Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính trên địa bàn thành phố Thanh Hóa

Lê Văn Tú (UBND Thành phố Thanh Hóa)

Tóm tắt:

Trong quá trình phát triển, bên cạnh những kết quả đáng trân trọng, nền hành chính nhà nước đã bộc lộ nhiều khuyết điểm trước những yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý hành chính nhà nước của các cấp ở một số lĩnh vực đang còn bị buông lỏng, hiệu quả quản lý chưa cao, trong đó có công tác quản lý địa chính còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần nhanh chóng có sự cải cách. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính cũng hết sức quan trọng.

Qua nghiên cứu thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, bài viết đánh giá những ưu điểm và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực quản lý địa chính tại đây, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực này.

Từ khóa: Chất lượng, quản lý, địa chính, thành phố Thanh Hóa.

1. Tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý địa chính trên địa bàn thành phố Thanh Hóa

Một trong những nội dung quan trọng của công cuộc cải cách hành chính là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng quản lý, vận hành bộ máy hành chính để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm gần đây, công tác quản lý địa chính của thành phố Thanh Hóa đã làm được nhiều việc tốt, góp phần tích cực vào viêc quản lý đất đai của thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý địa chính trên địa bàn còn tồn tại nhiều thiếu sót, hạn chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý địa chính là một trong những mặt yếu kém đó. Đây là một vấn đề rất lớn đặt ra cho thành phố Thanh Hóa về đào tạo để nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý địa chính.

Bên cạnh những hạn chế do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý địa chính, một bộ phận không nhỏ là do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, đã có biểu hiện chưa thực sự công tâm phục vụ nhân dân, lãng phí, lợi dụng chức quyền làm trái các nguyên tắc quản lý đất đai. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh trên, cần có một nghiên cứu toàn diện về đội ngũ cán bộ quản lý địa chính tại thành phố Thanh Hóa để có giải pháp nâng cao trình độ năng lực, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý địa chính. Đây là vấn đề cấp bách, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay và phù hợp với thực tiễn của địa phương.

2. Thực trạng đất đai trên địa bàn thành phố Thanh Hóa

Thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội 160km về phía Nam. Thành phố Thanh Hóa là một đô thị phát triển và là một trong những thành phố lớn của khu vực Bắc Trung Bộ cùng với TP. Vinh và TP. Huế, đồng thời nơi đây có sức lan tỏa tới khu vực Nam Bắc Bộ. Thành phố Thanh Hóa nằm hai bên bờ sông Mã hùng vĩ; phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Hoằng Hóa; phía Nam giáp huyện Quảng Xương; phía Đông Nam giáp thị xã Sầm Sơn; phía Tây giáp huyện Đông Sơn; phía Tây Bắc giáp huyện Thiệu Hóa. Thị xã Thanh Hóa trở thành thành phố Thanh Hóa năm 1994. Thành phố Thanh Hóa hiện nay có diện tích tự nhiên 146,77 km². (Bảng 1)

Bảng 1. Đất đai phân theo đơn vị hành chính quản lý

Thứ tự

Đơn vị quản lý

(Phường, xã)

Diện tích

(ha)

Thứ tự

Đơn vị quản lý

(Phường, xã)

Diện tích

(ha)

1

An Hưng

652,68

18

Nam Ngạn

257,08

2

Ba Đình

70,17

19

Ngọc Trạo

53,77

3

Điện Biên

67,66

20

Phú Sơn

182,86

4

Đông Cương

654,11

21

Quảng Cát

665,79

5

Đông Hải

670,40

22

Quảng Đông

533,45

6

Đông Hương

347,86

23

Quảng Hưng

572,21

7

Đông Lĩnh

875,18

24

Quảng Phú

650,61

8

Đông Sơn

99,74

25

Quảng Tâm

367,56

9

Đông Tân

442,23

26

Quảng Thắng

354,36

10

Đông Thọ

360,07

27

Quảng Thành

854,04

11

Đông Vệ

476,29

28

Quảng Thịnh

489,51

12

Đông Vinh

435,93

29

Tân Sơn

86,57

13

Hàm Rồng

431,62

30

Tào Xuyên

566,16

14

Long Anh

579,11

31

Thiệu Dương

571,04

15

Hoằng Đại

467,58

32

Thiệu Khánh

532,91

16

Hoằng Quang

624,85

33

Thiệu Vân

369,31

17

Lam Sơn

92,83

34

Trường Thi

85,94

                                                     Nguồn: UBND thành phố Thanh Hóa

3. Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý địa chính tại thành phố Thanh Hóa

Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý đất đai tại thành phố Thanh Hóa là 146 người, trong đó nữ 48 người - chiếm 32,88%; nam 98 người - chiếm 67,12%. Bao gồm:

- Phòng chuyên môn trực tiếp tham mưu cho UBND thành phố là Phòng Tài nguyên và Môi trường, trong đó bao gồm: 11 người (= 7,53%).

