Định hướng phát triển ngành công nghiệp cơ điện tử

Xuất phát từ vị trí vai trò rất quan trọng của ngành công nghiệp cơ điện tử trên địa bàn Hà Nội, một Hội thảo khoa học chuyên ngành về chủ đề này đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo do ĐH Kinh tế quố

Hội thảo đã rất thành công khi tập hợp được nhiều ý kiến tham gia chuyên sâu phong phú, nhiều chiều của 3 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp Hà Nội về chủ đề này. Qua đó, góp phần làm rõ hơn định hướng phát triển cho công nghiệp cơ điện tử trên địa bàn Hà Nội.

Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội xin giới thiệu tóm lược các ý kiến đã tham gia tại Hội thảo này.

Thuật ngữ cơ điện tử Mechatronics do Tesuro Mori - Chủ tịch Cty Seibu Electric and Machinery Nhật Bản đề xuất năm 1969. Ban đầu, cơ điện tử (CĐT) chỉ là sản phẩm kết hợp giữa cơ khí và điện tử. Sau đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, các bộ vi xử lý đã được tích hợp thêm vào. Ngày nay, CĐT đã hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, từ đơn giản như đồ chơi trẻ em cho đến hệ thống phức tạp như tàu không gian vũ trụ. CĐT đã được Viện MIT Mỹ danh tiếng đánh giá là 1 trong 10 công nghệ có khả năng thay đổi thế giới (1)(8)(11). Về cơ bản, công nghiệp CĐT là sự giao thoa của các ngành công nghiệp như Cơ chính xác, điện tử, công nghệ thông tin, lý thuyết điều khiển, gần đây CĐT còn tích hợp cả vi cơ điện tử, nano và viễn thông (2)(6). Việc nhập khẩu hàng năm rất lớn các sản phẩm CĐT là máy móc thiết bị, hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng cá nhân nguyên chiếc như ô tô, điện thoại, đồ điện tử gia dụng,…, cho thấy Việt Nam là thị trường lớn về CĐT. Nhập siêu lớn của Việt Nam có nguyên nhân do mất rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm này. Hàng năm, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều về các loại linh phụ kiện phụ tùng CĐT cho thấy công nghiệp CĐT Việt Nam hội nhập sâu rộng với công nghiệp CĐT thế giới (3). Việt Nam đã xác định CĐT là ngành khoa học công nghệ cần được ưu tiên phát triển, là bước đi quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Phát triển công nghệ CĐT là cơ hội vàng để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu đi thẳng vào kinh tế tri thức, tạo ra các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh quốc tế (2)(11). Công nghiệp CĐT là trụ cột của sự phát triển công nghiệp cả về hiện tại và tương lai, chịu tác động trực tiếp của sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ (4). Công nghiệp CĐT tiên tiến có khả năng tự "nhúng sâu" vào tất cả các ngành công nghiệp, đem lại sự đột phá về công nghệ và giá trị gia tăng (11). Tại Hà Nội, công nghiệp CĐT đã hình thành với các sản phẩm giá trị lớn, kim ngạch XK cao, thu hút nhiều lao động, với sự tham gia mạnh mẽ của các DN vốn FDI là các tập đoàn đa quốc gia thế giới. Nhiều sản phẩm CĐT đã được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Hà Nội đã có cụm công nghiệp CĐT quy mô lớn mang tính khu vực. Sớm nhận thức được tầm quan trọng, công nghiệp CĐT đã được đưa vào danh mục ưu tiên khuyến khích lâu dài trong quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố. Hà Nội cần ưu tiên khuyến khích công nghiệp CĐT, do ngành công nghiệp này dựa trên nền tảng là cơ khí thiết kế chế tạo, ngành điện tử, công nghệ thông tin là các ngành công nghiệp dịch vụ mạnh của Hà Nội. Công nghiệp CĐT cũng gắn kết với nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, với năng lực của nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học công nghệ, đây là nguồn lực lớn của Hà Nội (18)(3)(4)(5). Công nghiệp CĐT cũng gắn liền với thế mạnh của Hà Nội về vị thế địa lý chính trị, về đội ngũ nhân lực trình độ cao, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và nhất là Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn (4)(5). Tuy phát triển nhanh, nhưng công nghiệp CĐT Hà Nội còn đang ở giai đoạn sơ khai và bắt đầu (2). Còn ít sản phẩm "thông minh", chưa có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt mang bản sắc tinh hoa và trí tuệ Thủ Đô. (2)(4)(5). Sản phẩm công nghiệp CĐT Hà Nội còn hạn chế nhiều về năng lực cạnh tranh do chuyên môn hóa chưa sâu và hợp tác sản xuất yếu (2)(5). Giá trị gia tăng của sản phẩm thấp vì mới tập chung nhiều vào lắp ráp, chưa tham gia nhiều vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao như nghiên cứu phát triển, thiết kế, chế tạo linh kiện, dịch vụ cung cấp,… (3). Chất lượng sản phẩm không đồng đều, chủng loại chưa đa dạng, lợi thế cạnh tranh chưa rõ rệt (6)(7). Các hạn chế trên có một phần nguyên nhân từ quản lý Nhà nước khi chưa có định hướng và hỗ trợ phát triển tập trung và rõ nét (1)(4). Phát triển công nghiệp cơ điện tử Hà Nội cần bám sát Quyết định 10/2009 của Chính Phủ về phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia để có các sản phẩm đủ tầm cỡ (19). Phát triển công nghiệp cơ điện tử Hà Nội phải dựa trên nền tảng của hệ thống công nghiệp hỗ trợ và phát triển mạnh mẽ cụm liên kết ngành (8)(17). Hà Nội cần có chiến lược phát triển thị trường dựa trên tổng hợp phân tích SWOT làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đối với ngành công nghiệp này (9)(10)(6)(13). Có thể ứng dụng mô hình cạnh tranh của Michael Porter để đánh giá cơ hội phát triển công nghiệp CĐT Hà Nội(4). Cần chú trọng sản xuất theo quan điểm tích hợp, từng bước nâng cao giá trị gia tăng thông qua thông minh hóa sản phẩm, nâng cao tính sáng tạo và công nghệ phục vụ thiết kế, thử nghiệm, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm tổng thành (sản phẩm cuối)(11). Cần đẩy mạnh hợp tác liên kết trong nghiên cứu ứng dụng (11)(5)(7). Đẩy mạnh làm chủ công nghệ nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực (11)(5)(7)(13). Cần có chiến lược, lộ trình cho từng loại sản phẩm CĐT cụ thể. Đối với ô tô, thay cho lắp ráp thuần túy, cần đầu tư công nghệ tiên tiến để làm các bộ phận linh kiện then chốt, có giá trị gia tăng cao như vỏ xe, động cơ (công nghệ thiết kế, đúc, gia công khuôn mẫu, đột dập, cắt, hàn,…) (12). Khi chưa đủ sức thiết kế, chế tạo và tự làm lấy các bộ phận quan trọng như các DN Nhật Bản hay Mỹ, thì công nghiệp chế tạo máy gia công CNC Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc. Đầu tiên là tập trung vào khâu thiết kế, lắp ráp và kiểm soát sản phẩm (14). Thông qua hợp tác với các DN cơ khí trong nước, phát triển mạng lưới các nhà thầu phụ, Hà Nội sẽ phát triển được ngành chế tạo máy CNC dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước và hợp tác với đối tác nước ngoài. Không nên tập trung cho các phân khúc máy CNC giá rẻ vì rất khó cạnh tranh với Trung Quốc (15). Hà Nội có thể tạo ra đột phá về thương hiệu bằng liên kết với những đối tác hàng đầu nước ngoài. Cty Fuji-Alpha là liên doanh giữa Alphanam Việt Nam với Fuji Nhật Bản là một ví dụ. Thang máy do Fuji-Alpha sản xuất đã đáp ứng  được tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của Fuji Nhật Bản, nhưng cũng có giá trị nội địa hóa cao, sức cạnh tranh mạnh và đã xuất khẩu (16). Thay vì cố gắng chế tạo các chip điện tử, máy tính thương hiệu Việt cần khởi đầu bằng việc có chiến lược sản phẩm và chiến lược phân phối theo hệ thống quản lý chất lượng quốc tế. Bắt đầu từ khâu khảo sát thị trường, lựa chọn thiết kế kiểu dáng, tính năng, cấu hình, chi phí, giá thành phải chuẩn hóa phù hợp với Việt Nam. Tiếp đến là khâu thử nghiệm phải làm chặt chẽ với sự thẩm định, kiểm tra nghiêm ngặt bằng máy móc và chuyên gia kỹ thuật. Phải hợp tác dài hạn với các đối tác nước ngoài uy tín để có các linh kiện cung cấp ổn định, bền, chất lượng nhưng không quá đắt. Việc lắp ráp thực hiện trên dây chuyền công nghiệp để bảo đảm năng suất, sản lượng, sự ổn định đồng đều chất lượng. Các phần mềm cài đặt tối ưu trên cơ sở yêu cầu người dùng và có bản quyền. Thực hiện kiểm tra chất lượng 100% sản phẩm xuất xưởng bảo đảm hợp chuẩn, hợp qui. Và cuối cùng là phải làm tốt khâu quảng bá, giới thiệu, phân phối, tư vấn, dịch vụ bảo hành và chăm sóc khách hàng (20).            

