TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu công tác xây dựng nông thôn mới tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác xây dựng nông thôn mới cho các xã chưa đạt nông thôn mới và các xã đã đạt nông thôn mới trong tương lai hướng đến chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp 170 phiếu phỏng vấn được phân bổ ở 6 xã (3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới). Nhóm tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả, đánh giá, phân tích và so sánh. Nghiên cứu đã tìm ra được 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Từ khóa: Nông thôn mới, hoàn thiện, giải pháp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

1. Giới thiệu

Huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng qua gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Cụ thể, đến cuối năm 2019, toàn Huyện có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Cơ sở hạ tầng - kinh tế xã hội của Huyện đã thay đổi rõ rệt: số km đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm thực hiện 71,85/112,85km đạt 63,6% quy hoạch; Số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia 30/41 trường, đạt 73,17%; Có 7/7 xã đều có nhà văn hóa và khu thể thao cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu về văn hóa thể thao của người dân; Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn bộ xây dựng đạt trên 80%, số nhà tạm, dột nát còn 133 căn; Kinh tế và tổ chức sản xuất: Thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2018 là 46 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt trên 90%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 5,78%; Văn hóa - xã hội - môi trường: Có 52/52 ấp đều đạt ấp văn hóa, có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98% (tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 65,9%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vẫn còn những hạn chế, như: Huyện chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm; Kinh tế hợp tác có phát triển, nhưng vẫn còn hạn chế chưa sắp xếp tổ chức sản xuất khu vực nông thôn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn yếu, liên kết chưa mang tính bền vững; Giao thông nông thôn ở nhiều xã vẫn còn chưa đạt so với yêu cầu tiêu chí, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, do thiếu nguồn vốn đầu tư thực hiện giao thông trên địa bàn các xã..., cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhu cầu về văn hóa của người dân, tuy nhiên so với quy định của tiêu chí vẫn còn thấp; Vai trò cấp xã là quyết định trong thực hiện Chương trình, tuy nhiên ở một số xã việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt còn trông chờ vào sự hỗ trợ cấp trên. Các xã vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tập hợp được cả hệ thống chính trị tham gia, chưa kịp thời cập nhật thông tin, báo cáo kết quả thực hiện từng nội dung của Bộ tiêu chí; Phương pháp huy động sự đóng góp từ người dân, thu hút vốn từ doanh nghiệp của một số xã hiện nay còn hạn chế, chưa xác định được nhu cầu của địa phương, chưa định hướng được quy hoạch trong phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

2. Lược khảo tài liệu

Huỳnh Công Chất (2016), phỏng vấn trực tiếp 120 hộ gia đình, 40 cán bộ cơ sở tại 4 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiền, tài sản, công lao động và sự tham gia ý kiến là các nhóm nguồn lực chủ yếu của cộng đồng để huy động tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Dương Thị Bích Diệp (2014), sử dụng phương pháp thống kê mô tả và so sánh để đánh giá thực trạng thực trạng xây dựng Chương trình Nông thôn mới ở Việt Nam thông qua kết quả rà soát tại 11 xã điểm do Trung ương chỉ đạo tìm ra nguyên nhân dẫn tới hạn chế, bất cập; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới trên cả nước. Kết quả đã đề ra 8 giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện và phát huy được hiệu quả của Chương trình Xây dựng nông thôn mới, khắc phục được hạn chế từ các nguyên nhân đã được phân tích.

Nguyễn Thị Minh Huệ (2016), sử dụng các phương pháp nghiên cứu logic, phân tích - tổng hợp các tài liệu về Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng 2016-2020 để đưa ra quan điểm, đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở nước ta. Từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Carl Dahlman (2015), tác giả sử dụng phương pháp thống kê mô tả các số liệu điều tra và so sánh kết quả trong quá trình thực hiện mô hình nông thôn mới ở một số quốc gia trong thế kỷ 21. Kết quả đã chỉ ra được những thách thức và cơ hội của một số nước đang phát triển so với các nước Tổ chức OECD, Hàn Quốc. Từ đó chỉ ra 10 bài học quan trọng từ phân tích và nghiên cứu của một số quốc gia phát triển theo mô hình nông thôn mới, những điểm cần lưu ý và đề ra những giải pháp thực hiện thời gian tới.