+ Trưởng phòng: 01 người (= 0,68%)

+ Các Phó Trưởng phòng: 02 người (=  1,37%)

+ Đội ngũ chuyên viên trực tiếp thực thi công vụ: 09 người (= 6,16%)

- Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất: 55 người (= 37,67%, 01 Giám đốc, 01 Phó Giám đốc và các viên chức, người lao động là 53 người).

- Hệ thống cán bộ địa chính 37 phường, xã: 80 người (= 54,79%)

* Về trình độ chuyên môn (Bảng 2)

Bảng 2. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý địa chính thành phố Thanh Hóa

Đơn vị tính: Người

Tiêu chí trình độ

chuyên môn

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

-  Trên đại học

8

5,71

30

20,41

29

19,86

-  Đại học

106

75,72

113

76,87

113

77,40

-  Cao đẳng

01

0,71

0

0

0

0

-  Trung cấp

25

17,86

4

2,72

4

2,74

 

Nguồn: UBND thành phố Thanh Hóa

Giai đoạn 2018 - 2020, trình độ chuyên môn theo các cấp đào tạo của đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý địa chính tăng lên đáng kể. Trong đó, số cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học chiếm tỷ lệ cao. Đến năm 2020, 100% cán bộ công chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.

Điều này cho thấy sự quan tâm của UBND thành phố Thanh Hóa đến chất lượng nguồn nhân lực quản lý địa chính trên địa bàn thành phố.

* Về trình độ lý luận chính trị (Bảng 3)

Bảng 3. Tỷ lệ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai thành phố Thanh Hóa được đào tạo về lý luận chính  trị

Đơn vị tính: Người

 

Tiêu chí

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

SL

Tỷ lệ

Trình độ lý luận chính trị

-       Cao cấp, cử nhân

4

2,86

3

2,04

3

2,05

-        Trung cấp

3

2,14

54

36,73

57

39,046

-       Sơ cấp và chưa qua đào tạo

133

95,0

4

2,72

7

4,79

 

                                                     Nguồn: UBND thành phố Thanh Hóa

Trình độ lý luận chính trị của cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý địa chính tại thành phố Thanh Hóa đã có sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây.

Trình độ cao cấp, cử nhân: Tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ cao cấp cử nhân chính trị có xu hướng giảm do một số cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu.

Trình độ trung cấp: Số cán bộ, công chức có trình độ lý luận chính trị trung cấp tăng và cao hơn hàng năm. Năm 2020, số cán bộ, công chức có trình độ trung cấp là 57 người - tăng 3 người so với năm 2019.

Trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo: Số cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý địa chính được đào tạo sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo của thành phố Thanh Hóa giảm mạnh. Cụ thể, năm 2018, số cán bộ, công chức có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo là 133, đến năm 2020 giảm xuống 7 người.

* Trình độ ngoại ngữ, tin học

Trình độ ngoại ngữ, tin học là một trong những tiêu chí đối với các thí sinh khi tham gia dự tuyển công chức. Trong đó, ngoại ngữ và tin học là môn thi điều kiện.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, trình độ tin học văn phòng rất cần thiết đối với cán bộ công chức. Mỗi cán bộ công chức phải có kỹ năng thành thạo máy vi tính, tiếp nhận và xử lý các văn bản qua hệ thống mạng công nghệ thông tin, các nội dung quản lý hành chính nhà nước về đất đai để thực hiện thống kê, báo cáo tổng hợp, lưu chuyển hồ sơ…

Chất lượng bằng tập trung ở trình độ loại A và B; có xu hướng tăng dần về chất lượng loại B, C; giảm dần chất lượng loại A. Cụ thể, năm 2019, số lượng công chức có bằng ngoại ngữ loại A là 9 người - chiếm tỷ lệ 6,43%; công chức có bằng ngoại ngữ loại B là 35 người - chiếm tỷ lệ 23,81%; công chức có bằng tin học loại A là 3 người - chiếm tỷ lệ 2,04%; công chức có bằng tin học loại B là 38 người - chiếm 25,85%. Đến năm 2020, công chức có bằng ngoại ngữ A là 11 người - chiếm tỷ lệ 7,53%; công chức có bằng ngoại ngữ loại B là 49 người - chiếm 33,56%. Tỷ lệ công chức có bằng ngoại ngữ và tin học trình độ B, C tăng nhanh.

