Giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19

Chốt phiên giao dịch ngày 25/3, giá dầu thô thế giới quay đầu giảm hơn 4% trước các thông tin tiêu cực về diễn biến đại dịch Covid-19. Sự cố siêu tàu container mắc kẹt tại kênh đào Suez (Ai Cập) không còn nâng đỡ nhiều giá dầu thô.
siêu tàu container mắc kẹt kênh đào Suez
Sự cố siêu tàu container mắc kẹt tại kênh đào Suez khiến hơn 100 tàu hàng bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, dữ liệu mới cho thấy có rất ít tàu vận chuyển dầu thô bị tắc nghẽn tại đây (Ảnh: CNN)

Sự cố siêu tàu container mắc kẹt tại kênh đào Suez (Ai Cập), một trong những tuyến vận chuyển năng lượng quan trong nhất thế giới, không còn tác dụng nâng đỡ giá dầu thô tăng cao như trong phiên giao dịch ngày 24/3. Do các dữ liệu mới cho thấy có rất ít tàu chở dầu thô hiện đang bị tắc nghẽn tại đây. Thị trường dầu mỏ đã chịu áp lực giảm mạnh trở lại sau các tin tức tiêu cực về diễn biến đại dịch Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/3 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 2,46 USD tương ứng 3,8% xuống còn 61,95 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 2,62 USD tương ứng 4,3% xuống còn 58,56 USD/thùng. Trong phiên giao dịch 25/3, giá dầu thô đã tăng vọt hơn 6% sau thông tin sự cố siêu tàu container mắc kẹt tại kênh đào Suez.

Giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường lo ngại việc nhiều quốc gia tại Châu Âu gồm Pháp và Italy tái áp đặt các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng dầu thô.

Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 1/3 đến 26/3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Mặc dù Đức đã huỷ kế hoạch tái phong toả toàn quốc dịp Lễ Phục Sinh tới đây nhưng chính phủ nước này cho biết dự kiến sẽ tạm hoãn việc nới lỏng các biện pháp phong toả sau nhiều tháng triển khai, dù theo kế hoạch các biện pháp này sẽ chấm dứt vào trung tuần tháng 4/2021. Số ca nhiễm mới Covid-19 theo ngày tại Đức hiện đã chạm mức cao nhất kể từ hồi đầu năm đến nay.

Ông Bob Yawger, chuyên gia phân tích thị trường tại tập đoàn tài chính Mizuho (Hoa Kỳ), nhận định “Việc Đức, Italy và các quốc gia Châu Âu khác chật vật trước làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới đã phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô”. Đức, Pháp và Italy hiện là 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Tại Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, chính quyền các bang miền Tây nước này đã ban bố biện pháp phong toả mới, yêu cầu mọi người dân phải ở nhà khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại đây lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua.

Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo mặc dù Hoa Kỳ đang là một trong số ít các quốc gia triển khai rộng việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 nhưng nước này có thể chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao trở lại khi nhiều người tại đây đi du lịch trong dịp mùa xuân.  

Ngoài ra, việc đồng USD tăng giá cũng gia tăng áp lực giảm lên giá dầu thô. Trong phiên giao dịch ngày 25/3, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua đối với đồng EUR khi thị trường tài chính phản ứng tiêu cực với tình hình dịch bệnh tại Châu Âu. Điều này khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.

Nhu cầu sử dụng dầu thô tại khu vực Châu Á, đặt biệt là tại Trung Quốc cũng đang giảm xuống khi nhiều nhà máy lọc dầu lớn tại đây bắt đầu bảo dưỡng định kỳ. Hãng tin Reuters cho biết một số đơn vị sử dụng dầu thô lớn tại Châu Á hiện đẩy mạnh sử dụng lượng dầu thô giá rẻ được tích trữ từ trước đây thay vì nhập mua thêm các lô hàng mới.

Quang Đặng