Giá dầu thô giảm, dự báo giá trung bình năm 2020 đạt 60 USD/thùng

Giá dầu thô đã giảm nhẹ khi thị trường vẫn giữ tâm lý thận trọng trước các biến động của dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc. Dự báo giá dầu thô trung bình năm 2020 sẽ đạt 60 USD/thùng và giảm còn 55 USD/thùng trong năm 2021.

Vào lúc 8h26 sáng nay (ngày 18/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã giảm 37 cents tương ướng 0,6% xuống 57,30 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 15 cents tương ứng 0,3% xuống mức 51,90 USD/thùng.

Giá dầu thô giảm trong bối cảnh thị trường vẫn giữ tâm lý thận trọng trước các biến động của dịch virus Covid-19 đến nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc cũng như của nền kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy, số người nhiễm virus Covid-19 mới tại nước này đã tăng thêm 1.807 ca. Đánh dấu, lần đầu tiên số ca nhiễm bệnh mới thấp hơn mức 2.000 ca kể từ thời điểm dịch bệnh bùng phát trong tháng 1/2020. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhận định vẫn còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh.

Cuối tuần trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu dự báo giảm 435.000 thùng/ngày trong quý 1/2020 trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19. Đây cũng là quý đầu tiên ghi nhận nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu giảm kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009.

Tại Trung Quốc, một số nhà máy lọc dầu tư nhân vẫn đang tiếp tục gia tăng tích trữ dầu thô sau thời gian dài ngưng hoạt động vì nghỉ lễ Tết Nguyên đan và dịch bệnh bùng phát. Điều này đã khiến một số nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi tăng trở lại trong vài tháng tới.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang kỳ vọng khối OPEC và các nước sản xuất dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) sẽ đạt được thoả thuận đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô thêm 600.000 thùng/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu giảm xuống vì dịch bệnh. Hiện khối OPEC+ đang cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020 theo thoả thuận đạt được hồi tháng 12/2009.

Bất chấp các sức ép từ Ả-rập Xê-út, Nga, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất trong số 10 quốc gia khai thác dầu thô đồng minh của khối OPEC, cho biết vẫn đang xem xét quyết định cắt giảm sản lượng khai thác. Theo tính toán của các chuyên gia, Ả-rập Xê-út cần duy trì giá dầu thô tại mức 80 USD/thùng để duy trì ngân sách quốc gia.

Giá dầu thô giảm đang gây tác động xấu đến nền kinh tế các nước Vùng Vịnh
Giá dầu thô giảm mạnh đang gây sức ép lên nền kinh tế các quốc gia Vùng Vịnh

Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu nặng lượng chính của khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu mỏ tại khu vực Vùng Vịnh. Ả-rập Xê-út cung ứng tới 12,4% tổng lượng dầu thô và khí đốt được Trung Quốc nhập khẩu; con số này đối với Oman là 7,2%; đối với Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) là 2,8% và đối với Kuwait là 5%. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Sự sụt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng của Trung Quốc đang gây tác động lớn đến nền kinh tế các quốc gia xuất khẩu năng lượng.

Hãng tư vấn thị trường S&P Global Ratings dự báo giá dầu thô trung bình năm 2020 sẽ đạt 60 USD/thùng và giảm xuống mức 55 USD/thùng trong năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm 10% trước tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.

Quang Đặng (Tổng hợp)