4. Đánh giá chung thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức quản lý địa chính thành phố Thanh Hóa

4.1. Ưu điểm:

Đội ngũ cán bộ quản lý địa chính tại thành phố Thanh Hóa trong thời gian qua đã trưởng thành và có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ nhất: Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng cán bộ, công chức quản lý địa chính của thành phố ngày một nâng cao. Tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ đai học và sau đại học tăng dần, chiếm tỷ lệ cao.

Thứ hai: Công tác quy hoạch cán bộ, công chức của thành phố Thanh Hóa đối với đội ngũ cán bộ địa chính đảm bảo dân chủ, đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên và phù hợp với thực tế.

Thứ ba: Công tác đánh giá cán bộ, công chức đã triển khai theo đúng quy định của cấp có thẩm quyền. Việc đánh giá CBCC theo đúng quy định và thường xuyên đã giúp phát huy điểm mạnh của từng CBCC và kịp thời sửa chữa những thiếu sót đối với CBCC có thiếu sót, khuyết điểm.

Thứ tư: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã được lãnh đạo thành phố quan tâm và tổ chức thường xuyên để đội ngũ CBCC cấp nhật thông tin, nâng cao trình độ nghiệp vụ, tin học...

Thứ năm: Việc bố trí, sử dụng CBCC quản lý địa chính gắn với chuyên môn của mỗi người, với sở trường và hoàn cảnh địa lý nên đã phát huy, khơi dậy mặt tích cực của lực lượng quản lý địa chính của thành phố.

4.2. Hạn chế và nguyên nhân

4.2.1. Hạn chế

Thứ nhất: Công tác quy hoạch, cán bộ, công chức có thời điểm chưa công khai, minh bạch và dân chủ. Khi tiến hành quy hoạch, chưa thực hiện tốt khâu tuyên truyền, phổ biến quy trình và tiêu chuẩn cụ thể; chưa mạnh dạn đưa vào quy hoạch nhiều cán bộ trẻ.

Thứ hai: Về tuyển dụng: Chưa thực sự chú trọng thu hút nhân tài, đó là các ứng viên có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại địa phương thông qua các chính sách ưu tiên, ưu đãi. Chưa đẩy mạnh nguồn cán bộ trẻ là sinh viên xuất sắc từ các trường đại hoc về làm việc tại địa phương.

Thứ ba: Về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức: Một số chương trình bồi dưỡng còn chung chung, chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều CBCC sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa ứng dụng được vào giải quyết công việc cụ thể.

Thứ tư: Về sử dụng bố trí công việc: Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức nhiều nơi còn chưa gắn với năng lực, sở trường, năng khiếu của CBCC.

Thứ năm: Công tác đánh giá cán bộ, công chức: Công tác đánh giá cán bộ, công chức nhiều nội dung còn mang tính hình thức, chưa tiến hành gắn liền với công việc; chưa gắn với lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Việc thi đua, khen thưởng cuối năm còn mang tính bình quân chủ nghĩa, chưa thực sự tạo ra động lực trong thi đua.

4.2.2. Nguyên nhân hạn chế

Thứ nhất: Trong những năm gần đây, do khối lượng quản lý địa chính của thành phố lớn nên lãnh đạo đôi khi chưa tập trung vào những nội dung cụ thể để nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức như: Kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Thứ hai: Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Thanh Hóa đã có phát triển, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thu ngân sách còn hạn chế.

Thứ ba: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế.

- Thành phố chưa xây dựng khung và chương trình bồi dưỡng cho từng loại công chức với những chuyên môn cụ thể, bồi dưỡng còn chung chung theo kiểu phong trào.

- Đào tạo, bồi dưỡng ở nhiều trường hợp chưa gắn với quy hoạch cán bộ.

- Bài giảng, nội dung đào tạo nặng về lý thuyết, ít thực tiễn, chưa gắn với hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0.

- Chưa có chính sách cụ thế về quyền lợi, nghĩa vụ với CBCC sau đào tạo.

- Một số CBCC chưa có ý thức tốt về học tập nâng cao trình độ. Coi học tập, bồi dưỡng chỉ là việc bắt buộc.

Thứ tư: Đời sống cán bộ, công chức còn khó khăn    nên họ chưa toàn tâm, toàn ý cho công việc.

5. Giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC quản lý địa chính thành phố Thanh Hóa

Công tác tuyển dụng, sử dụng CBCC quản lý địa chính

Trên cơ sở số lượng công chức hiện có, định biên được giao theo quy định và nhu cầu thực tế tại đơn vị, xây dựng kế hoạch tuyển dụng đúng cơ cấu, đủ tiêu chuẩn thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Nâng cao chất lượng hội đồng tuyển dụng đảm bảo thực hiện quy trình tuyển dụng một cách nghiêm túc. Ban hành quy chế thi tuyển, xét tuyển chặt chẽ, dân chủ, công khai, cạnh tranh và phổ biến rộng rãi đến người dân.

