EVNSPC: Hiện đại hóa ngành điện phục vụ nhu cầu khách hàng

Nhiều đơn vị điện lực tại các tỉnh thành phía Nam thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đánh giá cao về việc đảm bảo cung cấp điện, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mới của ngành điện để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tuyên truyền mở rộng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo tại địa phương.
điện miền nam
Các ĐBQH đánh giá EVN SPC đáp ứng sự kỳ vọng của người dân trong việc cung cấp đảm bảo đủ điện tiêu dùng

Theo đó, trong đợt đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri của trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV trong ngành điện, cụ thể tại các công ty Điện lực tại các tỉnh miền Nam ghi nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá về kết quả đạt được cũng như những đề xuất, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác phục vụ phát triển ngành điện được đưa ra.

Luôn đảm bảo đủ điện

Tại tỉnh Đồng Tháp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 144/144 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Đã có 521.049/521.132 hộ dân có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 99,98%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân có điện khu vực thành thị là 99,99%, khu vực nông thôn là 99,98%.

Theo ông Đào Hữu Điền – Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Đồng Tháp cho biết Đồng Tháp là tỉnh tỷ lệ có điện gần như cao nhất ở ĐBSCL có, lưới điện quốc gia phủ khắp toàn tỉnh .

Riêng điện thương phẩm, thực hiện 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.885.387.962 kWh, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm 2018 (9 tháng đầu năm 2018 tăng 6,48% so với cùng kỳ năm 2017), đạt 77,27%  so với kế hoạch Tổng công ty giao. Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển khai thác các dự án điện năng lượng mặt trời…

“Tôi đánh giá cao vai trò trách nhiệm tinh thần phục vụ của công ty Điện lực tỉnh Đồng Tháp. Ghi nhận một số trường hợp, người dân mất điện cục bộ, đơn vị điện lập tức cử công nhân đến khắc phục khi nhận được thông báo, hoặc khi người dân thắc mắc, khiếu nại các vấn đề về điện luôn được giải đáp nhanh chóng.” - Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng tháp đánh giá.

điện miền nam
EVN SPC đã đầu tư đưa điện ra các xã đảo

Tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của ngành điện đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đề nghị ngành điện tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện, nhất là ở huyện Côn Đảo nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, 9 tháng qua, Công ty đã cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh 9 tháng là 4.930,99MWh, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 72,67% kế hoạch Tổng Công ty giao.

Để đáp ứng nguồn điện cho các khu vực như vùng sâu vùng xa, cảng biển, KCN, vùng sản xuất nông nghiệp… ngành điện đã chủ động khảo sát, đầu tư hạ tầng lưới điện, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho từng khu vực.

Bên cạnh đó, công tác phát triển khách hàng, tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng, phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn cũng đạt kết quả khả quan, góp phần giúp việc sản xuất và cung cấp điện trên địa bàn tỉnh ổn định, an toàn; giảm thiểu đến mức thấp nhất các sự cố về điện.

Ông Lưu Thành Công- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long thông báo, qua những lần tiếp xúc cử tri, cử tri tỉnh nhà khá hài lòng với việc cung cấp điện đủ và liên tục của ngành điện.

Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long ghi nhận những đóng góp, đảm bảo cung cấp đủ điện cho người dân, đồng thời hiện nay người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng nguồn năng tái tạo như điện mặt trời áp mái, tiếp tục đẩy mạnh cho người dân hiểu rõ về việc tính giá điện công khai minh bạch tạo sự đồng thuận trong người dân.

Trong 9 tháng qua, Công ty Điện lực Vĩnh Long đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp điện phục vụ tốt nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và doanh nghiệp. Sản lượng điện thương phẩm 9 tháng đạt 781triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, điện sử dụng trên địa bàn cao nhất trong 10 năm gần đây.

