Giá sản xuất tại Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng vọt, nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao

Các dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đều tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến nhiều nhà phân tích lo ngại nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao trong bối cảnh giá sản xuất và giá các nguyên liệu thô liên tục tăng vọt cùng với đó là nhu cầu hàng hoá bùng nổ.
chỉ số giá sản xuất
Áp lực chi phí đang ngày càng gia tăng đối với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ khi nhu cầu trong nước cao lên, khiến các hạn chế về nguồn cung trở nên căng thẳng hơn (Ảnh: AP)

Dữ liệu mới được Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng 3 vừa qua đã tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,7% so với tháng 2/2021. Đây là tốc độ tăng theo năm nhanh nhất của chỉ số này kể từ hồi tháng 7/2018 và cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2021.

Số liệu từ NBS cũng cho thấy hoạt động hoạt động chế tạo sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3/2021 cũng đã tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong vòng ba tháng trở lại đây. Các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đang tăng cường hoạt động nhằm đáp ứng sự bùng nổ về nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu, đặc biệt là từ Hoa Kỳ sau khi các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ được tung ra.

Tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ số PPI trong tháng 3/2021 cũng đã tăng mạnh 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 – mức tăng theo năm lớn nhất kể từ hồi tháng 9/2011 và cao hơn nhiều so với mức tăng 2,8% hồi tháng 2/2021. Các khảo sát kinh doanh cho thấy áp lực chi phí đang ngày càng gia tăng đối với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ khi nhu cầu trong nước cao lên, khiến các hạn chế về nguồn cung trở nên căng thẳng hơn.

Sự gia tăng chỉ số PPI tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với sự bùng nổ nhu cầu hàng hoá trên toàn cầu khiến một số nhà phân tích lo ngại áp lực lạm phát gia tăng sẽ ngày càng lớn hơn trong bối cảnh môi trường lãi suất siêu thấp trên toàn cầu cùng với hàng loạt gói kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có được triển khai.

Mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell liên tục khẳng định việc lạm phát gia tăng sẽ không kéo dài và không có ý định sớm thay đổi các chính sách điều hành trong thời gian tới. Các quan điểm của FED cũng cho thấy họ sẵn sàng chịu đựng một nền tăng trưởng nóng và đẩy lạm phát lên trên mục tiêu thông thường là 2% trong một khoảng thời gian không xác định trước khi thắt chặt các nỗ lực kích thích kinh tế của mình.  

“FED có thể dễ dàng bỏ qua việc tăng giá vì cho rằng đây chỉ là yếu tố tạm thời nhưng việc giá nhôm, đồng, dầu và cả giá nhà ở đều tăng mạnh trong những tháng gần đây lại là một vấn đề khác. Điều này làm gia tăng rủi ro đối với các nhà đầu tư nếu bỏ qua khả năng rằng đây có thể là một sự thay đổi giá trong dài hạn”, ông Michael Arone, trưởng chiến lược gia đầu tư tại hãng State Street Global Advisors (Hoa Kỳ) cho biết.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ có khả năng chuyển chi phí sản xuất cao hơn sang cho người tiêu dùng. Các cuộc khảo sát kinh doanh đã chỉ ra rằng lượng hàng dự trữ của khách hàng đang ở mức thấp kỷ lục.

Đối với Trung Quốc, ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của hãng chứng khoán Nomura Holdings (Nhật Bản), cho rằng thị trường có thể đang ngày càng lo ngại về áp lực từ lạm phát gia tăng đối với lập trường chính sách kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng Nomura nhận định Trung Quốc sẽ “không có bất kỳ thay đổi lớn nào về chính sách kinh tế” và dự đoán chỉ số PPI của Trung Quốc sẽ thêm khoảng 6% vào giữa năm nay.

Tương tự như FED, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra một các biện pháp hỗ trợ kinh tế bao gồm giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ đầu năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã phát các dấu hiệu cho thấy sẽ siết chặt lại các chính sách kích thích với lo ngại thị trường tăng trưởng quá nóng và đà phục hồi của nước này đang dần được củng cố.

Theo khảo sát của Reuters, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong tháng 3/2021 có thể tăng 0,5% so với tháng 2/2021 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu chính thức sẽ được Chính phủ Hoa Kỳ công bố trong ngày 13/4 (theo giờ địa phương).

Chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 3/2021 đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức dự báo tăng 0,3% theo khảo sát của hãng tin Reuters; đánh dấu việc lạm phát tăng trở lại sau hai tháng giảm liên tiếp.

Trung Quốc hiện chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 8% của một số  tổ chức kinh tế quốc tế. Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong năm nay sẽ lần lượt đạt 8,4% và 6,4%. IMF cũng nhận định các gói kích thích kinh tế khổng lổ của Hoa Kỳ đang góp phần thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Quang Đặng