OECD (2018), đã sử dụng phương pháp thuyết trình và thảo luận để bàn về việc phát triển cộng đồng tại nông thôn. Kết luận Hội nghị đã ra được tuyên bố chính sách của Edinburgh xác định 10 động lực chính của nông thôn và định hình làm thế nào các khu vực nông thôn có thể thành công hơn, năng động và bảo vệ môi trường, định hình chính sách cho vùng nông thôn có thể thích ứng với các điều kiện thay đổi của thế giới.

Trần Tiến Khai và Nguyễn Duy Tâm (2015), áp dụng phương pháp định tính kết hợp định lượng nghiên cứu, phân tích cơ sở dữ liệu, phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn nhóm, phương pháp thống kê mô tả để đánh giá tiến trình phát triển dựa trên cơ sở dữ liệu của các xã nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh kết hợp với thông tin khảo sát bổ sung của đề tài để tổng kết kết quả xây dựng nông thôn mới. Kết quả đề tài đánh giá được thực trạng một cách toàn diện trong thực hiện Chương trình nông thôn mới của TP. Hồ Chí Minh, giải pháp lồng ghép các nguồn lực, kết nối chương trình, dự án từ đó phát huy hiệu quả.

Phạm Văn Lâm (2016), sử dụng các phương pháp nghiên cứu logic - lịch sử, phân tích - tổng hợp, so sánh, khảo sát thực tiễn,... nhằm làm sáng tỏ vấn đề và trình bày luận văn một cách khoa học. Kết quả luận văn thông qua đánh giá việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên để đánh giá tính khả thi của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010-2020 nói chung và huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nói riêng. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2016-2020 ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn hiện nay.

Lê Thanh Liêm (2016), sử dụng phương pháp thống kê mô tả và so sánh được để đánh giá thực trạng thực trạng xây dựng Chương trình Nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả đã đánh giá, phân tích được thực trạng và rút ra bài học kinh nghiệm cho thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại TP. Hồ Chính Minh, giai đoạn 2011-2015 và đề xuất giải pháp 2016-2020 cho xây dựng nông thôn mới ở vùng ven đô thị tại TP. Hồ Chí Minh và phát huy lợi thế của địa phương.

Trần Thanh Trúc (2018), tác giả chọn phương pháp nghiên cứu như phân tích và tổng hợp, thu thập số liệu sơ cấp, thứ cấp, thống kê mô tả, tần số, so sánh, phân tích SWOT, phương pháp PRA để đánh giá thực trạng tại địa bàn nghiên cứu, từ đó, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới tại huyện Cầu Kè, góp phần giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ Huyện.

Thực tế có nhiều công trình nghiên cứu theo hướng khác nhau, đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây có những mức độ phù hợp nhất định trong giai đoạn 2011 - 2015, đối với giai đoạn 2016-2020 cần phải đánh giá lại theo thực tế từng vùng nông thôn để có định hướng giải pháp thời gian tới. Các nghiên cứu phần lớn chưa đề cập cụ thể đến một địa phương cấp xã, huyện, mà chỉ tập trung vào các vùng với đặc thù và tính chất khác nhau.

3. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào các lược khảo tài liệu và 19 tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các nghiên cứu lược khảo. Tác giả xây dựng mô hình đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến công tác xây dựng nông thôn mới tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng như sau:

Bảng 1. Tổng hợp các biến trong mô hình nghiên cứu

Tổng hợp các biến trong mô hình nghiên cứu

Nguồn: Tổng hợp từ các lược khảo của tác giả

Phỏng vấn theo phiếu thăm dò ý kiến được xây dựng trên cơ sở 19 tiêu chí thực hiện nông thôn mới theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg và Các văn bản hướng dẫn thực hiện NTM trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020; Thu thập dữ liệu trực tiếp tại cấp huyện, cấp xã và người dân của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng về quá trình xây dựng nông thôn mới. Tổng cộng có 170 phiếu khảo sát ý kiến.