Để đảm bảo nguồn điện cũng như các phương án vận hành lưới điện an toàn, cung cấp điện liên tục, công ty đã đầu tư 397 tỷ đồng triển khai 4 công trình lưới điện 110kV và 22 công trình lưới điện phân phối 22kV trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công ty đã phát triển gắn điện kế mới 5.924 khách hàng tại các xã nông thôn mới của tỉnh; triển khai các công trình đầu tư xóa hộ câu đuôi trên 1.000 hộ…

Đặc biệt, ông Lưu Thành Công đề nghị tăng cường công tác kiểm tra điện vào mùa mưa, tai nạn điện có thể xảy ra bất cức lúc nào, giao cho các trạm điện lực của các huyện, thành phố, thường xuyên đến cơ sở để nắm bắt tình hình điện lưới thiếu an toàn để kiểm tra, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ ngành điện

Theo đó, Đoàn ĐBQH các tỉnh đề nghị, cũng như các công ty điện lực 21 tỉnh phía Nam quan tâm việc nâng cao chất lượng dịch vụ ngành điện, công nghệ hóa việc không dùng tiền mặt trong thanh toán, giao dịch tiền điện, đồng thời hiện đại hóa ngành điện trong việc sử dụng năng lượng sạch, cụ thể phát triển điện mặt trời áp mái, công khai giá điện, khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng.

Trao đổi với Công ty Điện lực tỉnh Cà Mau, đoàn đại biểu quốc hội quan tâm đến hướng khai thác các loại năng lượng điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió để nâng tỷ trọng so với thủy điện, nhiệt điện. Thời gian qua, qua các buổi tiếp xúc cử tri người dân quan tâm đến vấn đề sắp xếp tái cơ cấu lại DN, việc đầu tư ngoài ngành thời gian qua, cũng như trước khi tăng giá điện cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người nhân hiểu rõ về việc tính giá điện công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn trong dân, nhất là đối với các hộ nuôi tôm công nghiệp.

Tại buổi việc với Công ty Điện lực Đồng Tháp, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị công ty Điện lực tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai xây dựng các công trình về điện, nâng tỷ lệ hộ dân lắp điện mặt trời áp mái, đồng thời giải quyết nhanh các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể phát triển điện mặt trời tại tỉnh Đồng Tháp, theo báo cáo đến nay, tổng số khách hàng lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều là 443 khách hàng với tổng công suất là 4.773,87 kWp, trong đó có 248 khách hàng lắp đặt trước ngày 30/6/2019 (3.776,89 kWp) và 195 khách hàng lắp đặt sau ngày 30/6/2019 (468,48 kWp). Sản lượng điện khách hàng bán lại cho Điện lực tính đến tháng 9/2019 là 559.179 kWh, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã thanh toán cho khách hàng với tổng số tiền 888.654.579 đồng.

Để đạt được kết quả như trên, điện lực tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, như tổ chức hội thảo “Giải pháp tiết kiệm điện trong chiếu sáng và ứng dụng năng lượng mặt trời”, báo cáo tham luận “Phương thức thực hiện và hiệu quả đầu tư hệ thống Năng lượng mặt trời áp mái cấp điện cho nhà điều hành sản xuất Công ty Điện lực Đồng Tháp” cho các Sở, Ban ngành, UBND, Phòng KT, phòng  KT&HT các huyện, thị, thành và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách sạn, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Cử tri tại Đồng tháp cũng kiến nghị với ĐBQH ngành ngân hàng nên có giải pháp thông thoáng hơn để tạo điểu kiện cho người dân tạo tài khoản có thêm phương tiện, như các ví điện tử để thuận tiện trong việc thanh toán không sử dụng tiền mặt…

EVN SPC đã đầu tư phát triển lưới điện cao áp để đáp ứng nhu cầu điện cho người dân
EVN SPC đã đầu tư phát triển lưới điện cao áp để đáp ứng nhu cầu điện cho người dân

Riêng Công ty Điện lực tỉnh Tây Ninh cũng đề xuất để nâng cao hiệu quả tuyên truyền,vận động thanh toán tiền điện qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Công ty rất mong trong quá trình tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tiếp tục hỗ trợ thông tin thêm cho người dân, khách hàng sử dụng điện hiểu rõ về chủ trương này và hỗ trợ tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cùng phối hợp thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ thông tin thêm cho người dân, khách hàng sử dụng điện hiểu rõ về chủ trương triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) và phát triển nguồn điện mặt trời của Chính phủ nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, góp phần đảm bảo môi trường, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

 

Lê Hoa