Giá dầu thô ở mức âm lần đầu trong lịch sử: Nguyên nhân do đâu?

Giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 đã lần đầu tiên giảm về mức -37,63 USD/thùng hay nói cách khác người bán phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Giá dầu thô giảm kỷ lục khi xuất hiện đồng thời các hiện tượng "bán non", "bù hoãn mua" và thiếu hụt kho dự trữ dầu thô. Diễn biến “điên rồ” của giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 20/4 là sự kết hợp của nhiều yếu tố trên thị trường.

Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2020 (CLC1) chốt phiên giao dịch ngày 20/4 ở mức -37,63 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô có lúc giảm về mức -40,32 USD/thùng. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà giao dịch dầu thô phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Tính chung cả phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 đã giảm 55,90 USD/thùng tương ứng 306%, theo dữ liệu của Down Jones Market Data.

Giá dầu thô giảm về mức âm
 Giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm về mức âm (Nguồn: Refinitiv, Biểu đồ: Guardian)

Cắt lỗ bằng mọi giá

Chốt phiên giao dịch gần nhất (Thứ Sáu, ngày 17/4), giá dầu thô WTI hợp đồng CLC1 đạt 18,27 USD/thùng. Diễn biến “điên rồ” của giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 20/4 là sự kết hợp của nhiều yếu tố trên thị trường bao gồm áp lực “bán non” (short-squeezed) cắt lỗ bằng mọi giá của giới đầu tư khi hợp đồng giao dịch dầu thô CLC1 sẽ hết hạn vào ngày Thứ Ba (21/4/2020), hiện tượng “bù hoãn mua” (contango) – chệnh lệch giữa giá dầu thô giao tương lai và giá dầu thô hiện tại và tình trạng thiếu hụt chỗ chứa dầu thô khi các kho chứa dầu tại Hoa Kỳ đang bị lấp đầy nhanh chóng.

Đối với hiện tượng “bán non”, trên thị trường tương lai, khi hợp đồng dầu thô hết hạn, những nhà đầu tư nắm giữ “vị thế bán” (short position) sẽ buộc phải chuyển giao hàng hoá và những nhà đầu tư nắm giữ “vị thế mua” (long position) sẽ buộc phải nhận chuyển giao hàng hoá. Việc hợp đồng dầu thô sắp hết hạn giao dịch buộc những nhà đầu tư bán khống nắm giữ “vị thế bán” (short position) phải gấp rút kết thúc vị thế bán của mình, bán các hợp đồng dầu thô đang nắm giữa bằng mọi giá để cắt lỗ.

Các nhà đầu tư nắm giữ “vị thế bán” cần sẽ không muốn nắm giữ hợp đồng do việc chuyển giao hàng hoá sẽ khiến họ mất thêm chi phí lưu trữ và vận chuyển dầu thô. Đặc biệt, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vốn nắm giữ lượng lớn các hợp đồng giao dịch dầu thô tương lai đồng loạt phải bán ra khi các hợp đồng giao dầu thô đến hạn, điều này đã gây áp lực mạnh lên giá dầu thô.

Nỗi lo thiếu hụt kho chứa dầu thô

Khác với dầu thô Brent vốn được khai thác ở những khu vực dễ dàng tiếp cận để vận chuyển bằng đường biển đến các khu vực khác trên thế giới, dầu thô WTI của Hoa Kỳ chủ yếu được khai thác ở những nơi sâu trong nội địa. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sụt giảm mạnh dưới các tác động của đại dịch Covid-19, các nhà giao dịch và hãng khai thác dầu tại đây đổ xô đi tìm các kho chứa dầu thô gần khu vực khai thác để chứa dầu, việc vận chuyển xa sẽ gây phát sinh thêm chi phí vận chuyển đắt đỏ. Các dữ liệu gần đây cho thấy các kho chứa dầu thô tại Hoa Kỳ có thể sẽ bị lấp đầy vào giữa tháng 5/2020.

[Xem thêm tại: Thế giới sẽ hết chỗ chứa dầu thô trong vài tháng tới]

Một số nhà giao dịch trên thị trường vốn đã thuê được các kho chứa dầu đã gia tăng áp lực lên các đối thủ không có chỗ chứa dầu, buộc giá dầu thô giảm xuống thấp hơn nữa để có thể tận dụng mua dầu thô vào và tích trữ tại các kho chứa với kỳ vọng giá dầu thô trong tương lai sẽ tăng lên. Đặc biệt là những nhà giao dịch như này thu lời được từ việc sẽ được người bán trả tiền để đem dầu thô đi vừa kiếm được lợi nhuận khi bán dầu thô trong tương lai.

