Giá dầu thô tiếp tục tăng trở lại, thoả thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ bắt đầu từ hôm nay

Giá dầu thô WTI và Brent tiếp tục tăng lần lượt 7,3% và 4,2% nhờ các thông tin tích cực về mức tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ và thoả thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ của OPEC+ sẽ bắt đầu từ hôm nay.

Vào lúc 7h13 sáng nay (ngày 1/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2020 đã tăng 1,10 USD tương ứng 4,2% lên mức 27,58 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2020 đã tăng 1,37 USD tương ứng 7,3% lên mức 20,21 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô Brent đã tăng 12% và giá dầu thô WTI tăng 25%.

Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu nhờ Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước chỉ tăng thêm 9 triệu thùng lên mức 527,6 triệu thùng; con số này thấp hơn mức dự báo tăng 10,6 triệu thùng được giới phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra.

Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp các dữ liệu về tồn trữ dầu thô và nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ cho thấy có thể thị trường dầu mỏ tại Hoa Kỳ đã tạo đáy, theo nhận định của ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường tại hãng tư vấn AxiCorp.

Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm nay cũng đến từ việc thoả thuận cắt giảm gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu của liên minh OPEC+ sẽ bắt đầu được thực thi kể từ ngày 1/5. Vào giữa tháng 4/2020, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đồng thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020 nhằm ngăn chặn tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết Iraq, một trong những quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, đang gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày (tương đương 23% tổng sản lượng khai thác) theo thoả thuận của liên minh OPEC+. Nguyên nhân chủ yếu do các hãng khai thác dầu thô lớn đang hoạt động tại Iraq như BP, Exxon, Mobil, Lukoi và Eni hiện vẫn chưa phàn hồi yêu cầu cắt giảm sản lượng của nước này.  

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu có thể đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ và phần lớn người dân trên toàn thế giới buộc phải ở nhà để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Bất chấp các biện pháp cắt giảm sản lượng khai thác, giá dầu thô WTI đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch ngày 20/4 tại mức – 37,63 USD/thùng hay người bán sẽ phải trả tiền cho người mua để dầu thô được đem đi. Giá dầu thô Brent, mức giá chuẩn cho thị trường dầu mỏ quốc tế, cũng giảm mạnh về mức 15 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu thô hồi năm 1999. Vào đầu năm 2020, giá dầu thô Brent đã đạt mức 70 USD/thùng.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)