Gánh nặng phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 tiếp tục đè nén chính sách tiền tệ và tài khoá

Nhằm đối phó với sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, phần lớn các nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế, chính sách hỗ trợ quy mô lớn. Trong đó, chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia liên tục được nới lỏng thông qua việc cắt giảm lãi suất điều hành, mở rộng các chương trình mua tài sản với quy mô lớn, đưa ra các chương trình cho vay ưu đãi…
Nới lỏng chính sách tiền tệ
Đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia đã chững lại hoặc có dấu hiệu suy giảm trở lại trong những tháng cuối năm 2020 khi các làn sóng lây nhiễm mới bùng phát (Ảnh: Al Jazeera)

Theo thống kê của trang tin chuyên về hoạt động của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới – Central Bank News, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã cắt giảm lãi suất điều hành khoảng 90 lần. Trong đó, nhiều ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất nhiều hơn 2 lần trong năm qua.

Xu hướng cắt giảm lãi suất điều hành tập trung trong 2 quý đầu năm 2020, đặc biệt vào tháng 3 và tháng 4 – thời điểm đại dịch Covid-19 lan ra khắp toàn cầu và xu hướng này diễn ra chậm lại vào nửa cuối năm 2020. Chỉ số theo dõi lãi suất toàn cầu (GIRM) đạt 4,19%, giảm 1,54 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Trong môi trường lãi suất được cắt giảm liên tục, các ngân hàng trung ương còn gia tăng quy mô các gói nới lỏng định lượng QE, giúp thanh khoản trên thị trường toàn cầu khá dồi dào.

Trước tác động của đại dịch, kinh tế toàn cầu đã lao dốc mạnh trong 2 quý đầu năm, phục hồi khá mạnh mẽ trong quý 3/2020 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia đã chững lại hoặc có dấu hiệu suy giảm trở lại trong những tháng cuối năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

Hiện triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới bao gồm việc phân phối vaccine phòng ngừa Covid-19 và cần phải có thời gian để có thể quay trở lại mức tăng trưởng dương.

Nhiều chuyên gia nhận định triển vọng kinh tế vẫn còn ở mức ảm đạm trong 2 quý đầu năm 2021. Thậm chí, một số nền kinh tế lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, khu vực Châu Âu, Nhật Bản… có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm trở lại trong quý 1/2021 và diễn biến tích cực sẽ chỉ rõ nét hơn vào năm 2022.

Dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 được các tổ chức kinh tế và giới chuyên gia nhận định có thể diễn ra theo 2 kịch bản chủ đạo. Trong kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 được thực hiện trên diện rộng. Đồng thời, việc nới lỏng các chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng gia tăng. Trong kịch bản này, GDP toàn cầu năm 2021 được dự báo sẽ tăng từ 4,5% - 5,5% với sự đóng góp dẫn dắt của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Theo kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm nếu việc sản xuất và triển khai tiêm phòng rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm, việc phong toả và giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bệnh buộc phải kéo dài và các rủi ro kiểm soát dịch bệnh. Kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, GDP toàn cầu chỉ có thể tăng khoảng 2% trong năm 2021 và nhiều khả năng đà phục hồi rõ nét sẽ xuất hiện dần dần trong năm 2022.

Trong đó, khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, sản lượng sẽ sụt giảm mạnh tại các nền kinh tế có ít chính sách bù đắp, sự ổn định của chính sách tài khóa và mức độ bảo vệ xã hội thấp.

Rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới vẫn là sự kiểm soát đại dịch vẫn chưa chắc chắn. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ đối mặt với rủi ro tiếp tục bị gián đoạn. Các hoạt động đầu tư có thể tiếp tục bị thu hẹp, tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh giảm thấp. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo sự kéo dài và diễn biến phức tạp của đại dịch có thể khiến các chính sách tiền tệ và tài khoá khó phát huy hết tác dụng, thị trường tài chính khó thiết lập được sự ổn định và đối mặt nguy cơ đổ vỡ cao.

Quang Đặng