Đưa tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trở thành lĩnh vực cốt lõi

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trở thành lĩnh vực cốt lõi.
 Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên tại Mỏ Cá Tầm
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghe báo cáo về công tác chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên tại Mỏ Cá Tầm

 

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ra đời ngày 29 tháng 8 năm 2006, theo Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg và 199/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và thành lập Công ty mẹ-Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầu Tập đoàn triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, theo kết luận số 41-KL/TW ngày 19/01/2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 09/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh Việt Nam vừa chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (từ đầu năm 2007).

Đây cũng là lúc cả nước tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 2006-2010 nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 của đất nước, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong 5 năm (2006-2010), với tinh thần “Đổi mới quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời” với phương châm “Đồng tâm hiệp lực, hiện đại, hội nhập, tăng tốc phát triển”, Tập đoàn đã đạt những thành tựu cơ bản:

Doanh thu tăng bình quân 5 năm đạt trên 22%/năm, tương đương 18-20% GDP cả nước, tăng 3 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005;

Nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 14%/năm, chiếm trung bình 28-30%/năm tổng thu ngân sách nhà nước, tăng gần 2,5 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005;

Kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm, chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 95% so với thực hiện 5 năm 2001-2005;

Năng suất lao động trung bình tăng 1,6 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; vốn chủ sở hữu tăng 2,4 lần so với đầu kỳ kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu trung bình đạt 20%/năm; Hệ số nợ/tổng tài sản là 0,36 - đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho dòng sản phẩm đầu tiên từ tháng 02/2009, Tập đoàn đã xây dựng được Ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Đưa thêm 05 nhóm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân, đó là: sản phẩm điện khí, xăng dầu, khí nén cao áp, hạt nhựa polypropylene và năng lượng sạch.

Giai đoạn (2010-2015), với mục tiêu: “Giữ vững vị trí đầu tàu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Tập đoàn đã đạt được những thành tựu cơ bản:

Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 3.675 nghìn tỷ đồng, vượt 2,4% so với kế hoạch, tốc độ tăng bình quân đạt 10%/năm, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện 2006-2010;

Nộp Ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 880 nghìn tỷ đồng, vượt 4,5% kế hoạch, tăng 73% so với thực hiện 2006 – 2010;

Tổng tài sản đạt 800 nghìn tỷ đồng, tăng 334 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010; tổng vốn chủ sở hữu đạt 414 nghìn tỷ đồng, tăng 182 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010;

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn Chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. Tập đoàn luôn có đóng góp lớn và giữ vai trò quan trọng đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.

Giai đoạn 2015 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá dầu thô giảm sâu, song với tinh thần cầu thị và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách, Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao hằng năm.

 Các sản phẩm của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngày 23 tháng 7 năm 2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển Ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài.

Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn, động lực lớn lao đối với niềm tin và khát vọng của mỗi người Dầu khí.

Tiếp đó, ngày 16 tháng 10 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí ngày 6-7-1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 9-6-2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 3-6-2008, tạo ra một khung khổ pháp lý, quy định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các nội dung về đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; thực hiện hoạt động dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí cũng như các quy định quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí.

 

Bảo Lộc