Điều này giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ được giữ ở mức tốt trong thời gian tới.

Giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đạt được đột phá trong việc giải quyết các xung đột thương mại và các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ được nối lại trong tuần này.

Trong phiên giao dịch ngày 1/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2019 trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) đã tăng 43 cents lên mức 60,57 USD/thùng. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô WTI đã tăng thêm 1,4% lên mức 60,14 USD/thùng. Tính chung cả quý I/2019, giá dầu thô WTI trên sàn giao dịch NYMEX đã tăng mạnh 32% - xác lập mức tăng giá theo quý cao nhất kể từ quý IV/2009. Giá dầu thô Brent giao tháng 6/2019 cũng đã tăng 0,9% lên mức 68,19 USD/thùng trên Sàn giao dịch ICE Futures Europe tại London trong phiên giao dịch ngày 1/4.

Giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm nay được hỗ trợ tích cực từ việc số liệu Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 3/2019 ở mức tốt, vượt xa các dự đoán của giới phân tích. Cụ thể, chỉ số PMI tháng 3/2019 của Trung Quốc đạt 50,2 điểm, tăng so với mức 49,2 điểm của tháng 2/2019. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2012 của chỉ số này. Các chỉ số con chính của chỉ số PMI như số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đều ở mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Chỉ số PMI đạt trên 50 điểm phản ánh sự mở rộng và dưới 50 điểm phản ánh sự thu hẹp của ngành sản xuất.

Chỉ số Caixin PMI – một chỉ số phụ phản ánh sát hơn chỉ số PMI về hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc cũng ở ngưỡng tích cực, trên 50 điểm lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia sử dụng dầu thô lớn nhất trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cho thấy nước này đang đẩy nhanh tiến độ cắt giảm sản lượng khai thác nhằm đạt mục tiêu cắt giảm vào cuối tháng 4/2019. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga ông Alexander Novak và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Iran ông ijan Namdar Zanganeh dự kiến sẽ gặp thảo luận về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới (OPEC+). Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2019.  

Theo số liệu mới nhất của hãng Baker Hughes, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Hoa Kỳ tiếp tục giảm tuần thứ 8 liên tiếp xuống còn 816 giàn khoan.