Giải pháp của Chính phủ để ổn định, phát triển sản xuất do ảnh hưởng từ dịch Covid - 19

NGUYỄN THU HỒNG (Bộ môn Kinh tế - Trường Đại học Công đoàn)

TÓM TẮT:

Dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế. Song, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp (DN), rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường ngay trên sân nhà, hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Bài viết này sẽ đề cập đến các giải pháp của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để ổn định và phát triển sản xuất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Từ khóa: Giải pháp, ổn định, phát triển sản xuất, Chính phủ, doanh nghiệp, đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam. Quý I/2020, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 3,82%. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nếu đại dịch Covid-19 kéo dài trong 6 tháng thì 74% số doanh nghiệp (DN) được khảo sát có thể sẽ phải phá sản. Các dự báo quốc tế mặc dù đều đánh giá cao thành quả ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và khả năng hồi phục của nền kinh tế, song đều dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức trên dưới 3%.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tổn thất, khó khăn. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới. Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% về số DN, giảm 17,9% về vốn đăng ký, giảm 29,7% về số lao động và giảm 5,5% về vốn bình quân/doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số DN được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; và 25,9% số DN dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020. Theo kết quả khảo sát nhanh hơn với hơn 100.000 DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành cuối tháng 4/2020, thì có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019; trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động. Trong 4 tháng đầu năm 2020, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019,…

Theo kết quả khảo sát nhanh của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020 về thực trạng của cộng đồng DN, cho thấy có 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

2. Các doanh nghiệp phát huy nội lực, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất, đón đợi cơ hội, ổn định sản xuất

Dịch bệnh diễn ra trên diện rộng khiến đại đa số các quốc gia phải đóng cửa biên giới, làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Trước tình hình này, nhiều DN đã xem thị trường nội địa là điểm tựa vững chắc để phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong khó khăn chung, nhiều DN đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy.

Ngay từ đầu đại dịch, các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Sản xuất và lắp ráp ôtô chịu ảnh hưởng nhiều nhất Covid-19, do phụ thuộc nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến khi hai nước này cơ bản kiểm soát dịch, Covid-19 đã lan ra toàn cầu, toàn bộ chuỗi cung ứng gián đoạn, đứt gãy. Lúc này DN lại phải tìm lời giải cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Da giày, Dệt may là một trong số ngành chịu tác động lớn nhất, nhiều đơn vị giảm 70% doanh thu do bị trì hoãn, hủy đơn hàng. 

Song, đại dịch cho thấy vai trò không thể thay thế của các ngành sản xuất. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã nhạy bén linh hoạt chuyển đổi sản xuất. Tổng công ty May 10 là DN chịu tổn thất lớn bởi Covid-19. Khi các đơn hàng trong nước và quốc tế bị dừng lại, không còn cách nào khác, DN phải linh hoạt chuyển sang sản xuất khẩu trang. Lần đầu tiên trong lịch sử, ngành May mặc nói chung và  May 10 nói riêng phải đối mặt liên tiếp với những thách thức kép, vừa chống dịch, vừa phải đảm bảo sản xuất và công việc cho hàng chục nghìn lao động. Sản xuất khẩu trang là cách May 10 thích ứng với thay đổi đột ngột này, cũng để giảm bớt phần nào thiệt hại trong hoạt động sản xuất. Ngay trong tháng 2, May 10 đã nhanh chóng đưa khẩu trang vải vào hệ thống dây chuyền sản xuất veston.

Đây là quyết định táo bạo và khó khăn với Tổng công ty, bởi chi phí của dây chuyền lớn, trong khi sản xuất khẩu trang chỉ sử dụng 5% năng lực máy móc. DN còn đầu tư dây chuyền máy móc tiên tiến và nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế cho các đơn hàng từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Việc May 10 nhập cuộc sản xuất trang thiết bị y tế đã thể hiện sự linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam trong khủng hoảng. Sự nhạy bén này không chỉ giúp đơn vị vượt khó, mà chớp thời cơ, chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Từ câu chuyện May 10, nhìn tổng thể ngành công nghiệp phụ trợ cho thấy đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, điều chỉnh chuỗi cung ứng và đón đầu làn sóng dịch chuyển quốc tế. Ví dụ như một số doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, làm khuôn cơ khí đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý cũng khuyến cáo để phát triển bền vững và đối phó với bất kỳ tình huống nào, doanh nghiệp cần chủ động tập trung nghiên cứu, tìm kiếm các sản phẩm mới, thị trường mới.

