TÓM TẮT:

Trong thời kì mở cửa, hội nhập kinh tế với toàn cầu, chúng ta đã xây dựng được nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những mối quan hệ kinh tế này là việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hay còn gọi là xuất khẩu lao động (XKLĐ), Hoạt động XKLĐ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động XKLĐ đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Từ khóa: Xuất khẩu lao động, Nhật Bản, Hàn Quốc, hội nhập kinh tế, hợp tác quốc tế.

I. Sự cần thiết phải có hoạt động xuất khẩu lao động

Do sự phát triển không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cũng như sự phân bố không đồng đều về tài nguyên dân cư, khoa học công nghệ giữa các vùng, khu vực và giữa các quốc gia, dẫn đến không một quốc gia nào lại có thể đầy đủ, đồng bộ các yếu tố cần thiết cho sản xuất và phát triển kinh tế.

Để giải quyết tình trạng bất ổn trên, việc các quốc gia phải tìm kiếm và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài để bù đắp một phần thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho sản xuất và phát triển kinh tế của nước mình là tất yếu. Các nước xuất khẩu lao động thường là các quốc gia kém hoặc đang phát triển, có dân số đông, thiếu việc làm, hoặc có thu nhập thấp, không đủ đảm bảo cho cuộc sống gia đình và chính bản thân người lao động. Nhằm khắc phục tình trạng khó khăn này, các quốc gia phải tìm kiếm việc làm cho những người lao động đó từ bên ngoài. Trong khi đó, các nước kinh tế phát triển thường có ít dân, thậm chí nhiều nước đông dân, nhưng vẫn không đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất do nhiều nguyên nhân, như: công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm… nên không hấp dẫn lao động của chính nước họ, gây thiếu hụt lao động. Để duy trì phát triển sản xuất, các nước này chỉ còn cách là đi thuê lao động từ nước ngoài về làm việc ở những nước kém phát triển hơn.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội. Xuất khẩu lao động còn là công cụ để chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới. Vì vậy, xuất khẩu lao động đang được coi là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế - xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta.

II. Tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam năm 2016 và những tháng đầu năm 2017

1. Tình hình thất nghiệp trong nước

Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, so với những tháng đầu năm, thất nghiệp đang gia tăng cả số lượng và tỷ lệ, nhất là ở nhóm thanh niên; người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Thống kê quý III/2016 cho thấy, cả nước có gần 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II/2016. Trong số những người thất nghiệp, 456.000 người có chuyên môn kỹ thuật; nhiều nhất ở các nhóm “trình độ đại học trở lên” (202.300 người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (122.400 người) và “trung cấp chuyên nghiệp” (73.800 người). Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Cuối năm 2016, lực lượng lao động tiếp tục tăng nhẹ (0,2%), trong đó, lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên tăng 4-5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức cao, trên 77%. Số người có việc làm khoảng 53,7 triệu người (tăng 0,7% so với quý III/2016); tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ (chiếm 41,5%); tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông-lâm-thủy sản giảm nhẹ, còn khoảng 41,17%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 2,2% trong quý IV/2016.

Nhìn chung, nước ta là một nước có nguồn lao động dồi dào, tốc độ phát triển tương đối cao, tuy nhiên lao đông nước ta còn yếu về trình độ kỹ năng và trình độ lao động, do vậy tỷ lệ thất nghiệp còn cao.

2. Thực trạng lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài

Những năm vừa qua, đất nước chúng ta đã đạt được mục tiêu có hơn 100.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt trong năm 2016, số lượng người lao động làm việc ở nước ngoài đã đạt kỷ lục 126.000 người, vượt 26% so với kế hoạch đề ra và là con số cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực XKLĐ. Đặc biệt, cơ hội cho người lao động đi làm việc tại Nhật Bản được mở rộng, sau khi Nhật Bản thông qua dự luật cho phép bỏ thời hạn 3 năm đối với việc thuê lao động tạm thời. Riêng tại thị trường Nhật Bản, với hơn 30.000 lao động được đưa đi trong năm 2016, Việt Nam là nước dẫn đầu trong 15 nước có lao động đang làm việc tại thị trường này, với thu nhập ước tính hơn 11.000 tỉ đồng.

Kết thúc năm 2016, Việt Nam đã đưa được hơn 120.000 người đi xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu đề ban đầu ra là 17%. Dự kiến trong năm 2017, khả năng sẽ vượt con số này khoảng 20%. Với những tín hiệu tích cực nửa cuối năm 2016, thị trường lao động trong năm 2017 hứa hẹn sẽ khởi sắc. Đặc biệt, năm 2016, phía Hàn Quốc tái mở cửa với thị trường lao động Việt Nam. Các công ty trong nước vì thế tiếp tục tuyển dụng xuất khẩu lao động sang thị trường này. Đây là tín hiệu vui đầu tiên về mảng xuất khẩu lao động.

