Điện lực Lạng Sơn: Chú trọng an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

Xác định công tác ATVSLĐ, PCCN là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành, thời gian tới Công ty Điện lực Lạng Sơn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp này.

Hiện Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) quản lý, vận hành  214 km đường dây 110kV; 2.718,2km đường dây trung áp; 5.212 km đường dây hạ áp; 4 Trạm biến áp 110kV tổng công suất 195MVA; 13 trạm biến áp trung gian và 1.720 trạm phân phối tổng công suất 432,1MVA.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) PC Lạng Sơn chú trọng nhiều giải pháp như: quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên, người lao động các văn bản pháp luật về ATVSLĐ, PCCN của các cấp; xây dựng kế hoạch thực hiện ATVSLĐ, PCCN theo từng tháng, quý.

Đồng thời, tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn lao động giữa các cá nhân, tổ, đội với Công đoàn, Giám đốc các điện lực, xí nghiệp, đội trưởng đội vận hành lưới điện cao thế; huấn luyện, sát hạch quy trình an toàn cho các đối tượng trong diện kiểm tra; quán triệt 100% cán bộ, nhân viên, người lao động phải thành thạo biện pháp an toàn cho từng công việc, biết nhận diện mối nguy hiểm, đánh giá rủi ro, biện pháp phòng tránh...

điện lực lạng sơn
Điện lực Lạng Sơn chú trọng an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

Theo đó, các giải pháp được triển khai tích cực, hiệu quả, từ 2018 đến nay, PC Lạng Sơn tuyên truyền các văn bản về an toàn điện được trên 150 cuộc, phát trên 1.500 bộ tài liệu, treo 350 khẩu hiệu, pa nô về sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ; xây dựng đề cương, bài giảng, bộ câu hỏi kiểm tra trắc nghiệm huấn luyện, kiểm tra sát hạch quy trình an toàn điện định kỳ.

Cùng với đó, các đơn vị tự huấn luyện lý thuyết quy trình quy phạm tuần, tháng được trên 5.000 lượt người; thực hành cấp cứu người bị điện giật trên hình nhân bán thân được trên 450 lượt, thực hành trèo cột ly tâm bằng guốc trèo chuyên dùng cho trên 600 lượt người.

Một trong những biện pháp quan trọng, được chú trọng thực hiện đó là kiểm tra, kiểm soát đầu giờ, kiểm tra đột xuất tại hiện trường, kiểm tra, phúc tra công tác ATVSLĐ. Qua đó, từ 2018 đến nay, PC Lạng Sơn đã kiểm tra đột xuất tại hiện trường, phúc tra và tổng kiểm tra công tác ATVSLĐ được trên 60 lần, lãnh đạo, công đoàn các đơn vị trực thuộc Công ty kiểm tra được trên 1.150 lần. Qua kiểm tra tại hiện trường đã kịp thời khắc phục được các nguy cơ  gây mất an toàn, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý cắt giảm thưởng và học lại quy trình.

Trong công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), PC Lạng Sơn triển khai quán triệt, phổ biến các quy định của các cấp, ngành về PCCN tới cán bộ, nhân viên; các đơn vị trực thuộc đều có phương án phòng cháy chữa cháy và tổ chức diễn tập; các phương tiện phòng cháy chữa cháy được kiểm tra định kỳ 1 tháng/lần.

Từ năm 2018 đến nay, PC Lạng Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy- Công an tỉnh tổ chức kiểm tra chuyên đề về phòng cháy chữa cháy tại 13/13 đơn vị trực thuộc, 7/7 trạm biến áp trung gian; tổ chức huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho 170 cán bộ, nhân viên là đội viên đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Song song với đó, các trang bị dụng cụ, trang bị an toàn về bảo hộ lao động như: mũ bảo hộ, quần áo chuyên dụng, dây an toàn, bút thử điện cao cấp... được quan tâm đầu tư hàng tỷ đồng/năm. Năm 2018, PC Lạng Sơn trích gần 5,4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, năm 2019 Công ty tiếp tục đầu tư mua sắm với nguồn kinh phí gần 6 tỷ đồng. Qua đó đảm bảo các trang thiết bị bảo hộ cho cán bộ, nhân viên, người lao động được đầy đủ, an toàn.

Với các giải pháp tích cực, hiệu quả, công tác ATVSLĐ, PCCN được đảm bảo, trong 5 năm trở lại đây PC Lạng Sơn không xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ. Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng an toàn của PC Lạng Sơn cho biết: xác định công tác ATVSLĐ, PCCN là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành, thời gian tới PC Lạng Sơn tiếp tục triển khai các giải pháp.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các văn bản của các cấp, ngành về ATVSLĐ, PCCN đến cán bộ, nhân viên; triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp xây dựng văn hóa an toàn lao động, gồm: nhóm giải pháp trong công tác quản lý ATVSLĐ, trong công tác huấn luyện, trong công tác tuyên truyền.

Lê Hoa