Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8, nghị định 20 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết.

Theo Bộ Tài chính, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho DN từ 20% lên 30%. Mục đích của việc nâng trần chi phí lãi vay này là nhằm hoàn thiện các quy định quản lý thuế đối với các khoản vay, cho vay của các DN có phát sinh giao dịch liên kết, qua đó bảo vệ nguồn thu cho đất nước.

Bên cạnh đó, việc sửa cũng đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của DN, tạo điều kiện cho DN phát triển phù hợp với trình độ, bản chất hoạt động giao dịch kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ Tài chính thừa nhận việc áp dụng nghị định 20 trong hơn 1 năm qua đã góp phần ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số DN, trong quá trình thực hiện nghị định 20 cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Đó là việc quy định tỉ lệ khống chế lãi vay không loại trừ cho những trường hợp đặc thù như khoản vay đã thực hiện trước đây của một số dự án của các DN thuộc vốn chủ sở hữu nhà nước, đặc biệt là khoản vay cũ khi cổ phẩn hóa, các khoản vay thực hiện dự án công tư, dự án chuyển giao.

Mặt khác, quy định khống chế tổng chi phí lãi vay 20% ảnh hưởng đến huy động vốn trung và dài hạn…

Tiếp thu ý kiến của DN và để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dự thảo nghị định mới quy định tổng chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần.

Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ngay trong tháng 12 để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019.

Bộ Tài chính cho rằng khi áp dụng đồng thời các phương án tháo gỡ gồm khống chế 30% chi phí lãi vay thuần thì số lượng DN bị loại chi phí lãi vay năm 2017 giảm hơn 1.700 DN xuống còn 1.034 DN; năm 2018 giảm từ 3.080 DN xuống còn 1.093 đơn vị.

Cũng theo Bộ Tài chính, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Như khuyến cáo của OECD, tỉ lệ khống chế chi phí lãi vay các nước xem xét áp dụng nên trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.