Doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục

Số doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đều đạt mức tăng cao nhất trong những năm trở lại đây, cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường đã tốt hơn rất nhiều.

 

9 tháng đầu năm năm có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng
9 tháng đầu năm năm có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng

Sức khỏe doanh nghiệp gia nhập thị trường

Trong 9 tháng năm nay, cả nước có gần 102,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường đã tốt hơn rất nhiều.

 Nếu tính cả 1.730,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2019 khoảng trên 3 triệu tỷ đồng, gần bằng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 129,8 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm nay là 929,8 nghìn người, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng năm nay là 21,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 28,2 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 11,9 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7%.

Xu hướng kinh doanh của tốt lên

 Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2019 cho thấy: Có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 18,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Như vậy, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định chiếm tỷ lệ áp đảo so với số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn

Số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định chiếm tỷ lệ áp đảo
Số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định chiếm tỷ lệ áp đảo

 

Tương tự như vậy, về dự kiến quý IV/2019, số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, và  số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. Có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Xu hướng kinh doanh tốt hơn lên của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng phản ánh trong đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 54%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến  20/9/2019 thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ  USD, trong đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 70%.

Yên Phụ