Bên cạnh phát triển sản phẩm đáp ứng các thị trường mới, các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp sản xuất có thể liên kết với các lĩnh vực khác để tạo thành chuỗi kép. Hiện tại, Bộ Công Thương đang soạn thảo chiến lược phát triển ngành Dệt may, Da giày trong 10 năm tới, hướng tới dịch chuyển từ gia công xuất khẩu sang các hoạt động mang giá trị gia tăng lớn hơn. Việc sản xuất khẩu trang đáp ứng nhu cầu đại dịch là mục tiêu ngắn hạn. Trong dài hạn, đây là bước đệm cho Tổng công ty lấn sân sang mảng trang thiết bị y tế, như bộ phòng chống dịch, chăn ga gối đệm và đồng phục bệnh viện,... Tuy nhiên, đại diện May 10 cho rằng, sự chuyển đổi này cũng đem đến khó khăn khác cho doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp của ngành đưa ra tiếng nói chung, đề xuất giải pháp cho Chính phủ. Trong thời gian tới, các gói kích cầu được kỳ vọng tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Ngoài ra, Bộ đang triển khai loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, sản xuất; tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia. Bộ Công Thương mong muốn có sự vào cuộc sâu rộng của các địa phương, để định hướng tốt hơn cho các ngành công nghiệp địa phương.

Từ một ví dụ điển hình là Tổng công ty May 10 cho thấy rằng, nếu dịch bệnh khiến cho nhiều DN trong các lĩnh vực phải ngừng kinh doanh, thậm chí phá sản, thì với một số DN đây lại là cơ hội để tái cấu trúc, đa dạng hóa sản phẩm. Để nắm bắt tốt cơ hội, đạt hiệu quả kinh doanh cao, DN phải vào cuộc một cách quyết liệt.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao các DN thực phẩm trong hoàn cảnh khó khăn từ dịch Covid-19 đã có những sáng kiến rất hay, tạo sức lan tỏa đến DN khác như nghiên cứu đưa nguyên vật liệu mới vào sản xuất, dồn sức cho thị trường trong nước với nỗ lực giúp Việt Nam đứng vững, đồng thời gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương.

Kết thúc đợt kinh doanh cao điểm trong tháng 3 và 4 vừa qua, Công ty cổ phần Vissan, cho biết, doanh thu ở nhóm hàng thực phẩm chế biến tăng 30%-40%, đặc biệt là mặt hàng đồ hộp đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Riêng nhóm hàng thực phẩm tươi sống lại giảm 15%-20% vì nhiều nguyên nhân, trong đó lý do chủ yếu là nguồn cung nguyên liệu trong nước chưa đảm bảo cầu, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng khiến sức mua co lại.

Tương tự, đối với nhiều DN trong ngành Lương thực, thực phẩm cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu khá tốt nhờ nhu cầu và sức mua từ thị trường nội địa trong mùa dịch bệnh tăng vọt. Nhiều DN của TP. Hồ Chí Minh như Công ty Vinh Phát (chuyên cung cấp gạo), Vifon (sản xuất các loại thực phẩm ăn liền: mì gói, phở, hủ tiếu,…) tiến hành điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu như trước. 

Xác định dịch bệnh sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, Vissan không chọn giải pháp cho nhân viên nghỉ việc mà cơ cấu lại đội ngũ lao động, bố trí từ bộ phận này sang bộ phận khác để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 là thời điểm để Vissan phát triển thêm nhiều kênh bán hàng mới. Vissan đã chuyển 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm thành 55 trung tâm (hub), kho bán hàng. Dù Công ty chưa triển khai bán hàng online, nhưng tại các cửa hàng này đã áp dụng bán hàng qua điện thoại, qua fanpage www.fb.com/CuaHangVissan. Khi khách hàng gọi tới hotline từ các hub sẽ được chuyển tới tận nhà trong vòng 2 giờ. Từ ngày 25/4/2020, Vissan đã chính thức mở gian hàng trên Sendo - một trong những trang thương mại điện tử lớn và uy tín tại Việt Nam. Kể từ khi dịch bệnh xảy ra, Vissan tập trung toàn lực cho nghiên cứu, sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước. Điều này có thể lý giải, lĩnh vực thực phẩm chế biến đạt mức tăng trưởng rất tốt ngay sau đợt kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Còn chuỗi cửa hàng ABC Bakery đã tận dụng hơn 30 tấn thanh long để sản xuất bánh mì thanh long. Từ ý tưởng này, đã có nhiều DN phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như bún, phở và các sản phẩm sử dụng nguyên liệu mới như sầu riêng, dưa hấu, mãng cầu,...

Sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, xuất khẩu giảm sút, nhưng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân vẫn được nhận định là khu vực hỗ trợ đầu ra đáng kể cho các doanh nghiệp.

Quý I/2020, Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An công bố doanh thu 1.043 tỷ đồng, tăng 23,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này cho biết, trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty đã lên kế hoạch cho nguyên vật liệu, điều tiết nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, tối ưu hóa hàng tồn kho, đảm bảo đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện khai thác kênh bán hàng hiện đại, gia tăng độ phủ sản phẩm trên các kênh truyền thống. Nhờ đó, doanh số và lợi nhuận của Tường An đều gia tăng.

Lĩnh vực hóa mỹ phẩm cũng gặt hái kết quả kinh doanh hơn mong đợi. Công ty cổ phần Bột giặt Lix xác nhận, khoản doanh thu 880 tỷ đồng thu về trong quý I/2020 là mức tăng khủng tới 54% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng nói, mức tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội địa khi đạt 775,7 tỷ đồng, tăng 64%. Lợi nhuận sau thuế Công ty đạt hơn 64,1 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và là quý có lãi nhiều nhất trong 4 năm gần đây.

