Giá dầu thô bật tăng 4%, lo ngại kênh đào Suez có thể tắc nghẽn vài tuần tới

Trong ngày 25/3, giá dầu thô thế giối đã bật tăng hơn 4% do lo ngại sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez (Ai Cập) sẽ kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu thô toàn cầu. Thị trường vẫn lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ ở mức thấp khi nhiều nước tại Châu Âu tái phong toả.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô WTI và dầu thô Brent từ 1/3 đến 26/3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/3, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 2,62 USD tương ứng 4,2% lên 64,57 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 2,41 USD tương ứng 4,1% lên 60,97 USD/thùng. Sau khi lao dốc, mất hơn 4% trong phiên giao dịch ngày  24/3, giá dầu thô thế giới đã quay đầu tăng trở lại sau thông tin việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez (Ai Cập) có thể mất đến vài tuần.

Trong tuần này, giá dầu thô đã biến động mạnh trước các thông tin đan xen. Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần khi thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô khó sớm phục hồi trở lại khi hàng loạt quốc gia tại khu vực Châu Âu tái phong toả trở lại nhằm chống làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba.

Tuy nhiên, đến giữa tuần, giá dầu thô đã quay đầu tăng trở lại sau khi kênh đào Suez (Ai Cập) bị tắc nghẽn vì một siêu tàu container mắc kẹt trong kênh, đe doạ đến nguồn cung dầu mỏ trên thị trường. Khoảng 10% lượng dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu thông qua kênh đào Suez.

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent chỉ tăng nhẹ 0,1%; trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 0,7% - đánh dấu tuần giảm giá thứ ba liên tiếp. Hãng dữ liệu thị trường năng lượng Kpler (Singapore) cho biết hiện có 10 tàu chở 10 triệu thùng dầu thô đợi ở 2 đầu kênh đào Suez. Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đã khiến giá cước vận chuyển dầu thô tăng gấp đôi trong tuần này.

Giá dầu thô cũng đang được nâng đỡ bởi lo ngại gia tăng căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông. Trong ngày 25/3, lực lượng phiến quân Houthi (Yemen) đã tấn công vào nhiều cơ sở sản xuất của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (Ả-rập Xê-út). Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.

Hồi giữa tháng 9/2020, các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân Houthi vào các cơ sở lọc hoá dầu của Saudi Aramco đã khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu giảm 5%, đẩy giá dầu thô tăng 19% và chỉ giảm dần khi Ả-rập Xê-út dần khôi phục các hoạt động sản xuất.

Thị trường dầu mỏ hiện kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (Liên minh OPEC+) sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng hai thác, qua đó nâng đỡ giá dầu thô. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì mức sản lượng thấp như hiện này cho đến tháng 5/2021. Liên minh OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp để quyết định chính sách khai thác trong tuần tới.

Abu Dhabi National Oil Company, tập đoàn khai thác dầu thô quốc gia Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), đã quyết định giảm lượng cung ứng dầu thô cho các khách hàng tại Châu Á trong tháng 5 và tháng 6 tới đây.

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Viện y tế cộng đồng Robert Koch Institute (Đức) cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba hiện nay tại Đức có thể biến thành đợt lây nhiễm mạnh nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát và số ca nhiễm mới có thể tăng đến 100.000 ca/ngày.

Quang Đặng