Giá nhiên liệu bay giảm 61%, ngành hàng không sẽ mất nhiều năm mới phục hồi sau đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt hãng hàng không phải tạm ngưng hoạt động, kéo theo đó nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay có thể giảm đến hơn 50% trong tháng 4/2020. Giới phân tích dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ mất nhiều năm mới có thể phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
Máy bay ngừng bay vì đại dịch Covid-19
 Phần lớn máy bay trong số hơn 29.000 máy bay thương mại trên toàn cầu đang buộc phải ngừng bay vì đại dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia nhận định nhu cầu di chuyển đường hàng không và nhu cầu sử dụng nhiên liệu máy bay trên toàn cầu có thể mất nhiều năm mới phục hồi trở lại mức năm 2019 sau khi đại dịch Covid-19 qua đi trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên toàn cầu đang vật lộn để tồn tại trước các tác động của dịch bệnh và thói quen của các hành khách có thể thay đổi.

Ông Per Magnus Nysveen, trưởng ban phân tích của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), nhận định “Nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian dài và có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn trong năm tới vì khách đi du lịch vẫn lo ngại việc di chuyển bằng các chuyến bay dài trong khi khách đi công tác lại đã quen với các cuộc họp trực tuyến”.

Giá nhiên liệu bay tại Singapore, một trong những trung tâm lọc hoá dầu lớn nhất Đông Nam Á, đã giảm 61% chỉ trong 2 tháng qua. Mức lợi nhuận biên của việc lọc hoá dầu đối với nhiên liệu bay tại Singapore hiện chủ yếu dựa vào mức chênh lệch giá giữa giá dầu thô Dubai của khu vực Trung Đông bán tại thị trường Châu Á, mức chênh lệch giá đã giảm xuống mức -3,35 USD/thùng, mức thấp nhất trong lịch sử.

Nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay trên toàn cầu đạt khoảng 8 triệu thùng/ngày. Trong ngày 15/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay và dầu hoả (kerosene) trung bình năm 2020 sẽ giảm khoảng 2,1 triệu thùng/ngày tương đương mức giảm 26%.

IEA cũng cho biết tác động của các biện pháp hạn chế di chuyển lên thị trường nhiên liệu bay sẽ được thấy rõ nét nhất trong tháng 4/2020 với dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay sẽ giảm 4,6 triệu thùng/ngày tương đương mức giảm 59% so với mức sử dụng thông thường; đây cũng là mức giảm lớn nhất trong lịch sử.

Hãng tư vấn Rystad Energy dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay trên toàn cầu sẽ giảm ít nhất 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Trong khi đó, hãng tư vấn thị trường năng lượng JBC Energy dự báo nhu cầu sử dụng nhiên liệu bay trên toàn cầu có thể giảm xuống dưới mức 2 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới và mức tiêu thụ trong năm 2020 sẽ chỉ đạt trung bình 5,2 triệu thùng/ngày.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã lên tiếng cảnh báo sự phục hồi của ngành hàng không toàn cầu trong thời gian tới sẽ diễn ra chậm hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây và hoạt động hàng không chỉ bắt đầu phục hồi trở lại kể từ quý 4/2020.  IATA dự báo mức thua lỗ của ngành hàng không toàn cầu trong năm 2020 sẽ đạt 314 tỷ USD, tăng 25% so với mức dự báo trước đây.

Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho biết các lệnh hạn chế di chuyển sẽ được dỡ bỏ trước tiên đối với các tuyến bay nội địa, sau đó là các tuyến bay trong khu vực và cuối cùng mới là các tuyến bay liên lục địa. Các tuyến bay liên lục địa vốn đóng vai trò quan trọng nhất đối với thị trường nhiên liệu bay.

Các hãng sản xuất máy bay lớn trên thế giới như Airbus và Boeing cũng cảnh báo ngành hàng không toàn cầu sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kéo dài. Thậm chí, một số dự báo tiêu cực nhận định phải đến năm 2023 hoặc 2024 thì hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không mới phục hồi lại ngang bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong quá khứ, sau sự kiện khủng bố 9/11/2001 tại Hoa Kỳ, các hãng hàng không tại đây bị cấm bay trong vòng 3 ngày và vụ khủng bố đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không trong nhiều năm tiếp theo. Tổng mức lỗ của ngành hàng không Hoa Kỳ trong giai đoạn 2001 - 2007 lên đến 40 tỷ USD và các hãng hàng không chỉ bắt đầu có lợi nhuận trở lại kể từ năm 2007. Hoa Kỳ hiện là một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, Ryanair, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Châu Âu, nhận định các hoạt động vận chuyển bằng đường hàng không sẽ nhanh chóng phục hồi trợ lại nhờ việc các hãng hàng không chạy đua giảm giá lớn để giành lại khách hàng.

Quang Đặng (Theo Reuters)