4. Kết quả nghiên cứu

Kết quả khảo sát thực hiện tiêu chí nông thôn mới tại 3 xã nông thôn mới và 3 xã chưa đạt tiêu chí nông thôn mới như sau:

Bảng 2. Tổng hợp kết quả thực hiện tiêu chí NTM năm 2019
Tổng hợp kết quả thực hiện tiêu chí NTM năm 2019

Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát

4.1. Kết quả khảo sát tại 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

Xã Phú Tân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, xã Hồ Đắc Kiện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 và xã An Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Nhìn chung các hộ được khảo sát phỏng vấn đều hài lòng và đánh giá rất đáp ứng và đáp ứng yêu cầu 19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, cần phải tập trung thực hiện một số công việc để nâng chất các tiêu chí trong thời gian tới, cụ thể như sau:

- Cần phải rà soát lại quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt để điều chỉnh, nâng cấp và cấm mốc quy hoạch trong giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng chất lên xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

- Đối với tiêu chí giao thông: các tuyến đường được đầu tư từ năm 2014-2015 đến nay đã xuống cấp, chiều rộng mặt lộ (2m-2,5m) không còn phù hợp với phát triển hiện tại cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp mở rộng các tuyến chính để tăng cường lưu thông, trao đổi mua bán hàng hóa nâng cao giá trị sản xuất tại nông thôn.

- Tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần quan tâm giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững góp phần tăng thu nhập tại nông

thôn theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

- Về cơ sở vật chất văn hóa và ấp văn hóa đạt tiêu chuẩn: cần chú ý quan tâm đầu tư các nhà văn hóa xã như bố trí thêm sân, khu vui chơi thể thao; nâng cấp mở rộng các nhà sinh hoạt cộng đồng ấp để đảm bảo đúng theo quy định.

- Về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm: cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát cộng đồng để nâng cao việc phân loại rác thải nông thôn tại nguồn và hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn theo hướng hữu cơ (hướng đến các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ ban đầu).

- Về quốc phòng và an ninh cần giữ vững tiêu chí đạt, phát huy tối đa các mô hình an ninh trật tư, camera an ninh, tổ dân cư tự quản…

4.2. Kết quả khảo sát tại 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới

Xã Thiện Mỹ đạt 17/19 tiêu chí (phấn đấu đạt cuối năm 2020), xã Phú Tâm 17/19 tiêu chí (phấn đấu đạt năm 2021), xã Thuận Hòa đạt 15/19 tiêu chí (phấn đấu đạt năm 2022), kết quả cụ thể như sau:

- Xã Thiện Mỹ đã đạt 17/19 tiêu chí, hiện còn tiêu chí 2 về giao thông và tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Kết quả khảo sát các hộ đề xuất đầu tư thêm 3 tuyến đường trọng điểm của xã liên xã (Mương Khai - Mỹ Tân, Mỹ Hương Mỹ Tú) - Đắc Thắng (Hồ Đắc Kiện) và tuyến TT. Châu Thành - xã Thiện Mỹ đã ghi vốn đầu tư dự kiến hoàn thành trong tháng 10 năm 2020; về tiêu chí 17 hiện xã chỉ đạt 45,26%/65% hộ dân sử dụng nước sạch kết quả khảo sát các hộ đề xuất kéo 3 tuyến mạng ống nước mới về Mương Khai, Mỹ Tân và Mỹ Đức xã Thiện Mỹ giải quyết cho hơn 300 hộ có nước sạch sử dụng.