3. Những giải pháp đồng bộ của Chính phủ giúp doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra

Trước tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Chính phủ đã có nhiểu chính sách hỗ trợ DN. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang được xây dựng và xúc tiến triển khai ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương.

Các nhiệm vụ và giải pháp kinh tế cho cả nước, mỗi địa phương và lĩnh vực trong thời gian tới cần được thực hiện đồng bộ và đáp ứng cả 2 mục tiêu: Tiếp tục kiểm soát an toàn dịch bệnh; đồng thời, điều tiết để “lò xo kinh tế” bị nén trong thời gian qua bung ra đúng lúc, đúng hướng và hiệu quả cao. Theo đó, cần ưu tiên nhận diện và kịp thời có những thay đổi cả trong tư duy, cũng như trong phương thức quản lý nhà nước, quản trị DN, theo tâm thế mới “sống chung với dịch bệnh”, thực hiện “kinh doanh an toàn”.

Trước mắt, đề cao sự linh hoạt thích ứng với thị trường và bối cảnh mới, với yêu cầu tăng cường tiêu chuẩn bảo đảm vệ sinh và phòng dịch; mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Các địa phương và các DN cần tập trung vào phát triển nông nghiệp, tái đàn; chủ động điều chỉnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thực hiện tốt và giảm thiểu các tranh chấp xảy ra đối với các hợp đồng kinh tế đã ký kết; cải thiện các liên kết, sắp xếp lại và khắc phục các đứt gẫy chuỗi cung ứng kinh tế vĩ mô và vi mô, làm tăng đồng thời cả tổng cung và tổng cầu xã hội, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước và đẩy mạnh sản xuất thay thế nhập khẩu, với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; Đồng thời, tăng cường nắm bắt và khai thác, ứng dụng các xu hướng và thành tựu công nghệ 4.0, gia tăng các hoạt động và ứng dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống; đẩy mạnh xử lý trực tuyến dịch vụ công; phát triển các ứng dụng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và làm việc từ xa;…Chính phủ và Quốc hội xem xét, bổ sung thêm các sắc thuế, phí cần miễn, giảm; kéo dài thời hạn hoãn các khoản phải nộp, phải trả của DN; nới room - tăng trần hạn mức tăng trưởng tín dụng cho vay;… Các cơ quan chức năng thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và kiểm soát tình trạng độc quyền, lợi ích nhóm và “thổi bùng” khát vọng quốc gia, với tinh thần đặt lợi ích đất nước lên trên hết, quyết liệt phòng chống tiêu cực, tham nhũng; trọng dụng nhân tài và kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao,…

Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ DN chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với doanh nghiệp khai thác tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do mới; tăng cường xúc tiến thương mại; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng DN, tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa, thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là cần phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; chủ động triển khai sớm một chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia, khẳng định Việt Nam là “đối tác tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam; định hình và xác lập vị thế mới của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất - kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, phát triển thị trường nhà ở xã hội; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch; xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch để kích thích tăng trưởng ngành dịch vụ. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra vào đầu tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “5 mũi tấn công” để phục hồi nền kinh tế, đó là: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa và thu hút FDI. Thủ tướng cũng nhắn nhủ các doanh nghiệp trong nước đây là thời điểm các DN phải biết tranh thủ nắm bắt kịp thời cơ hội, thay đổi các chiến lược đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, thời gian giãn cách xã hội vừa qua trong đại dịch Covid-19 cũng là lúc DN có thể tư duy lại con đường phát triển mới. Thủ tướng cho rằng, hiện nay cần phải giữ 3 yếu tố cốt lõi, đó là: giữ lao động, giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó phải cải cách, tái cơ cấu DN phù hợp với bối cảnh hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vietnamplus, (2020), Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19, https://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-don-co-hoi-bat-day-trong-thoi-ky-hau-covid19/640702.vnp

2. Báo Tin tức, (2020), Giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch COVID-19, đón thời cơ, phục hồi kinh tế, https://baotintuc.vn/kinh-te/giup-doanh-nghiep-vuot-qua-thach-thuc-do-dich-covid19-don-thoi-co-phuc-hoi-kinh-te-0200518204847435.htm

3. Báo Xây dựng, (2020), “5 mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế, https://baoxaydung.com.vn/5-mui-giap-cong-de-phuc-hoi-nen-kinh-te-279138.html

 Solutions of the Goverment of Vietnam to stabilize and promote production amid the Covid-19 pandemic

Nguyen Thu Hong

Department of Economics

Trade Union University

ABSTRACT:

The Covid-19 pandemic has prompted many Vietnamese enterprises to adjust their business strategies to adapt new situations. Besides active activities of enterprises, it is important for the Government of Vietnam, ministries and sectors to drastically  create favourable conditions for enterprises to help them expand their domestic markets, promoting the country’s economic growth. This paper presents solutions of the Government of Vietnam and efforts of Vietnames business community to stabilize and promote production amid the Covid-19 pandemic.

Keywords: Solutions, stability, production development, government, enterprises, the Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2020]