Doanh nghiệp nội chi phối thị phần bán lẻ hiện đại

Dù các nhà bán lẻ nước ngoài đã và đang tăng nhanh sự hiện diện cũng như mở rộng hệ thống, nhưng hiện nay các nhà bán lẻ trong nước vẫn đang nắm giữ thị phần áp đảo về kênh bán hàng này.

Doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn

Đó là thông tin khá bất ngờ được ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, một công ty nghiên cứu thị trường thông tin trong Hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam 2018 - 2020 do Saigon Co.op tổ chức ngày 7/11/2018.

Thông tin này được xem như trái ngược với tình hình gia nhập thị trường mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc tăng cường thâu tóm các hệ thống bán lẻ trong nước của các nhà bán lẻ nước ngoài trong thời gian qua.

Theo ông Hoàng, trong thời gian qua có rất nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam qua các mô hình kinh doanh khác nhau và họ đang nỗ lực phát triển hệ thống chuỗi. Tuy nhiên, họ vẫn tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị.

thị trường bán lẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài tập trung phát triển hệ thống và phục vụ khách hàng chủ yếu ở khu vực thành thị

Cụ thể, chỉ xét riêng nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG) cho thấy thị phần cả nước ở chuỗi bán hàng của các nhà bán lẻ nội địa đến qúy III/2018 chiếm đến 73%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ chiếm khoảng 27%. Nếu xét ở bốn thị trường thành thị chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn mở kinh doanh nhiều gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, thì thị phần của nhà bán lẻ ngoại cho nhóm hàng FMCG cũng chỉ tăng lên khoảng 32%, trong khi chuỗi bán hàng nội địa vẫn đạt đến 68% thị phần.

Cũng theo đại diện của công ty nghiên cứu thị trường này, chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài hiện ước chỉ chiếm khoảng 16%, trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm đến 84%. Như vậy, kênh bán hàng của doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm đến khoảng 3/4 thị phần bán lẻ hiện đại.

Mặc dù vậy, đại diện Kantar Worldpanel Việt Nam cũng như các chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng sức cạnh tranh của ngành bán lẻ trong nước vẫn cho thấy đang trong tình trạng quyết liệt bởi lẽ Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường khá tiềm năng để các nhà bán lẻ nước ngoài tăng tốc đầu tư và đến khai thác kinh doanh.

Theo các chuyên gia của ngành, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang hưởng lợi từ những thuận lợi về kinh tế vĩ mô như tốc độ kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, mức sống đang cải thiện, dân số tăng trưởng đều trong đó dân số trẻ cao... Ngành bán lẻ hiện đại đang tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển.

Nhiều “ông lớn” ngoại chen chân

Kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là “miếng mồi” béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.

thị trường bán lẻ
Doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ bởi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều ưu tiên cho mua sắm trực tuyến

Lotte Mart (Hàn Quốc) cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt, với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.

Đáng chú ý, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon (Mỹ) đã chính thức đổ bộ vào Việt Nam, khởi đầu cho sự gia nhập thị trường bằng chương trình hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việt Nam hiện là thị trường thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Trước Amazon, Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam với việc mua lại Lazada.

Trong vòng một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, chủ yếu do các công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu.

Theo thông tin trên tờ ASEAN Today, trong vòng một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, chủ yếu do các công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu.

“Hiện có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt. Trong đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tiềm năng phát triển bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh”, hãng A.T. Kearney đánh giá.

Nhận định về vấn đề này, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, trong cuộc đua với làn sóng M&A có sự tham gia của các “đại gia” ngoại, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơi, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để những lợi thế sân nhà như thói quen, tâm lý tiêu dùng của người Việt,… Đó là những thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn các “đối thủ”.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi lĩnh vực bán lẻ nói riêng và nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang hình thành cuộc đua tranh của làn sóng M&A, ngoài sự nỗ lực, chủ động của bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất cần có sự hỗ trợ của nhà quản lý trong việc tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không bị tụt hậu, bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng cho rằng, chúng ta cần thay đổi ngành bán lẻ hướng tới tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm tính cạnh tranh. Mà muốn thay đổi thì nhất thiết phải có chiến lược cụ thể, thúc đẩy tăng trưởng thông qua sáng tạo và nếu ai chậm chân trong lĩnh vực này sẽ thua và ra khỏi thị trường.

“Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ bởi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều ưu tiên cho mua sắm trực tuyến”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.

 

Hồng Hà