Điều kiện phát triển du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc: Thực trạng và một số khuyến nghị

NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG - ThS. ĐỖ THỊ NÂNG (Học viện Tài chính)

TÓM TẮT:

Tỉnh Vĩnh Phúc là nơi có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn với nhiều quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng như: Rừng quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà…; các lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và những di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh, như: Danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, di chỉ Đồng Đậu

Vĩnh Phúc còn là vùng đất với nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, chưa được nhiều du khách biết đến. Vì vậy, bài nghiên cứu phân tích thực trạng hiện tại của du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc và đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề tại đây.

Từ khóa: Du lịch, làng nghề, danh lam thắng cảnh, tỉnh Vĩnh Phúc.

1. Đặt vấn đề

Vĩnh Phúc là nơi có tiềm năng lớn về điều kiện phát triển du lịch làng nghề, nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử. Tuy nhiên, du lịch làng nghề Vĩnh Phúc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Các Sở, ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc chưa có nhiều chính sách, hoạt động nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. Các công ty du lịch trên địa bàn cũng như chính người dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng chưa có nhiều chương trình quảng bá hình ảnh các làng nghề đến với du khách. Chính vì vậy, bài nghiên cứu phân tích thực trạng hiện nay của du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc, để từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Thực trạng các điều kiện phát triển du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc

2.1. Nhu cầu du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ nhất, nguồn khách du lịch: Khách du lịch tới Vĩnh Phúc có nhu cầu du lịch làng nghề lại không nhiều. Theo khảo sát, hiện nay, nhu cầu du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạt 4,6% trong tổng số nhu cầu du khách muốn tham quan khi đến Vĩnh Phúc. Bởi các làng nghề truyền thống của tỉnh, như: Làng gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề, đá Hải Lựu, mộc Bích Chu, mộc Yên Lạc, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn… chưa được quảng bá đúng cách. Lợi thế của phần lớn các làng nghề là nằm trên trục giao thông thuận lợi, cả đường bộ lẫn đường sông nên thuận tiện để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Tại những làng nghề hiện nay vẫn có những nghệ nhân, cá nhân, gia đình còn tâm huyết với nghề; sản phẩm của làng nghề vẫn còn được nhiều người nhớ đến và có sự khác biệt.

Thứ hai, nhu cầu về các sản phẩm du lịch làng nghề đặc trưng: Hiện nay, thị trường lưu niệm tại Vĩnh Phúc vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với tài nguyên văn hóa vốn có. Một số làng nghề nổi tiếng, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như: Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), mật ong Tam Đảo, rắn Vĩnh Sơn,… Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn không có chỗ đứng tại các điểm du lịch. Mặt khác, các nghệ nhân làng nghề chưa nghiên cứu, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch.

2.2. Nguồn tài nguyên

Một là, mạng lưới các làng nghề Vĩnh Phúc khá dày đặc: Làng nghề ở Vĩnh Phúc có lịch sử tồn tại từ hàng trăm năm nay gồm có 27 làng nghề, trong đó 19 làng nghề truyền thống và 8 làng nghề mới được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh và hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu. Nhiều làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, như: làng rắn Vĩnh sơn, nghề gốm Hương canh, nghề đá Hải Lựu, mây tre đan Triệu Đề...

Các làng nghề ở Vĩnh Phúc đến nay vẫn bảo tồn được các nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú. Các di tích làng nghề như đình, chùa, nhà thờ họ, khu tưởng niệm… còn lưu giữ bảo tồn nhiều kiến trúc cổ, đồ cổ có giá trị về văn hóa lịch sử. Gắn liền là rất nhiều lễ hội liên quan đến hoạt động sản xuất của làng nghề. Đó là những điểm tham quan hấp dẫn về văn hóa làng nghề. Tại các làng nghề, người dân còn chế biến nhiều món ăn đặc sắc mang hương vị đặc trưng của vùng quê.

Tuy nhiên, ở Vĩnh Phúc, sản xuất trong các làng nghề và du lịch làng nghề phát triển còn mang tính tự phát, chưa có tính hợp tác và thiếu sự quy hoạch.

