Giá dầu thô tiếp tục giảm, số ca nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ lại phá kỷ lục

Giá dầu thô tiếp tục giảm nhẹ trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều nền kinh tế lớn gia tăng mạnh. Đồng thời, thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên kể từ tháng 8 tới đây khi liên minh OPEC+ tăng sản lượng khai thác trở lại.
Khai thác dầu thô
 Hoạt động khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ có thể sẽ gia tăng trở lại vào cuối năm nay nếu như giá dầu thô tiếp tục được giữ tại mức cao (Ảnh: CNBC)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (17/7), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 23 cents xuống 43,14 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 16 cents xuống 40,59 USD/thùng.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao tại một số nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Bên cạnh đó, việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh thống nhất tăng sản lượng khai thác từ tháng 8/2020, khiến nguồn cung dầu thô ra thị trường tăng lên.

Cụ thể, trong ngày 16/7, Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ghi nhận thêm 75.000 ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là số ca nhiễm tính theo ngày cao nhất trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát tại Trung Quốc hồi đầu năm nay. Tây Ban Nha và Australia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới ở mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 tại Brazil và Ấn Độ tiếp tục tăng nhanh.

Giá dầu thô quốc tế đã giảm 1% trong ngày 16/7 sau khi liên minh OPEC+ quyết định mức cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 8/2020 sẽ chỉ ở mức 7,7 triệu thùng/ngày, giảm 2 triệu thùng/ngày so với mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày vốn được áp dụng từ đầu tháng 5/2020 đến nay.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu hiện đã cơ bản phục hồi so với thời điểm tháng 4/2020 khi hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp phong toả, hạn chế di chuyển và ngưng các hoạt động kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Giới phân tích ước tính nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đã giảm tới 30% trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu hiện vẫn thấp hơn so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lượng nhiên liệu được mua vào đang có dấu hiệu giảm trở lại khi số ca nhiễm bệnh mới tăng lên.

Tính chung cả tuần, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI gần như không đổi so với mức giá tuần trước. Giá dầu thô trong thời gian gần đây liên tục dao động quanh mốc 40 USD/thùng trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô và diễn biến nguồn cung dầu thô ra thị trường.

Dữ liệu của hãng dịch vụ năng lượng Baker Huges Co (Hoa Kỳ) cho thấy số giàn khoan khai thác dầu thô và khí thiên nhiên tại Hoa Kỳ tiếp tục ở mức thấp kỷ lục tuần thứ 11 liên tiếp. Giới phân tích nhận định sự sụt giảm sản lượng khai thác của các hãng năng lượng tại Hoa Kỳ đang chậm dần và một số hãng đang cân nhắc việc tái khai thác trở lại khi giá dầu thô đã bật tăng mạnh so với thời điểm tháng 4/2020. Dự kiến các hãng khai thác năng lượng sẽ gia tăng hoạt động trở lại vào cuối năm nay nếu như giá dầu thô tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Quang Đặng (Theo Reuters)