Xây dựng các nội dung thi tuyển phù hợp, kết hợp với nội dung quản lý nhà nước và chuyên ngành để tuyển công chức cấp phường có kiến thức quản lý nhà nước, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC quản lý địa chính

Đào tạo, bồi dưỡng có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, từ đó nâng cao kỹ năng và năng lực làm việc của công chức.

Đánh giá và kiểm soát cán bộ, công chức quản lý địa chính

Đánh giá là khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ, là công việc xem xét thực trạng trình độ dựa trên việc so sánh với tiêu chuẩn chức danh, từ đó đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn hiện nay và thống kê lượng công chức không đạt tiêu chuẩn để có biện pháp tác động.

Nâng cao ý thức tự học của cán bộ, công chức quản lý địa chính

Người cán bộ thường có tâm lý đi học lấy tấm bằng để “giữ chỗ” mà hầu như không phải xuất phát từ mục đích tự thân học tập để nâng cao trình độ, có kiến thức để phục vụ công việc. Điều này dẫn đến hệ quả là bằng cấp có đầy đủ hơn nhưng chất lượng công tác không được cải thiện đáng kể. Do đó, hiệu quả công việc vẫn không cao. Đây là hiện tượng xã hội khá phổ biến hiện nay.

Chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và động viên tinh thần cho cán bộ quản lý địa chính

Chế độ phụ cấp, sinh hoạt phí và bảo hiểm xã hội đối với cán bộ có ý nghĩa quyết định đến tinh thần và chất lượng công tác của công chức; đồng thời nó là động lực quan trọng để công chức cấp cơ sở - chủ yếu là cán bộ quản lý địa chính phường, tham gia các lớp học để nâng cao trình độ.

Tăng cường hoạt động mô hình văn hóa công sở

Trong xu thế phát triển của đất nước đòi hỏi công chức không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, những kiến thức khoa học hiện đại mà còn đòi hỏi họ tu dưỡng đạo đức, rèn luyện nếp sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết tiếp thu những tiến bộ văn hóa tiên tiến, bài trừ đấu tranh chống lại cái xấu, trái với thuần phong mĩ tục của dân tộc.

Tăng cường trang thiết bị tin học cho CBCC quản lý địa chính

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, máy vi tính và kỹ thuật tin học là những công cụ có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công việc. Kỹ thuật tin học giúp cho công việc được tiến hành nhanh chóng và chính xác, làm tăng năng suất lao động và giảm bớt công việc cho người công chức cấp cơ sở.

Thành lập công chức đầu mối công nghệ thông tin tại mỗi phường, trang bị thiết bị, phần mềm quản lý hồ sơ.

Chú trọng công tác quản lý cán bộ, công chức quản lý địa chính

Kết nối mạng thông tin giữa UBND với các phường trong hoạt động quản lý điều hành đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, kiểm soát được tiến độ và chất lượng giải quyết của các phường và cá nhân. Giảm bớt các cuộc họp, giảm thiểu việc in, ấn tài liệu; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công chức, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, của người đứng đầu và của công chức.

6. Kết luận

Đội ngũ cán bộ quản lý địa chính của thành phố đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho; song đội ngũ ấy còn những hạn chế cần có giải pháp hoàn thiện nhằm giúp họ mạnh hơn về số lượng và chất lượng để hoàn thành xuất sắc việc quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Tạo ra lợi thế để thành phố Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Ngọc Quyên (2003), Giáo trình quản trị nhân sự, Bộ môn Quản trị nhân sự - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  2. Trần Hương Thanh (2010), Một số giải pháp nâng cao tính tích cực lao động của cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Hữu Hải (2010). Tiêu chí đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công tại các cơ quan hành chính nhà nước. Tạp chí Tổ chức nhà nước tháng 3/2010.
  4. Diệp Văn Sơn (2012). Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho bộ máy hành chính. Tạp chí Phát triển nhân lực (số 1 - 2012).

SOLUTIONS FOR IMPROVING THE QUALITY OF CADASTRAL MANAGEMENT OFFICIALS OF THANH HOA CITY

Le Van Tu

The People’s Committee of Thanh Hoa City

Abstract:

In the process of the country’s socio-economic development, the state administrative management not only achieves remarkable resuls but also reveals many shortcomings. The state administrative management of all levels of government in Vietnam is relatively low in some sectors, including the cadastral management. It is very important to improve the quality of cadastral management officials. This study is to evaluate the advantages and the limitations of the cadastral management officials in Thanh Hoa City, thereby proposing solutions to improve the quality of officials in the city’s cadastral management.

Keywords: Quality, management,  quản lý, cadastre, Thanh Hoa City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]