Theo đánh giá lao động của Việt Nam, hiện vẫn còn những điểm yếu cần phải khắc phục, đó là tình trạng ngoại ngữ kém, thiếu kỷ luật. Lao động người Việt hiện nay được đánh giá là có kỷ luật làm việc và sinh hoạt thua xa các nước khác như Trung Quốc, Indonesia hay Philipin… Điều này đầu tiên phải nhắc đến là các công ty làm dịch vụ đưa người lao động của Việt Nam chỉ quan tâm vào lợi nhuận đạt được; chưa quan tâm đến vấn đề chất lượng, không có các định hướng, đào tạo tiếng và nghề nghiệp một cách bài bản.

Vấn đề thứ hai là một số công ty đã ủy thác trách nhiệm cho những cá nhân hoặc chi nhánh thực hiện các hoạt động xuất khẩu, dẫn đến tình trạng nhiều khó khăn, bức xúc của người lao động đi làm ở nước ngoài không được hỗ trợ giải quyết kịp thời. Từ đó, nhiều chuyện nhỏ trở thành những vấn đề lớn do người lao động tự ý hành xử.

Điều này đòi hỏi cần có nhiều hơn các giải pháp để phát triển hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam.

III. Đề xuất một số giải pháp phát triển xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài

- Cần tăng cường vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, phải xem công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và nhân dân

- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động; tăng cường tuyên truyền về Luật lao động của Việt Nam, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia xuất khẩu lao động; nhất là ý thức của lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, để người lao động thực hiện hợp đồng thuận lợi hơn, tránh tình trạng bỏ lỡ hợp đồng.

- Tăng cường công tác đào tạo, giáo dục định hướng

- Trang bị cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài những kiến thức cơ bản cho quá trình lao động ở nước ngoài. Đối tượng giáo dục định hướng là số lao động chuẩn bị xuất cảnh, đây là lực lượng gồm nhiều thành phần khác nhau về trình độ, về hoàn cảnh gia đình, về khả năng tiếp thu vì vậy trong giáo trình cần được chuẩn bị tốt và thiết thực, sát thực tế, đảm bảo có chất lượng, có hiệu quả.

- Kết hợp với các ngành các cấp đoàn thể ở xã, phường, thị trấn thành lập bộ phận thường trực chuyên trách về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thông tin tư vấn và giải đáp thắc mắc cho người lao động kịp thời.

- Phối hợp các Công ty xuất khẩu lao động tổ chức tư vấn, tọa đàm, tuyển chọn trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tháng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, nhằm tạo niềm tin, sự gắn kết chặt chẽ với người lao động, làm cho người dân chú ý hơn góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Thông tin thường xuyên công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng các thị trường xuất khẩu lao động trên website www.vieclambaclieu.vn.

- Chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế làm điển hình để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

- Thông báo công khai về thị trường lao động, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, môi trường sinh hoạt. Thông báo về tiền lương, tiền công, quyền lợi của người lao động được hưởng và các khoản phải đóng góp, các chi phí trước khi xuất cảnh để người lao động chuẩn bị.

- Mở rộng thêm các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp với điều kiện làm việc sinh hoạt và trình độ của người lao động, như: Singapore, Macau, Liên bang Nga,... mở rộng quan hệ đối tác tìm kiếm, thẩm định và đi đến ký kết những hợp đồng cung ứng lao động chú trọng đến chất lượng, không chạy theo số lượng.

- Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại điều chỉnh mức cho vay đối với lao động đi xuất khẩu theo hướng cho vay đủ số tiền để chi trả chi phí xuất khẩu lao động theo yêu cầu của từng thị trường.

- Mở rộng các thị trường có thu nhập cao, ổn định và lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động có uy tín, có trách nhiệm trong quản lý đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

- Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tóm lại, để công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra thì Việt Nam cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động để người lao động hiểu và nhận thức được lợi ích, hiệu quả kinh tế của công tác giải quyết việc làm gắn với chương trình giảm nghèo nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình kinh tế vĩ mô - Trường Đại học Kinh tế quốc dân

2. Các trang web

- Xuatkhaulaodongnhat.vn

- Laodong.com.vn

- Tapchitaichinh.vn

SOLUTIONS TO LABOR EXPORTS OF  VIETNAM

MA. DO THI KIM THU

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

In the period of open, global economic integration, we have built up many international economic relations. One of these economic relations is the cooperation of sending Vietnamese workers to work abroad, also known as labor export. Labor export activities in Vietnam are increasingly expanding. Many countries and territories around the world, meeting a part of the labor demand of countries, with different types of labor. At the same time, this activity gives Vietnamese workers many opportunities to work with good income. However, there are still many problems that need to be solved.

Keywords: Labor export, Japan, Korea, economic integration, international cooperation.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây