TÓM TẮT:                                                  

Bài viết nhằm xác định ảnh hưởng và dự báo tác động dựa trên các kịch bản của đại dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch ở Việt Nam. Sự bùng phát COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến việc đi lại và du lịch toàn cầu. Việt Nam cũng có tác động tiêu cực đến du lịch trong và ngoài nước. Các hãng hàng không đã hủy các chuyến bay, trong khi các khách sạn gần như bỏ trống hoàn toàn và kết quả là các cơ quan, đơn vị du lịch đang phải đối mặt với thiệt hại kinh tế lớn và cắt giảm việc làm ở Việt Nam.

Sự lây lan của COVID-19 được dự đoán sẽ gây ra tác động bất lợi lâu dài đến du lịch ở Việt Nam. Nghiên cứu phân tích thực trạng, dự báo ảnh hưởng của đại dịch và tìm kiếm giải pháp khắc phục ngành Du lịch chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Từ khóa: COVID-19, ngành Du lịch, du lịch Việt Nam, du lịch toàn cầu.

1. Đặt vấn đề

Kể từ khi trường hợp đầu tiên của COVID-19 đã được báo cáo vào tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng trên toàn thế giới trong tháng 3/2020. Sự lây lan nhanh chóng của Corona virus mới (COVID-19) đã làm giảm đáng kể tất cả các hình thức hoạt động kinh tế ở khắp nơi trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là một đại dịch. Nó đã làm ngưng trệ các hoạt động kinh doanh, sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra hiệu ứng làn sóng toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế mà khó có thể đoán trước. Tại Việt Nam, trường hợp COVID-19 đầu tiên được xác nhận vào ngày 23 tháng 1 năm 2020. Từ tổng dân số gần 100 triệu người, Việt Nam đã báo cáo 1049 trường hợp nhiễm và 35 trường hợp tử vong (cho đến ngày 3 tháng 9 năm 2020).

Để giảm bớt sự lây lan nhanh chóng của đại dịch này, tất cả các quốc gia trên thế giới đã áp dụng lệnh cách ly và giãn cách xã hội, hạn chế đi lại trong nước và quốc tế. Điều này làm cản trở và gây ra những khó khăn do hạn chế đi lại và ảnh hưởng rất lớn đến ngành Du lịch Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi lối sống sinh hoạt và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta (Banna, 2020) khi Chính phủ Việt Nam đóng cửa mọi hình thức hoạt động kinh tế trong tháng 4/2020 (Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ).

Du lịch và lữ hành là hai trong số những lĩnh vực kinh doanh đầu tiên bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Lệnh cấm và hạn chế đi lại đã được áp dụng cho tất cả các điểm du lịch. Các hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và giao thông hầu hết bị hoãn lại do việc đóng cửa trên toàn quốc. Ngành Hàng không đã bị ảnh hưởng đáng kể với việc hủy tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi từ Việt Nam.

Do đó, tương lai của ngành Du lịch và lữ hành ở Việt Nam hiện vẫn rất khó để đánh giá tác động toàn diện. Nghiên cứu sẽ trình bày tổng quan về đại dịch COVID-19 và xác định những ảnh hưởng cũng như dự báo các tác động đối với ngành Du lịch của Việt Nam và giải pháp phục hồi trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Theo đó, cách tiếp cận nghiên cứu thứ cấp đã được áp dụng. Bài viết đã hoàn thành phân tích bằng cách xem xét các bài báo khác nhau, báo chí, dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổng cục Du lịch Việt Nam.

3. Ảnh hưởng của COVID-19 đến ngành Du lịch Việt Nam và các ngành liên quan

Du lịch là một cách cho hầu hết các chuyển động của con người trong thế giới hiện đại. Theo UNWTO (2020), du lịch quốc tế đã tiếp tục tăng trưởng trong năm thứ 10 liên tiếp với 1,5 tỷ lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2019. Dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2030. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 4 lần trong một thập kỷ, từ 4,2 triệu năm 2008 lên đến 18 triệu năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng về lượt khách quốc tế gia tốc mạnh trong 3 năm qua, từ mức bình quân khoảng 9% mỗi năm trong giai đoạn 2008-2015 lên đến bình quân 25% giai đoạn 2016-2019. Du lịch trong nước của Việt Nam, với số lượng khách lớn hơn nhiều so với khách quốc tế, cũng tăng mạnh và gấp 4 lần - từ 20,5 triệu năm 2008 lên 85 triệu lượt khách năm 2019, nhờ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở nước ta. Nguyên nhân là giới trẻ có sở thích đi du lịch và có khả năng chi trả tốt hơn để đi lại bằng đường hàng không trong điều kiện vé bay báy giá rẻ trong nước và chính sách giảm giá của các hãng Hàng không.