- Xã Phú Tâm đã đạt 17/19 tiêu chí, hiện còn tiêu chí 2 về giao thông và tiêu chí 9 nhà ở dân cư chưa đạt. Kết quả khảo sát các hộ đề xuất: cần điều chỉnh lại quy hoạch và công bố, cấm mốc quy hoạch hướng đến phát triển xã Phú Tâm thành đô thị mới loại IV; đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đi qua xã đạt đúng theo quy hoạch; tăng cường nguồn vốn đối ứng để vận động xã hội hóa đầu tư theo hình thức nhà nước hỗ trợ 50% dân đóng góp 50% để làm các tuyến đường ngõ, xóm…; Về tiêu chí 9, hiện còn 26 căn nhà tạm chưa đạt chuẩn 3 cứng của Bộ Xây dựng đề xuất vận động các nguồn hỗ trợ đầu tư cho hộ.

- Xã Thuận Hòa đã đạt 15/19 tiêu chí, hiện còn tiêu chí 2 giao thông, tiêu chí 9 nhà ở dân cư, tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo chưa đạt chuẩn. Kết quả khảo sát các hộ đề xuất: rà soát, điều chỉnh và cấm mốc quy hoạch xã nông thôn mới; đầu tư thêm các tuyến giao thông chính xã (đường liên xã An Hiệp, đường đê kênh Xáng Phụng Hiệp - Sóc Trăng, đường huyện liên xã Phú Tân, Phú Tâm,…); về nhà ở tạm hiện còn 53 căn chưa đạt chuẩn Bộ Xây dựng cần thiết huy động nguồn lực hỗ trợ hộ; về thu nhập theo đánh giá năm 2019 mới đạt 38 triệu đồng/người/năm chưa đạt; về hộ nghèo còn cao 9,06%, hướng đền cần quan tâm giải quyết việc làm nông thôn, cải tiến áp dụng khoa học công nghệ và sản xuất, tạo chuỗi liên kết sản xuất nâng chất hoạt động hợp tác xã nhằm nâng cao giá trị trên cùng đơn vị sản xuất hướng đến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

- Ngoài các tiêu chí trên cần phấn đấu đạt theo kế hoạch, có ý kiến cho rằng hàng năm các xã cần rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đã đạt chuẩn để củng cố, nâng chất và hoàn tất các hồ sơ minh chứng nhằm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

5. Giải pháp hoàn thiện công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

5.1. Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới

- Tiêu chí 2 về giao thông: Niêm yết, công bố lại quy hoạch đã được điều chỉnh; Đầu tư nâng cấp mở rộng từ 2m lên 3,5 của 02 tuyến đường giao thông trọng điểm của xã liên xã Hồ Đắc Kiện và xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú) (đang đầu tư dự kiến hoàn thành 10/2020); Vận động phát hoang, dọn cỏ, trồng cây xanh, hoa dọc bên đường; vận động nhân dân làm đường vào nhà (bê tông, đá dăm,…).

Rà soát lại quy hoạch giao thông, đặt biệt các tuyến đường trục ấp, ngõ sớm; xây dựng mới nâng cấp sửa chữa các công trình giao thông đảm bảo đạt theo đề án được phê duyệt xã nông thôn mới; Vận động phát hoang, dọn cỏ, trồng cây xanh, hoa dọc bên đường; vận động nhân dân làm đường vào nhà (bê tông, đá dăm,…).

Theo thống kê nhà ở dân cư chưa đạt chuẩn cần thiết khảo sát, rà soát lại để lồng ghép các chương trình, nguồn vốn, vận động mạnh thường quân, tổ chức doanh nghiệm,… xây dựng nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội…; Tổ chức phong trào thi đua cải tạo xây dựng nhà ở đạt chuẩn; phát động làm hàng rào, cột cờ, đèn chiếu sáng, hố xí hợp vệ sinh, hố xử lý rác thải,…

Ưu tiêu bố trí các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp nông thôn mới tập trung thực hiện đạt tiêu chí thu nhập cho xã Thuận Hòa trong năm 2021-2022; Thực hiện kế hoạch quy hoạch sản xuất theo từng kiểu thích nghi, từng tiểu vùng gắn với thế mạnh của xã tập trung sản xuất hàng hóa lớn, gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất; Vận động lao động nhàn rỗi nông thôn gắn với đào tạo nghề và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Rà soát, phân loại từng đối tượng hộ nghèo cụ thể (phân biệt các đối tượng bảo trợ xã hội), chính xác để hỗ trợ cho phù hợp: ưu tiên hỗ trợ các hộ có ý chí vươn lên; Tập trung, lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo, vốn khác hỗ trợ hộ nghèo, đẩy mạnh các chương trình, chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp.

