Giá dầu thô diễn biến trái chiều, tình hình dịch Covid-19 phủ bóng đen lên thị trường năng lượng

Giá dầu thô Brent đã tăng lên nhờ nguồn cung dầu suy yếu; trong khi đó, giá dầu thô WTI của Hoa Kỳ tiếp tục chịu áp lực giảm khi số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này gia tăng kỷ lục.
Công nhân khai thác dầu thô
 Số giàn khoan khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục tuần thứ 9 liên tiếp (Ảnh: CNBC)

Vào lúc 8h09 sáng nay (ngày 6/7, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 11 cents tương ứng 0,3% lên 42,91 USD/thùng. Ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai lại giảm 30 cents tương ứng 0,7% xuống mức 40,35 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu thô Brent đã tăng 4,3%.

Đà tăng của giá dầu thô Brent chủ yếu do nguồn cung dầu thô ra thị trường đang giảm xuống. Trong khi đó, giá dầu thô WTI chịu áp lực giảm chủ yếu do số ca nhiễm mới Covid-19 tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô tại đây sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Hiện có 39 tiểu bang trên tổng số 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tăng lên, dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy chỉ trong 4 ngày đầu tháng 7 này, đã có 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức cao kỷ lục và dự báo các buổi tiệc mừng Ngày Độc lập 4/7 vào cuối tuần qua sẽ khiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao hơn nữa.

Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) cảnh báo “Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 mới tại một số bang của Hoa Kỳ đang ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu”.

Trên thị trường dầu mỏ, một số nhà đầu tư đang tập trung theo dõi diễn biến nguồn cung dầu sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của Nga cũng đã gần chạm mức cam kết.

Liên minh OPEC+ bao gồm OPEC và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đang thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác khổng lồ, lên tới 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2020. Sau tháng 7/2020, liên minh OPEC+ dự kiến điều chỉnh mức cắt giảm sản lượng khai thác xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

Sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ, quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đang giảm xuống. Mặc dù việc giá dầu thô phục hồi mạnh trong thời gian gần đây đã khuyến khích một số hãng khai thác năng lượng tái mở rộng sản xuất trở lại nhưng dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô và khai thác khí tự nhiên hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tuần thứ 9 liên tiếp.

Quang Đặng (Theo Reuters)