Biểu đồ 1: Số lượng du khách du lịch trên thế giới

Số lượng du khách du lịch trên thế giới

Nguồn: Tổ chức du lịch thế giới WTO (2020)

Trong lịch sử, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) bùng phát năm 2003 đã tàn phá ngành Du lịch châu Á. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC 2003) ước tính rằng có tới ba triệu người trong ngành bị mất việc làm tại các khu vực du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Việt Nam. Theo đó, sự bùng phát đã khiến 4 nền kinh tế này thiệt hại hơn 20 tỷ USD trong GDP bị mất. Lượng khách du lịch cũng giảm từ 70% trở lên so với phần còn lại của châu Á, ngay cả ở những quốc gia phần lớn hoặc hoàn toàn không có dịch bệnh. Nguyên nhân của sự sụp đổ du lịch trên toàn khu vực này có thể được cho là do cách các Chính phủ phản ứng với mối đe dọa được nhận thức của căn bệnh này hơn là đối với mối nguy hiểm thực sự đối với sức khỏe cộng đồng1.

Ngành Du lịch của Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát COVID-19 kể từ đầu tháng 3 năm 2020. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Việt Nam liên tục tăng kể từ đầu tháng 4. Từ giữa tháng 3, chính quyền một số địa phương của Việt Nam đã bắt đầu cấm nghiêm ngặt việc tham quan các điểm du lịch. Các chủ khách sạn và nhà nghỉ được yêu cầu không khuyến khích khách du lịch cư trú tại cơ sở của họ. Do đó, du lịch và các hoạt động liên quan đến du lịch bị đình trệ. Hơn nữa, vô số các chuyến bay trong nước và quốc tế bị hủy, làm cho tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, tất cả các thị thực nhập cảnh cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia đã bị đình chỉ.

Ngay từ đầu đại dịch, việc Trung Quốc tạm ngừng giao dịch để đối phó với sự bùng phát COVID-19 sẽ ảnh hưởng không chỉ đến GDP của Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, vì Trung Quốc chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và có quan hệ thương mại với gần như tất cả các nước trên toàn thế giới. Về hàng hóa và dịch vụ, Việt Nam đều có mối quan hệ thương mại đặc biệt với Trung Quốc. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 861 triệu USD (chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu) và nhập khẩu hàng hóa trị giá 15,1 tỷ USD (chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu) từ Trung Quốc. Ngành Du lịch của Việt Nam có thể phải đối mặt với khoản thiệt hại trong ba tháng (tính từ tháng 2 đến tháng 4/2020) khoảng 7,7 tỉ USD (Theo Tổng cục Du lịch)2.

Ngành Du lịch Việt Nam phần lớn ảnh hưởng bởi sự sụt giảm lượng doanh thu từ du khách tương ứng với 3 địa phương là Khánh Hòa (73,5%), TP. Hồ Chí Minh (71,2%) và Bà Rịa-Vũng Tàu (66,2%) - đây là những thành phố lớn và điểm đến du lịch ở Việt Nam cùng với các điểm đến khác3. Như vậy, có thể thấy, đại dịch có ảnh hưởng xấu đến du lịch trong và ngoài nước Việt Nam vì coronavirus (Covid-19).

Trong khi các tác động toàn cầu của đợt bùng phát COVID-19 vẫn còn, cả khách sạn/nhà nghỉ và ngành Du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề ở Việt Nam. Do lo sợ về đợt bùng phát COVID-19 quy mô lớn, nhiều du khách nước ngoài đã hủy đặt phòng khách sạn, dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho ngành Khách sạn và du lịch do thiếu khách du lịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa điểm khác ở nước ta.

4. Dự báo ảnh hưởng sau dịch Covid-19

4.1. Các kịch bản của sự ảnh hưởng

Việt Nam đã ban hành lệnh giãn cách xã hội từ ngày 01/4/2020 đến ngày 15/4/2020. Mặc dù một số ngành công nghiệp thiết yếu đã được phép mở cửa trở lại vào ngày 15 tháng 4 với các quy định nghiêm ngặt, nhưng những ngành này không thể hoạt động bình thường do lệnh cấm vận tải công cộng và các ngành công nghiệp khác trong chuỗi cung ứng. Kể từ ngày 22/4/2020, lệnh cấm đã được nới lỏng và một số lĩnh vực đã được phép mở cửa trở lại với điều kiện tuân theo các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng vào đầu tháng 7/2020 đã gây ra sự khó khăn trong phục hồi kinh tế nửa cuối năm nay.

