Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh, có thể chạm ngưỡng 60 USD/thùng

Trong phiên giao dịch ngày 26/3/2019, giá dầu thô giao dịch trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) đã tiếp tục tăng thêm 1,9%. Kể từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến giá dầu thô tăng mạnh.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) hợp đồng giao tháng 5/2019 trên sàn NYMEX trong ngày 26/3 đã đạt 59,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 5/2019 trên sàn ICE Futures Europe (London, Anh) cũng đã tăng thêm 76 cents lên mức 67,97 USD/thùng.

Giá dầu thô đã tăng 32% kể từ đầu năm 2019 và hướng đến mốc 60 USD/thùng
Giá dầu thô WTI đã tăng 32% kể từ đầu năm 2019 và hướng đến mốc 60 USD/thùng

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu thô tiếp tục tăng cao trong phiên giao dịch ngày hôm qua chủ yếu là do thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ giảm xuống khi Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác. Nga hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ hai thế giới. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã cho biết sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga sẽ giảm 228.000 thùng/ngày vào cuối tháng 3/2019. Trong khi đó, các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng đang cắt giảm sản lượng khai thác để đối phó với tình trạng dư cung.

Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động từ việc kênh dẫn tàu Houston Ship Channel tại cảng Houston (bang Texas, Hoa Kỳ) bị đóng cửa trong vòng 4 ngày trở lại đây, gây gián đoạn việc vận chuyển dầu mỏ. Cảng Houston đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới cung ứng – xuất khẩu dầu mỏ của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của ông John Kildudff thuộc quỹ đầu tư Again Capital LLC (New York, Hoa Kỳ), giá dầu thô đang trên đà tăng trở lại mốc 60 USD/thùng trong bối cảnh nguồn cung dầu thô sụt giảm. Dữ liệu của hãng Bloomberg cho thấy giá dầu thô WTI giao dịch trên sàn NYMEX đã tăng tới 32% kể từ đầu năm 2019. Đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2005. Giá dầu thô tăng cao chủ yếu do OPEC và các nước khai thác dầu mỏ cắt giảm sản lượng khai thác khi lo ngại tình trạng dư cung dầu thô đẩy giá dầu thô giảm thấp. Bên cạnh đó, việc Hoa Kỳ áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran và Venezuela cũng khiến nguồn cung trên thị trường giảm xuống.

Ông Bart Melek, trưởng ban chiến lược toàn cầu mảng thị trường hàng hóa của tập đoàn tài chính TD Securities (Toronto, Canada) nhận định: “OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác rất có thể kiên định duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác tới 1,2 triệu thùng/ngày và duy trì mức cắt giảm này cho đến khi nào thị trường về lại trạng thái cân bằng”.

Hiện nội bộ Chính phủ Hoa Kỳ vẫn còn nhiều chia rẽ trong việc có nên miễn trừ một số quốc gia trong giao dịch dầu mỏ với Iran. Trong khi ông Donald Trump vẫn muốn duy trì chiến lược “áp lực tối đa” lên phía Iran nhằm buộc nước này đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ thì Chính phủ Hoa Kỳ cũng lo ngại việc nguồn cung dầu mỏ bị thặt chặt sẽ đẩy giá xăng lên cao và ảnh hưởng xấu đến triển vọng bầu cử năm 2020.

Các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo lượng dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã giảm 2,5 triệu thùng. Viện Dầu khí Hoa Kỳ dự báo lượng xăng dự trữ của Hoa Kỳ trong tuần vừa qua đã giảm 3,47 triệu thùng và các sản phẩm chưng cất từ dầu mỏ khác đã giảm 4,28 triệu thùng.