5.2. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

Tổ chức rà soát, đánh giá lại 19 tiêu chí đã đạt, xây dựng kế hoạch cụ thể nâng chất từng tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Phát huy nguồn lực nội tại, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Riêng 2 xã Hồ Đắc Kiện, An Hiệp: cần rà soát và xây dựng đề án xã nông thôn mới nâng cao trình UBND Huyện phê duyệt theo nội dung hướng dẫn Bộ tiêu chí tại Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 27/04/2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng, cần thiết phải làm rõ lộ trình phấn đấu thực hiện xã An Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, xã Hồ Đắc Kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2025.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban chấp hành đảng bộ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Châu Thành lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2-10, Sóc Trăng.
  2. Ban chỉ đạo Các chương trình MTQG huyện Châu Thành (2011), Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 06/6/2011 xây dựng nông thôn mới huyện Châu Thành giai đoạn 2010-2015, Châu Thành.
  3. Huỳnh Công Chất (2016), “Giải pháp huy động nguồn lực cộng đồng dân cư trong xây dựng Nông thôn mới tỉnh Tiền Giang”, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 46D, 83-94.
  4. Dương Thị Bích Diệp (2014), “Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 8(81), 61-69.
  5. Nguyễn Thị Minh Huệ (2016), Quán triệt quan điểm Đại hội XII của đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới bền vững, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.
  6. Huyện ủy Châu Thành (2015), Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 08/12/2015 lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành đến năm 2020, Châu Thành.
  7. Trần Tiến Khai, Nguyễn Duy Tâm (2015), Xây dựng nông thôn mới ở Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững, Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Kinh tế.
  8. Phạm Văn Lâm (2016), Xây dựng Nông thôn mới ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, Luận văn Thạc sĩ Quản lí công, Học viện Hành chính Quốc gia.
  9. Lê Thanh Liêm (2016), “Bài học kinh nghiệm thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới”, Tạp chí khoa học Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, 4(49), 133-139.
  10. Châu Thục Mẫn (2017), Đánh giá thực trạng kinh tế xã hội vùng nông thôn mới tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Luận văn Đại học, Trường Đại học Tây Đô.
  11. Trần Thanh Trúc (2018), Giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ Quản lí Kinh tế, Trường đại học Trà Vinh.
  12. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng (2019), Tài liệu Hội nghị tổng kết 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, Sóc Trăng.
  13. Carl Dahlman. (2015). A new rural development paradigm for developing countries for the 21rst century. Brussels, Belgium: OECD Development Centre.
  14. OECD. (2018). Enhancing rural innovation 11th OECD Rural Development Conference, Edinburgh, Scotland (United Kingdom), Scotland.

SOLUTIONS TO IMPROVE THE IMPLEMENTATION

OF NEW RURAL DEVELOPMENT PROGRAM

IN CHAU THANH DISTRICT, SOC TRANG PROVINCE

• Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN HONG HA

Vice Dean, Faculty of Economics and Law, Tra Vinh Universitty

• NGUYEN CONG DINH

Department of Agriculture and Rural Development,

Chau Thanh District, Soc Trang Province

ABTRACTS:

This study is about the implementation of new rural development program in Chau Thanh District, Soc Trang Province, thereby proposing solutions to help local communes meet requirements of this program and improve the program’s standards in the future. This study was done by using the primary data collection method. 170 questionnaires were distributed in 6 communes (3 communes have met new rural standards and 3 communes have not met new rural standards). The data sets were analyzed by descriptive statistical, evaluation, analysis and comparison methods. This study finds out 5 groups of factors affecting the implementation of new rural development program in Chau Thanh District, Soc Trang Province.

Keywords: New rural area, complete, solution, Chau Thanh District, Soc Trang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]