Vĩnh Phúc có rất nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng. Tuy nhiên, việc phát huy các sản phẩm này cho mục đích du lịch còn nhiều hạn chế. Một số các sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn tỉnh có chất lượng chưa cao và chưa đồng đều, trình độ thẩm mỹ và tính thương mại của sản phẩm còn nhiều hạn chế nên sức cạnh tranh trên thị trường còn kém. Đặc biệt hàng thủ công mỹ nghệ chưa có nhiều sản phẩm phản ánh sinh động giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương, nhiều sản phẩm còn sao chép của các nơi khác làm giảm tính hấp dẫn đối với du khách. Nhiều chủ cơ sở sản xuất do chạy theo lợi nhuận nên đã làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín của những làng nghề truyền thống.

Hai là, các di tích lịch sử văn hóa phong phú: Các di tích lịch sử văn hóa là một nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, giữ vai trò chính trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt khách du lịch quốc tế. Toàn tỉnh có gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó đã xếp hạng cấp quốc gia 228 di tích, nhiều di tích có giá trị, như: Tháp Bình Sơn - Lập Thạch được xây dựng từ thế kỷ XIII, đền thờ Trần Nguyên Hãn - Lập Thạch, cụm Hương Canh, Đình Thổ Tang... Trong đó, có những di tích có giá trị cao phục vụ phát triển du lịch như tháp Bình Sơn (xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch) là một trong những công trình kiến trúc đặc biệt được xây từ đời nhà Lý, đền thờ Trần Nguyên Hãn (ở Lập Thạch)... Đặc biệt, có nhiều khu di tích gắn với các khu danh thắng có sức thu hút với du khách rất lớn như đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Đây là một di tích gắn với truyền thuyết về một danh tướng của vua Hùng. Ngoài giá trị lịch sử, Tây Thiên còn là một vùng thắng cảnh với núi rừng, thác nước và suối đá ẩn hiện thơ mộng. Hoặc di tích núi Sáng với hang Đề Thám, thác Bay, hồ Vân Trục... tất cả đã tạo nên một quần thể di tích thắng cảnh rất hấp dẫn.

Ba là, các lễ hội truyền thống đa dạng: Hiện nay, các lễ hội truyền thống đang có xu hướng phục hồi phát triển trở lại. Hầu như ở khắp các địa phương đều có tổ chức các lễ hội truyền thống. Nhiều lễ hội lớn có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử văn hóa, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và khôi phục phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Chính vì vậy, lễ hội có sức thu hút rất lớn đối với nhân dân và khách du lịch các nơi, nhất là khách du lịch quốc tế. Vĩnh Phúc có nhiều lễ hội truyền thống, có thể được nghiên cứu khai thác phục vụ mục đích du lịch. Hàng năm ở Vĩnh Phúc có tới hàng trăm lễ hội được tổ chức. Có thể chia lễ hội thành các loại hình sau:

+ Lễ hội tín ngưỡng: Là tín ngưỡng dân gian, thờ các thần thánh như: Thờ thành hoàng, thờ mẫu, thờ các thần liên quan đến các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, ngư nghiệp... Những lễ hội tiêu biểu của nhóm này phải kể đến lễ hội Mậu Lâm thuộc thành phố Vĩnh Yên với trò múa Mo nổi tiếng còn gọi là Bách nghệ khôi hài hay tứ dân, hoặc là hội làng Sơn Đông thuộc xã Sơn Đông, huyện Sông Lô, Hay hội làng Thổ Tang,... đều là những hội trình diễn nghề mang tính tín ngưỡng dân gian độc đáo.

+ Các lễ hội lịch sử: Thường gắn với việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử như lễ hội Tây Thiên, lễ hội Tam Đảo, lễ hội đền Bách Trữ... Đây là các lễ hội đáng chú ý và thu hút khá đông khách du lịch. Một số lễ hội điển hình như lễ hội Tây Thiên; lễ hội trọi trâu Hải Lựu; lễ hội kéo song Hương Canh, lễ hội leo cầu bắt trạch Tứ Trưng, lễ hội cướp phết Bàn Giản... hầu như các lễ hội diễn ra vào tháng giêng, tháng hai. Vì vậy, đây có thể coi là mùa lễ hội của Vĩnh Phúc.

