền thống địa phương, như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề sản xuất chổi chít, sản xuất hàng mây tre đan... và khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công còn tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tập huấn về hoạt động khuyến công cho các huyện, thị xã và các cán bộ làm công tác khuyến công, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và người dân về hoạt động khuyến công.

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ khuyến công đã tác động tích cực tới các cơ sở sản xuất. Các cơ sở đã chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc Lào (như tôn sóng, tôn 3 lớp, gạch lát, đồ nội thất…). Nhìn chung các đối tượng thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ, các đề án được triển khai đều đạt hiệu quả cao giúp cơ sở tăng năng suất lao động, tăng doanh thu. Đặc biệt, các đề án đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là với lao động là người dân tộc thiểu số như hợp tác xã dệt thổ cẩm Lào - Na Sang II, Công ty TNHH số 32, Công ty TNHH Hải An Điện Biên, Công ty TNHH Phong Linh Điện Biên…

Hoạt động Khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mua sắm ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất CN-TTCN nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu đối với cơ sở sản xuất phát triển phù hợp với kinh tế thị trường địa phương. Tạo việc làm cho lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương góp phần an sinh xã hội.

Những thành tựu đã đạt được trong thời gian vừa qua là kết quả của các Chương trình KCQG, khuyến công tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn Điện Biên. Hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, Điện Biên là tỉnh miền núi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ít, không tập trung, quy mô sản xuất nhỏ và siêu nhỏ; thiếu vốn, thị trường nhỏ; Sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương; Khu, cụm công nghiệp và làng nghề chưa hình thành; Kinh phí hỗ trợ công tác khuyến công còn thấp. Nhận thức về chính sách khuyến công tại các vùng sâu vùng xa còn hạn chế; chưa có làng nghề, số lượng đề án đủ tiêu chuẩn thụ hưởng kinh phí khuyến công quốc gia không nhiều, nên chưa khai thác được nhiều nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.

Nhằm động viên và huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất CNNT và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh cấn có một cơ chế chính sách ưu tiên, tăng cường nguồn kinh phí khuyến công cho những vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết. Công tác khuyến công sẽ chú trọng các cơ sở sản xuất công nghiệp - TTCN ở làng nghề làm hạt nhân phát triển sản xuất. Hỗ trợ truyền nghề, đào tạo lao động khôi phục nghề truyền thống, phát triển nghề mới, làng nghề và phát triển cụm điểm công nghiệp, nhằm thu hút lao động nông nhàn, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương sản xuất các sản phẩm độc đáo, mang bản sắc dân tộc vùng, miền như: Dệt thổ cẩm, đồ trang sức, để gắn với phát triển du lịch; Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, ứng dụng thương mại điện tử vào xúc tiến thương mại,...

Đồng thời ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình OCCOP theo QĐ phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và phải tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho lao động nông thôn, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Hy vọng, với những chủ trương và giải pháp thực hiện cụ thể, khuyến công Điện Biên sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa, làm thay đổi nhanh chóng vùng nông thôn miền núi Điện Biên.

Lê Hoa