Đức: Sẵn sàng tung gói cứu trợ kinh tế trị giá 10% tổng GDP hàng năm

Các quan chức cấp cao Đức đã sẵn sàng tung gói cứu trợ kinh tế lên đến hơn 356 tỷ EUR nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của dịch virus Covid-19.

Hãng tin CNBC cho biết các quan chức cấp cao Đức đã sẵn sàng tung ra các giải pháp kích thích kinh tế với tổng trị giá lên đến hơn 356 tỷ EUR (tương đương 382 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này đối phó với các tác động của đại dịch virus Covid-19. Quy mô gói kích thích lần này tương đương với 10% tổng GDP hàng năm của Đức.

Gói kích thích mới sẽ bao gồm 156 tỷ EUR cho các khoản chi tiêu bổ sung của Chính phủ Đức, 100 tỷ EUR cho Quỹ ổn định kinh tế và có thể được dùng để trực tiếp mua lại các tài sản chứng khoán của các công ty của Đức và 100 tỷ EUR được phân bổ cho Ngân hàng Tái thiết Đức KfW nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận được nguồn vốn vay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết "sẽ hành động bằng mọi giá" để giúp nền kinh tế Đức vượt qua các tác động nghiêm trọng của đại dịch virus Covid-19 (Ảnh: Michael Kappeler/AFP/ Getty Images)

Chi tiết gói kích thích kinh tế sẽ được Chính phủ Đức thảo luận trong tuần này. Dự kiến Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz sẽ có bài phát biểu về gói kích thích kinh tế mới vào thứ Bảy này (28/3). Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết “sẽ hành đồng bằng mọi giá” để giúp nền kinh tế Đức vượt qua các tác động của đại dịch virus Covid-19. Hiện bà Angela Merkel đang tự cách ly ở nhà sau khi tiếp xúc với một bác sĩ bị nhiễm Covid-19.

Trong ngày 13/3, Chính phủ Đức cho biết sẽ tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này với tổng trị giá lên đến 550 tỷ EUR (tương đương 614 tỷ USD). Con số này cao hơn nhiều so với khoản tiền mà Đức đã bỏ ra để hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi đó, Quốc hội Liên bang Đức cũng nhất trí thông qua việc hỗ trợ tiền cho việc giảm giờ làm việc để các doanh nghiệp cũng như người lao động có thể "phòng vệ" tốt hơn trước những hậu quả về kinh tế của dịch bệnh. Đây là những biện pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Đức để giúp nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu vượt qua các tác động nghiêm trọng của dịch virus Covid-19.

Quang Đặng (Theo CNBC)