Bốn là, ẩm thực hấp dẫn: Về ẩm thực, Vĩnh Phúc có nhiều đặc sản hiếm có như: Vó cần, cá Anh vũ, xôi trứng kiến, đất đồng cốc nướng chín... cùng với nhiều món ăn đặc trưng của các dân tộc Sán rìu, Cao Lan và các món ăn dân dã hấp dẫn như vó cần, cá thính, nem chua, bánh hòn Hội Hợp... Đây là các nét đặc trưng hấp dẫn có giá trị cao phục vụ cho phát triển du lịch Vĩnh Phúc.

Năm là, các tài nguyên du lịch văn hóa khác: Ngoài những nguồn tài nguyên chính kể trên,Vĩnh Phúc còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên nhân văn khác phục vụ du lịch như ca múa nhạc dân tộc, các món ăn từ lâm thổ sản phong phú của địa phương mình... Vĩnh Phúc vốn là miền đất văn hiến giàu dân gian, là xứ sở của những làn điệu dân ca đặc sắc như hát trống quân, hát ví giao duyên, hát Sọong Cô, hát Sịnh Ca... Các trò chơi dân gian của Vĩnh Phúc cũng rất độc đáo, hấp dẫn du khách vào những dịp xuân về như trò tung còn của dân tộc Cao Lan ở Lập Thạch, trò chơi đu, nhất là đu bay ở Tứ Trưng, Tứ Trung - Vĩnh Tường, chọi trâu ở Lập Thạch, leo cầu ùm ở Vĩnh Tường, bắt trạch ở cầu Đinh Thổ Tang - hát ghẹo Vĩnh Tường, Bắt vịt trong ao ở Thượng Trưng, đánh đáo ở Bá Văn - Yên Lạc, trò tả cáy, tục đả cầu cướp phết, bơi chải...

Tóm lại, tài nguyên du lịch của Vĩnh Phúc khá phong phú và có giá trị phục vụ du lịch cao. Nếu đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác tốt, nguồn tài nguyên trên có thể đáp ứng cho du khách tham quan phong phú, hấp dẫn.

2.3. Nguồn nhân lực

2.3.1. Nguồn nhân lực du lịch tỉnh Vĩnh Phúc

Từ khi Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (khóa XV) về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện, nhân lực du lịch của địa phương có sự tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể là:

(1) Lao động ngành Du lịch tăng từ 1.449 lao động năm 2011 lên 5.750 lao động năm 2017 tăng 39,68%. Bình quân giai đoạn 2011 – 2017, lao động ngành Du lịch tăng 25,34%.

(2) Về chất lượng lao động:

+ Đại học và trên đại học năm 2011 có 224 người đến năm 2017 lên đến 1.515, tăng 676,3%.

+ Trình độ cao đẳng và trung cấp năm 2011 có 580 người đến năm 2017 lên đến 2.750 tăng 474,1%.

+ Đào tạo khác năm 2011 có 125 người đến năm 2017 lên tới 1.050 người tăng 840%.

+ Chưa qua đào tạo năm 2011 có 520 đến năm 2017 còn 435 người giảm 16,3%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, toàn diện như hiện nay, nhân lực ngành Du lịch Vĩnh Phúc còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển ngành. Ngành Du lịch trong Tỉnh đang thiếu nhiều nhân lực thuyết minh, hướng dẫn viên; quản lý doanh nghiệp; quản trị kinh doanh; chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển ngành; các chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có hơn 1 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có hàng trăm di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống; di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng cùng lượng du khách không ngừng tăng lên. Ước tính đến năm 2020, ngành Du lịch cần khoảng 8,5 nghìn lao động, trong đó 3,5 nghìn lao động trực tiếp.

2.3.2. Nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề

Trình độ nghệ nhân và đội ngũ thợ lành nghề: Khả năng cạnh tranh và sức sống của sản phẩm làng nghề phụ thuộc vào tài hoa, kinh nghiệm tay nghề của nghệ nhân và đội ngũ thợ cả. Điều này có thể nhìn nhận thông qua các tác phẩm thủ công mỹ nghệ của người thợ thủ công đó là sự tinh tế, tỉ mỉ, kiên trì và đầy sáng tạo. Người lao động làng nghề Vĩnh Phúc mang trong mình truyền thống văn hóa, hiếu khách, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng đất trăm nghề. Chính những đặc tính đó đã làm nên rất nhiều những sản phẩm nổi tiếng và riêng có của làng nghề ở Vĩnh Phúc, tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách, như: tranh gốm Hương Canh, mây tre đan, đục đá, rắn Vĩnh Sơn…