Trên cơ sở thống kê hiện tại và quá khứ từ dịch SARS 2003, tác giả có những kịch bản sau về những ảnh hưởng của COVID-19:

Kịch bản 1- Tình trạng lây nhiễm thấp: Do tính chất của đại dịch, có những rủi ro và không chắc chắn xung quanh việc phục hồi. Trong trường hợp này, nhóm tác giả giả định rằng:

- Có một sự gia tăng các trường hợp COVID từ tháng 6 đến tháng 9/2020 do sự nới lỏng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Thực tiễn đã xảy ra việc bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Thời gian sau đã kiểm soát tốt tại thời điểm ngày 3/9/2020, từ đó thị trường hoạt động trở lại. Ước tính số lượng du khách đến Việt Nam giảm 60% trong giai đoạn 2020 - 2021.

- Sự phục hồi của Việt Nam sẽ khởi động chậm vào năm 2021 và chưa tăng đáng kể.

Kịch bản 2- Đợt bùng phát tiếp theo: Kịch bản thay thế thứ hai giả định rằng:

- Sẽ có một đợt COVID-19 thứ hai trên toàn cầu từ tháng 9/2020 - 12/2020. Làn sóng này có thể tàn khốc hơn, ước tính giảm khoảng 80% số lượng khách du lịch;

 - Do đó, hai quý đầu năm tài chính 2021 có thể bị thu hẹp không chỉ do các biện pháp tạo khoảng cách xã hội mà còn do suy thoái toàn cầu;

- Tuy nhiên, kịch bản này giả định rằng tình trạng này sẽ được kiểm soát vào cuối năm 2021.

Kịch bản 3- Đợt bùng phát kéo dài: Kịch bản này giả định rằng:

- Sẽ mất nhiều thời gian hơn để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai và ảnh hưởng sẽ kéo dài đến hết năm 2021.

- Các hoạt động kinh tế cũng sẽ bị gián đoạn trong quý 3 năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội ở cấp quốc gia, cũng như sự gián đoạn trong quá trình phục hồi toàn cầu và tại Việt Nam. Ước tính suy giảm khoảng 90% số lượng khách du lịch.

4.2. Dự báo ảnh hưởng tới ngành Du lịch tại Việt Nam

Khoảng nửa đầu năm 2020, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam hơn 3,7 triệu lượt người chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật, giảm đến 55,8% so với cùng kỳ năm 2019 là 8,5 triệu lượt. Tất cả các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và châu Phi đều giảm xấp xỉ 40 - 60%.

Từ những kết quả sụt giảm số lượng khách ước tính tới 60% ở trên, ta thống kê và dự báo kịch bản thứ nhất vào năm 2020 và năm 2021 như trình bày ở Bảng 1.

Bảng 1. Thống kê về du lịch và dự báo giai đoạn 2020-2021 của Việt Nam

Thống kê về du lịch và dự báo giai đoạn 2020-2021 của Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Du lịch và tác giả

Bảng 1 cho thấy, thống kê các năm 2016, năm 2019 và dự báo năm 2020 - 2021 cho kịch bản số 1 với lượng giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân sụt giảm lượng khách quốc tế là do Việt Nam tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19, chưa mở cửa cho du lịch quốc tế. Do đó, lượng khách đến Việt Nam trong năm 2020 chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc trong các dự án tại thị trường nội địa.

5. Biện pháp cho ứng phó với COVID-19 và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi ngành Du lịch

Những chính sách hỗ trợ ngành Du lịch đã và đang được triển khai trên các nước trên thế giới là bài học cho những nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cho việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

5.1. Kích thích nền kinh tế và việc làm

Các biện pháp kích thích tài chính là các biện pháp hỗ trợ các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ phúc lợi bổ sung cho người thất nghiệp được nhiều nước trên thế giới triển khai như Mỹ, Bồ Đào Nha,… và Việt Nam. Những biện pháp trên được cho là đã xoa dịu phần nào những tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khó có thể tận dụng được do không có nhu cầu. Biện pháp được các chuyên gia đề nghị là điều chỉnh các điều khoản vay hiện tại dựa trên các hợp đồng tín dụng hiện có đối với DNVVN để thể hiện ưu đãi tốt hơn cho các DN này. Cụ thể, bằng cách thông qua bảo lãnh và giảm hoặc cố định lãi suất là một cách tiếp cận phổ biến được một số nước như Bồ Đào Nha, Jamaica,… thực thi (ILO, 2020).