Hiện tại, không phải tất cả các hợp đồng giao dịch dầu thô đều giảm về mức âm. Cụ thể, mặc dù giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 (CLC2), hiện là hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên thị trường, đã giảm mạnh 18% trong phiên giao dịch ngày 20/4 nhưng giá vẫn được giữ tại mức 20,43 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 7/2020 giảm 5% về mức 28 USD/thùng và giá dầu thô WTI giao tháng 10/2020 hiện đạt 31,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 6/2020 (LCOC1) cũng giảm 6% xuống mức 26,35 USD/thùng.

Phát biểu trong ngày 20/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết “Đây là thời điểm tuyệt vời để mua dầu thô vào” và cho biết chính quyền của ông đang thúc đẩy ý tưởng gia tăng mua dầu thô bổ sung cho Quỹ dự trữ dầu thô chiến lược của Hoa Kỳ vừa để tận dụng giá dầu thô đang ở mức thấp vừa giúp giải toả áp lực tìm kiếm kho chứa dầu trên thị trường, qua đó giúp kìm hãm đà giảm của giá dầu thô.

Đầu cơ giá lên

Giá dầu thô của các hợp đồng giao trong tương lai như tháng 7/2020 và tháng 10/2020 vẫn ở mức cao do thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế vào mùa hè, giúp các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường. Các chuyên gia phân tích nhận định mức sụt giảm chưa từng có của giá dầu thô WTI trong ngày hôm qua đơn giản phản ánh nhu cầu sử dụng dầu thô trên thị trường đã xuống mức thấp chưa từng có.

Ngay cả trước khi hiện tượng giá dầu thô WTI giảm về mức âm diễn ra, hiện tượng “bù hoãn mua” (contango) đã xuất hiện trên thị trường dầu mỏ với việc chênh lệch giữa giá dầu thô giao ngay và giá dầu thô giao sau tăng lên mức cao kỷ lục, tạo ra cơ hội kiếm lời “tuyệt vời” cho giới đầu cơ. Ở trạng thái này, giá dầu thô giao tương lai cao hơn giá giao ngay được dự kiến trong tương lai; qua đó, khuyến khích các nhà giao dịch và hãng sản xuất kìm giữ dầu thô trong kho thay vì bán ra tại thời điểm hiện tại. Trạng thái này xuất hiện cũng phản ánh thị trường lo ngại tình trạng dư cung đang diễn ra và kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng lên trong tương lai.

Với tâm lý kỳ vọng nhu cầu sử dụng sẽ tăng lên, kéo theo đó là giá dầu thô tăng, các nhà đầu tư đã đổ xô đi tìm kiếm chỗ chứa dầu thô. Giá các tàu chở dầu thô, vốn thường được coi là các kho chứa dầu nổi khi khủng hoảng thị trường xảy ra, đã tăng vọt trong thời gian qua. Giá thuê các siêu tàu chở dầu thô VLCC với sức chứa lên tới 2 triệu thùng dầu theo các hợp đồng thuê 6 tháng hiện đã đạt 100.000 USD/ngày, tăng gần 3 lần so với mức 29.000 USD/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Hợp đồng thuê tàu chở ngay cũng tăng gần 6 lần lên mức 150.000 USD/ngày.

[Xem thêm tại: Giá cước thuê tàu chở dầu giảm 50%, thị trường chờ đợi kết quả cuộc họp liên minh OPEC+]

Theo tính toán của giới chuyên gia, với việc giá dầu thô Brent giao tháng 5/2020 chốt phiên giao dịch ngày 20/4 tại mức 25,70 USD/thùng, trong khi đó, hợp đồng giao tháng 10/2020 đạt 36,39 USD/thùng; mức chênh lệch giữa hai hợp đồng là 10,69 USD/thùng thì nhà đầu tư vẫn kiếm lời “đậm” với việc thuê các tàu siêu tàu dầu VLCC.

Tính đến cuối tháng 3/2020, có khoảng 109 triệu thùng dầu thô đang lênh đênh trên biển cùng với các tàu chở dầu và con số này đã tăng lên mức 141 triệu thùng, tính đến ngày 17/4/2020, theo hãng dữ liệu thị trường Kpler Inc.

Quang Đặng