Đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu nhưng còn lâu mới đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu

Các chuyên gia phân tích nhận định sự suy yếu của đồng USD hiện nay sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn trước sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Hoa Kỳ và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD sẽ còn được giữ vững trong dài hạn.

Đồng USD tiếp tục suy yếu trong ngắn hạn

Đồng USD
 Chỉ số Dollar Index - đo lường sự biến động giữa đồng USD với các đồng tiền chính khác đã sụt giảm mạnh từ mức 102 điểm trong tháng 3/2020 xuống còn quanh mức 93 điểm hiện nay (Ảnh: Asia Times Financial)

Hãng tin CNBC dẫn lời một số nhà phân tích sự suy yếu của đồng USD hiện nay có thể còn tiếp tục kéo dài nhưng tầm quan trọng của đồng tiền này với vai trò là đồng tiền dự trữ của nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ không bị giảm sút.  

Đồng USD đã chạm mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi trở lại đây vào tháng 3/2020 khi giới đầu tư đổ xô tích trữ khi coi đây là tài sản an toàn trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ra toàn cầu. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, đồng USD đã bắt đầu suy yếu khi giới đầu tư nghi ngờ sự phục hồi của Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh nước này phản ứng chậm trễ trước các mối đe doạ của dịch bệnh. Sự suy yếu của  đồng USD cũng bắt nguồn từ sự gia tăng thâm hụt ngân sách và khả năng lãi suất của Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục còn ở mức thấp trong thời gian dài.

Trong tuần trước, chỉ số Dollar Index đã giảm về còn 92,477 điểm – mức thấp nhất trong vòng 27 tháng trở lại đây và đánh dấu mức sụt giảm mạnh so với mức cao 102 điểm đạt được hồi tháng 3/2020. Chỉ số Dollar Index là chỉ số đo lường sự biến động của đồng USD với rổ các tiền tệ chính trên toàn cầu.

Ông Patrik Schowitz, nhà chiến lược gia toàn cầu kiêm giám đốc quản lý của JPMorgan Asset Management, đưa ra cảnh báo hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ dường như sẽ ở mức đáng thất vọng hơn so với khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản. Việc Liên minh Châu Âu mới đây thông qua quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ EUR đang khiến giới đầu tư đặt niềm tin nhiều hơn vào đồng EUR như một giải pháp thay thế đồng USD. Ngoài ra, việc giảm mức lãi suất khiến đồng USD trở nên kém hấp dẫn hơn trên thị trường tài chính và thúc đẩy các nhà đầu tư cân nhắc đầu tư gửi tiền bằng các đồng tiền khác.

Theo ông Patrik Schowitz, các yếu tố trên mang tính chất chu kỳ và sẽ không đảo chiều trong thời gian ngắn, đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới. Viện Đầu tư BlackRock cũng đồng quan điểm, nhận định việc đồng USD sẽ còn tiếp tục suy giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh các yếu tố tác động tiêu cực lên đồng tiền sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Các chiến lược gia thuộc BlackRock cho biết việc đồng USD liệu có tiếp tục được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn là một vấn đề khác và vấn đề này vẫn còn đang được đánh giá trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây.

Thổi phồng khả năng đồng USD đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ?

Các nhà phân tích đều cho rằng khả năng đồng USD đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ của nền kinh tế toàn cầu đang bị thổi phồng quá mức. Nhà kinh tế cấp cao Jonas Goltermann thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định sự sụt giảm vị thế của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế đang “bị phóng đại quá mức”.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ toàn cầu đã giảm từ mức 64,7% trong quý 1/2017 xuống khoảng 62% trong quý 1/2020; trong quý 4/2019, con số này đạt 60,9%.

Theo ông Jonas Goltermann, sự sụt giảm của chỉ số Dollar Index kể từ tháng 3/2020 là do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải vì sự sụt giảm của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Trong đó, việc khu vực Châu Âu thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế đã khiến giới đầu tư gia tăng sự chú ý với đồng EUR. Tính từ tháng 6/2020, đồng USD đã mất giá khoảng 6,6% so với đồng EUR.

Trên thực tế, ông Jonas Goltermann nhận định cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã “củng cố” vai trò của đồng USD – đồng tiền quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu với việc nhu cầu về đồng USD tăng vọt vào tháng 3/2020 khi đại dịch lan ra trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có đồng tiền nào có thể rõ ràng thay thế đồng USD trên vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Ông Jonas Goltermann cho biết “Đối với hai nền kinh tế lớn nhất sau Hoa Kỳ, khi so với đồng USD, đồng EUR vẫn yếu hơn do nền tảng chính trị của khu vực Eurozone còn mong manh và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn đang chịu sự kiểm soát vốn của chính phủ nước này và hệ thống chính trị của Trung Quốc có đặc thù riêng, khiến đồng EUR và đồng Nhân dân tệ chưa thể trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu”.

Chiến lược gia đầu tư cấp cao Sven Schubert tại Vontobel Asset Management cũng chỉ ră rằng mặc dù đồng EUR và đồng Nhân dân tệ là hai lựa chọn khả thi nhất để thay thế đồng USD trong những thập kỷ tới nhưng cả hai đồng tiền này chưa phải là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng”. Ông Sven Schubert cho biết khoảng 50% hợp đồng thương mại toàn cầu vẫn được định giá theo đồng USD, mặc dù Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 12% tổng thương mại toàn cầu.

Ông Sven Schubert nhấn mạnh “Độ sâu của thị trường tài chính Hoa Kỳ là rất lớn, các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn ưa thích nắm giữ phần lớn lượng dự trữ ngoại hối là đồng USD, các mặt hàng quan trọng trên thế giới được giao dịch bằng USD và hầu hết các hợp đồng thương mại toàn cầu được giao dịch bằng USD hoặc EUR”.

Quang Đặng (Theo CNBC)