Đối với vấn đề việc làm ngành Du lịch, các quốc gia như Bồ Đào Nha, Barbados, Singapore và Chile đã cung cấp đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên du lịch trong thời gian ngừng hoạt động thông qua các khóa học trực tuyến miễn phí hoặc có trợ cấp. Chương trình đào tạo nhân lực du lịch của Chile (SIGO) cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, quản lý kỹ thuật số và kinh doanh cho các doanh nhân du lịch cũng như đang được triển khai để giải quyết những thách thức đối với tình trạng khẩn cấp do COVID-19, từ đó có thể dễ dàng thúc đẩy ngành Du lịch sau khủng hoảng (ILO, 2020).

Để thúc đẩy du lịch nội địa, một số quốc gia đang thực hiện các biện pháp như tại Malaysia, Pháp. Tại Malaysia, Chính phủ đã đề nghị giảm thuế thu nhập cho các chuyến du lịch bắt đầu từ tháng 3/2020. Tại Pháp, nếu khách hàng hợp đồng hủy đặt phòng thì luật pháp sẽ cho phép công ty chuyển đổi thành voucher dịch vụ khác. Tại Rwanda, khách du lịch sẽ có thời gian gia hạn 2 năm để hoãn đặt phòng mà không phải trả thêm phí.

5.2. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, việc làm và thu nhập

Nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, việc làm thông qua việc tạm dừng hoặc trợ cấp thuế, phí và các khoản đóng góp an sinh xã hội.

Theo chương trình Hỗ trợ Nhân viên Kinh doanh và Chuyển tiền của Jamaica, các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực du lịch sẽ được nhận chuyển khoản tiền mặt của Chính phủ 2 lần/ tháng cho mỗi công nhân được giữ lại việc làm.

Trợ cấp thất nghiệp đã được mở rộng cho lao động tự do, tạm thời, bán thời gian và lao động thời vụ ở nhiều quốc gia như Ý và Bahamas. Một số biện pháp của Chile, Bono Independiente, Peru nhắm vào những người lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức, bao gồm nhiều người trong lĩnh vực du lịch bằng cách hỗ trợ thu nhập như trợ cấp tiền lương tạm thời và cho phép chậm nộp thuế.

5.3. Bảo vệ việc làm và giảm chi phí do ngành Du lịch

Đối với an sinh xã hội thì vấn đề bảo vệ việc làm cho những nhân viên trong ngành Du lịch hết sức quan trọng để đảm bảo hạn chế những tác động tiêu cực lớn đến người lao động. Các biện pháp quan trọng bao gồm nghỉ phép do dịch đều có lương, có trợ cấp cho những người lao động, có địa điểm kinh doanh cần đóng cửa và hỗ trợ dọn dẹp cũng như khử trùng nơi làm việc trước khi mở cửa trở lại.

Hàn Quốc đã xác định lĩnh vực du lịch cần “hỗ trợ việc làm đặc biệt" và điều đó khiến các công ty du lịch nước này đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ được Chính phủ trợ cấp cho công nhân trong 6 tháng. Tại Singapore, Tổng cục Du lịch Singapore sẽ hỗ trợ chi phí làm sạch và khử trùng cho các khách sạn đã cung cấp chỗ ở cho các trường hợp nghi ngờ và xác nhận nhiễm trùng.

5.4. Sáng tạo những phương thức hỗ trợ từ trung ương xuống địa phương

Thông qua các sáng kiến giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 từ trung ương đến địa phương tại các nước đang phát triển nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng. Cụ thể, một số nước có các cơ chế đối thoại xã hội, chẳng hạn như các cơ chế đại diện bao gồm các đại diện từ tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, bao gồm cả du lịch để tìm ra giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp. Mặc dù các cơ chế của các nước không chỉ nhắm duy nhất đến một ngành cụ thể, tuy nhiên, các tổ chức du lịch và người lao động du lịch vẫn tham gia vào các cuộc thảo luận về các biện pháp chính sách liên quan đến lĩnh vực bị ảnh hưởng và có những sáng kiến thúc đẩy sáng tạo.

Tại Chile, Hội đồng thành phố Consejo thành lập một ủy ban về khủng hoảng việc làm. Ủy ban này thường xuyên họp để thúc đẩy sự phối hợp với các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng cũng như phân tích dự báo việc làm và tác động của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Tại Singapore, thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đã phát triển một bộ Hướng dẫn mới để đưa ra hướng dẫn kịp thời về việc duy trì doanh nghiệp và tiết kiệm việc làm.

Tại Nam Phi, Hội đồng Lao động và Phát triển Kinh tế Quốc gia (NEDLAC) đã thảo luận về các quy định về Thảm họa Quốc gia. Hội đồng này hợp tác để quản lý các vấn đề như làm việc theo ca, làm việc từ xa và các sắp xếp công việc khác.