(1) GS-TS Trần Thọ Đạt. ĐH Kinh tế quốc dân.

(2) TS Phạm Thị Huyền. ĐH Kinh tế quốc dân.

(3) Lưu Minh Đức. Phòng Công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội.

(4) PGS-TS Nguyễn Thường Lạng. ĐH Kinh tế quốc dân.

(5) Ths Hồ Thị Mai Sương. Khoa Kinh tế ĐH Thương mại.

(6) Ths Phạm Văn Tuấn. ĐH Kinh tế quốc dân.

(7) TS Ngô Tuấn Anh. ĐH Kinh tế quốc dân.

(8) PGS-TS Nguyễn Ngọc Sơn. ĐH Kinh tế quốc dân

(9) PGS-TS Vũ Trí Dũng. ĐH kinh tế quốc dân.

(10) TS Vũ Huy Thông. ĐH kinh tế quốc dân.

(11) TS Trần Anh Quân. Cty MTV Viện Máy và dụng cụ công nghiệp IMI

(12) KS Bùi Ngọc Huyên. Chủ tịch HĐQT Cty ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

(13) Ths Đậu Thị Đức. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội.

(14) PGS-TS Hoàng Vĩnh Sinh. Đại học Bách Khoa.

(15) Ths Vũ Đình Minh. Cty Cơ điện tử Bách Khoa Bkmech.

(16) Nguyễn Thế Việt. Cty Alphanam.

(17) TS Trần Kim Hào. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW.

(18) Phạm Đức Tiến. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

(19) Ngô Văn Trụ. Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương

(20) Nguyễn Phước Hải. Giám đốc Cty Máy tính CMS.