Sự đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh là cần thiết. Đi đôi với sự xuất hiện của các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cần phải có đội ngũ những người quản lý có trình độ phù hợp. Song trên thực tế, đa số các chủ hộ, các chủ doanh nghiệp sản xuất trong các làng nghề ở Vĩnh Phúc đều chưa được trang bị kiến thức về quản lý, thiếu kinh nghiệm kinh doanh trong cơ chế thị trường. Trình độ hiểu biết pháp luật đặc biệt là luật kinh tế còn nhiều bất cập. Hiện chỉ có khoảng 10% cán bộ chủ chốt trong các làng nghề có trình độ cao đẳng, đại học. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nắm bắt thông tin từ thị trường, đến việc ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất và việc thay đổi sản phẩm cho phù hợp với sự thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng. Do thiếu kiến thức về thị trường nên họ thường bị động trong việc tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường. Vì thế cho đến nay, hầu hết các sản phẩm của các làng nghề ở Vĩnh Phúc chỉ được tiêu thụ trong nước, thậm chí là chỉ ở nội tỉnh, số sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường quốc tế còn rất khiêm tốn. 

2.4. Chính sách

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Quyết định số 415/QĐ-BVHTTDL ngày 09/11/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã triển khai Chương trình hành động số 41- CTr/TU ngày 31/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị.

UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011, về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011- 2020 và Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên tinh thần Nghị quyết 01, nhiều chính sách, cơ chế, đề án của các ngành để phát triển du lịch được ban hành. Vĩnh Phúc đã ban hành 21 cơ chế chính sách, đề án của các ngành để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành và phê duyệt 58 quy hoạch; triển khai lập 194 đồ án quy hoạch...

Với lợi thế, tiềm năng, sẵn có, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển du lịch theo 3 hướng chính:

(1) Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng;

(2) Du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề;

(3) Du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo.

2.5. Cơ sở vật chất kỹ thuật

Cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ để phát triển du lịch làng nghề tại Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế chưa có một dự án du lịch làng nghề nào được triển khai theo đúng tiêu chí. Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, chưa tham gia vào quá trình tổ chức và ra quyết định xây dựng các kế hoạch thực hiện quy mô việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch tại các làng nghề chưa được quan tâm thỏa đáng. Chủng loại, kiểu dáng các sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao để hấp dẫn khách du lịch.

Trong khi các công ty du lịch chưa tập trung đánh giá, khai thác, đầu tư nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú, ăn uống của các làng nghề còn nghèo nàn. Thực tế những hạn chế này đã và đang làm lãng phí một nguồn tài nguyên du lịch (làng nghề) quý giá của địa phương.

2.6. Hoạt động giới thiệu, quảng bá làng nghề và du lịch làng nghề Vĩnh Phúc

Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến du lịch đã được triển khai khá tích cực và hiệu quả, bằng chứng cụ thể là tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch để đảm nhiệm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh nhà. Trung tâm đã tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược sản phẩm mới, phát huy những lợi thế của du lịch Vĩnh Phúc, nhằm tạo ra sức hấp dẫn mới cho du khách với những hoạt động tiêu biểu, như: Quảng bá hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc trên các phương tiện: Trang web du lịch Vĩnh Phúc, bản tin du lịch, tham gia các hội chợ triển lãm du lịch, xây dựng biển quảng cáo tấm lớn. 

Với gần 20.000 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 54.300 lao động, tuy nhiên, đa phần các làng nghề vẫn ít được biết đến, chưa nói đến du khách từ các tỉnh ngoài. Mới chỉ có một số ít sản phẩm của làng nghề bước đầu được du khách biết đến, như: Đá Hải Lựu, mộc Thanh Lãng, rắn Vĩnh Sơn, gốm Hương Canh; phần lớn do các chủ hàng quán ven đường hoặc tại điểm du lịch giới thiệu đến du khách. Đa số các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ. Đó cũng là lý do khiến sản phẩm làng nghề của Vĩnh Phúc tuy nhiều nhưng chưa có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém, hoạt động giúp du khách trải nghiệm chưa được quan tâm, đầu tư nên chưa tạo được sức hút. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường còn phổ biến tại nhiều làng nghề nên khó có thể gắn kết với phát triển du lịch. 