Tại Tây Ban Nha, các tổ chức xã hội đã phát triển hai gói biện pháp kinh tế ban đầu để bảo vệ gia đình, công nhân, lao động tự do và các công ty cũng như thiết lập các trang web thông tin COVID-19 chuyên dụng để cung cấp hướng dẫn và công cụ. Các cuộc họp hàng tuần được tổ chức giữa Chính phủ và các đối tác xã hội để thảo luận về các biện pháp thực hiện.

6. Kết luận

Từ những phân tích, kinh nghiệm và biện pháp của các nước trên thế giới, tác giả đã tổng hợp và kiến nghị với những nhà hoạch định chính sách, Chính phủ của Việt Nam những dự báo và biện pháp khắc phục, giảm bớt thiệt hại đối với ngành Du lịch nước ta. Chính phủ cần nỗ lực có những chính sách kịp thời, quy mô lớn và có sự phối hợp, đồng thời đưa ra các cơ chế để giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với lĩnh vực Du lịch. Các chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần được phát triển trên cơ sở nghiên cứu khoa học để ứng phó với đại dịch COVID-19, bao gồm những giải pháp được kết nối với nhau.

Ngành Du lịch sẽ khó khăn thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 nếu không có giải pháp kịp thời và cấp bách. Tuy nhiên, ngành này được biết đến với khả năng chống chọi với suy thoái và khủng hoảng kinh tế, như trường hợp sau đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Như vậy, ngành Du lịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo sức sống cho nền kinh tế toàn cầu sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Thiết kế các biện pháp trong và sau thời kỳ hậu đại dịch có thể gắn kết ngành Du lịch chặt chẽ hơn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam để tạo nên một ngành Du lịch hòa nhập hơn và có khả năng phục hồi tốt nhất sau đại dịch COVID-19.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7148758/

2https://plo.vn/kinh-te/du-lich-viet-bi-thoi-bay-77-ti-usd-vi-dich-covid19-910708.html

3http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=399410

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Government of Jamaica: Ministry of Tourism (2020). “CARE: COVID-19 Allocation of Resources for Employees”, truy cập ngày 1/9/2020. tại https://jis.gov.jm/government/documents/care-covid-19-allocation-of-resources-for-employees-brochure/
  2. ILO (2020), “ACTRAV Analysis: Governments’ responses to COVID-19”, truy cập ngày 1/9/2020. tại https://www.ituc-csi.org/actrav-analysis-governments-22954?lang=en
  3. ILO - Regional Office for Asia and the Pacific (2020). “COVID-19 and employment in the tourism sector: Impact and response in Asia and the Pacific”, truy cập ngày 1/9/2020. Tại https://www.ilo.org/ wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/documents/briefingnote/wcms_742664.pdf
  4. ILO (2020). “ACTRAV Analysis: Governments’ responses to COVID-19”, truy cập ngày 6/4/2020. tại https://www.ituc-csi.org/IMG/pdf/actrav_government_covid19_response_table_countries_m-z_6_april_2020_ final_ pdf
  5. Singapore Tourism Board (2020), “COVID-19 cleaning support for tourism-related establishments”, truy cập ngày 1/9/2020. tại https://www.stb.gov.sg/content/stb/en/assistance-and-licensing/Support-for-Cleaning-Disinfection-Costs.html
  6. James Karuhanga (2020). “Rwanda reassures tourists amid coronavirus threat”, The New Times. tại https://www.newtimes.co.rw/news/rwanda-reassures-tourists-amid-coronavirus-threat
  7. Tổng cục Du lịch (2020), Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 và 3 tháng năm 2020, http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/statistic/international

PREDICTING IMPACTS OF THE COVID-19 PANDEMIC

ON VIETNAM’S TOURISM INDUSTRY AND SOLUTIONS

FOR THE POST-PANDEMIC PERIOD

• MA. VO DUC TAM

• Ph.D VO VAN BAN

Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study is to determine and forecast the impact of the on-going Covid-19 pandemic on Vietnam’s tourism industry. The outbreak of Covid-19 coronavirus has significantly impacted global travel and tourism industry. Vietnam has also experienced adverse impacts from the pandemic. Airlines have to cancel their flights, hotels have to close and travel agencies face huge losses, letting thousands of employees go in Vietnam. The Covid-19 pandemic’s spread is expected to have long-term adverse impacts on Vietnam’s tourism industry. This study proposes some solutions to help the tourism industry overcome challenges of the Covid-19 pandemic and prepare for the post-pandemic period.

Keywords: Covid-19, tourism industry, Vietnam’s tourism, global tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 10 năm 2020]