Giá dầu thô giằng co trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng tăng

Giá dầu thô đã giảm trở lại trong bối cảnh căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng tăng khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Giàn khoan dầu thô
Giàn khoan dầu thô hoạt động trên Vịnh Mexico, Hoa Kỳ (Ảnh: Shutterstock)

Vào lúc 8h20 sáng nay (ngày 27/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 21 cents tương ứng 0,6% xuống còn 35,96 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 31 cents tương ứng 0,9% về mức 34,04 USD/thùng.

Giá dầu thô hiện đang giằng co giữa các yếu tố cơ bản. Trong đó, việc ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp phong toả phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19 đang giúp các hoạt động kinh tế hồi phục, kéo theo nhu cầu sử dụng dầu thô gia tăng trở lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang quan sát kỹ lưỡng đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô.

Bên cạnh đó, giá dầu thô chịu tác động tiêu cực từ việc căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Sự bùng phát căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể kéo tụt đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, tác động xấu đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vừa qua đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang “phạm phải sai lầm lớn” trong việc áp đặt Luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc).

Trong thời gian gần đây, việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng quy mô lớn, lên tới gần 10 triệu thùng/ngày tương đương khoảng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và tháng 6/2020 đã hỗ trợ tích cực lên giá dầu thô.

Tại Hoa Kỳ, quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, một số tiểu bang đã bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô tăng trở lại nhưng giới phân tích nhận định sự phục hồi nhu cầu về dầu thô hiện rất “mong manh”. Theo Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng đầu tư Australia and New Zealand Banking Group (ANZ), các ước tính ban đầu cho thấy nhu cầu sử dụng xăng tại Hoa Kỳ hiện đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh mọi người buộc phải ở nhà để phòng chống đại dịch Covid-19.

Một số chuyên gia và tổ chức tài chính dự báo thị trường dầu mỏ sẽ đạt điểm cân băng sớm nhất là vào tháng 6/2020, tuy nhiên cơ quan tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định thị trường đang quá lạc quan về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cũng cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đang dần giảm xuống. Khảo sát mới đây của hãng tin Reuters đối với các chuyên gia dự báo lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước có thể đã giảm xuống, đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp giảm.

Quang Đặng (Theo Reuters)