Khách đến làng nghề chủ yếu qua tìm hiểu thông tin trên internet chiếm 6,3%, qua báo đài chiếm 4,6%, công ty du lịch 6% và qua bạn bè là 3,4%, không có khách được hỏi là biết thông tin qua quảng cáo. Phần lớn khách du lịch tự tìm đến (đi đơn lẻ hoặc đi thành nhóm nhỏ khoảng từ 5-7 người), khách mua tour rất ít, bởi trên thị trường du lịch, các tour du lịch đến làng nghề khó tìm mua. Điều đó cho thấy hoạt động quảng bá du lịch làng nghề  của Tỉnh còn hạn chế.

3. Một số khuyến nghị

Thế mạnh về sản phẩm thủ công truyền thống, văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, cảnh quan... cho thấy các làng nghề Vĩnh Phúc có tiềm năng thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trở thành nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, du lịch làng nghề Vĩnh Phúc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề tỉnh Vĩnh Phúc cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp quản lý, các ngành, cũng như người dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch làng nghề  đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiểu về các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và về con người  phục vụ cho phát triển du lịch làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, cần thực hiện quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp phục vụ bảo tồn và phát triển các làng nghề định hướng phát triển kết hợp du lịch làng nghề.

Ba là, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng các nhu cầu làm sản phẩm tiêu dùng, trưng bày, quà tặng,… Sản phẩm gắn với những đặc trưng độc đáo của làng nghề, chứa đựng nét văn hóa của làng nghề.

Bốn là, thực hiện tốt công tác quảng bá, tuyên truyền về thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc nói chung và du lịch làng nghề Vĩnh Phúc nói riêng là điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.

Năm là, chú trọng trong đào tạo và bồi dưỡng nhân lực làng nghề và nhân lực làm du lịch làng nghề.

Sáu là, tăng cường liên kết hợp tác giữa làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm tổ chức tốt hơn, chuyên nghiệp hơn các chuyến thăm làng nghề cho du khách.

Bảy là, tạo cơ chế chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển làng nghề và du lịch làng nghề: bên cạnh sử dụng nguồn vốn ngân sách, cần có các biện pháp ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nhiều hình thức như  BOT, BT, BO,… như các chính sách miễn, giảm thuế, chính sách cho thuê mặt bằng,…

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp cho du lịch làng nghề Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tài liệu tiếng Việt:

1. Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (khóa XV) về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011- 2020.

3. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

4. Quyết định số 42/2011/QĐ-UBND ngày 28/1/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Ban hành quy định xét công nhận, thợ giỏi người có công đưa nghề mới vào phát triển tại tỉnh; nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

5. Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 5/1/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

6. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

7. Trung tâm thông tin - xúc tiến thương mại và du lịch Vĩnh Phúc, Tiềm năng nghề thủ công mỹ nghệ và làng nghề Vĩnh Phúc.

8. UBND tỉnh Vĩnh Phúc (2012), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Tài liệu tiếng Anh:

10. Anh Ngo Duc (2005), Blending handicrafts and tourism development - the good way of preservation of tradition and poverty alleviation in rural areas, Workshop on promotion of craft village-based tourism along West-East corridor, Vietnam National Administration for Tourism & ASIA Seed Institute and JODC (Japan).

11. Mingsarn Kaosa-ard (2002), “Development and Management of Tourism Products: The Thai Experience”, CMU, 1 (3), 289 - 301.

CRAFT VILLAGES TOURISM IN VINH PHUC PROVINCE:

CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS

Ph.D NGUYEN THI THU HUONG

Master. DO THI NANG

Academy of Finance

ABSTRACT:

Vinh Phuc province is a place with great potential for natural and humanistic tourism resources with many famous natural landscapes such as Tam Dao National Forest, Ban Long Waterfall, Dai Lai Lake and Lang Ha Lake, folk festivals imbued with national identity and historical cultural relics bearing historical imprints and spiritual values such as Tay Thien scenic spot, Binh Son tower, Tran Nguyen Han temple and Dong Dau relics. Vinh Phuc is also a land with many traditional villages dating back hundreds of years but not many toursitsts know about these places. This paper analyzes the current situation of craft villages tourism in Vinh Phuc province and makes some recommendations to promote the craft village tourism development of Vinh Phuc province.

Keywords: Tourism, craft villages, famous landscapes, Vinh Phuc province.