Giàn khoan dầu thô
 Các phiên họp về chính sách khai thác dầu thô năm 2021 sẽ được OPEC+ dời xuống cuối tuần này khi một số quốc gia chủ chốt chưa đạt đồng thuận về việc duy trì mức cắt giảm sản lượng khai thác cao như hiện nay (Ảnh: Krohne)

Vào lúc 8h36 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2020 đã giảm 20 cents tương ứng 0,4% xuống còn 47,68 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 27 cents tương ứng 0,6% xuống còn 45,07 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 30/11, giá dầu thô Brent đã giảm 1% và giá dầu thô WTI giảm 0,4%. Tuy nhiên, tính từ đầu tháng 11/2020 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã tăng khoảng 27%, xác lập tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 lan rộng, khiến các hoạt động kinh tế trên toàn cầu bị đình trệ. Đà bật tăng mạnh mẽ của giá dầu thô trong thời gian qua chủ yếu nhờ các tin tức tích cực về vaccine phòng chống Covid-19 liên tục được công bố, củng cố kỳ vọng của giới đầu tư về kịch bản nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm phuc hồi trở lại.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ sẽ trì hoãn các phiên thảo luận về chính sách khai thác dầu thô năm 2021 cho đến thứ Năm tuần này. Nguyên nhân chủ yếu do các quốc gia chủ chốt trong liên minh OPEC+ vẫn chưa đạt đồng thuận về mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn ở mức yếu. Trước đó, phiên họp giữa các bộ trưởng năng lượng của các quốc gia thành viên chủ chốt liên minh OPEC+, diễn ra vào ngày 29/12, đã không đạt được đồng thuận về chính sách khai thác dầu thô mới.

Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu hiện đang cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 7,7 triệu thùng/ngày nhằm cân bằng thị trường dầu mỏ trước các tác động của đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ hạ mức cắt giảm sản lượng xuống còn 5,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021 tới đây. Giới đầu tư hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ hoãn kế hoạch nâng sản lượng khai thác cho đến ít nhất tháng 4/2021 do nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn ở mức yếu.

Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng tương lai Bob Yawger của hãng chứng khoán Mizuho Securities nhận đinh, đến phút cuối, liên minh OPEC+ sẽ đạt được thoả thuận duy trì mức cắt giảm sản lượng cao như hiện nay cho đến tháng 4/2021. Tuy nhiên, thoả thuận này sẽ chỉ đạt được khi một số quốc gia thành viên đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa, theo ông Bob Yawger.

Hiện Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đang tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác cao hơn so với mức được phân bổ giữa các quốc gia thành viên liên minh OPEC+. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết UAE đã lên tiếng cho biết sẵn sàng hậu thuẫn cho việc duy trì cắt giảm sản lượng nếu như các quốc gia khác trong liên minh OPEC+ thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng khai thác.

Khảo sát của hãng tin Reuters đối với 40 nhà kinh tế học và chuyên gia phân tích cho thấy giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49,35 USD/thùng trong năm 2021 với dự báo giá dầu thô Brent sẽ phải vượt qua một số đợt điều chỉnh giá trước khi đạt được mức giá này.