Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan tại Việt Nam

THS. GIAO THỊ KHÁNH NGỌC (Trường Đại học Kinh tế quốc  dân)

TÓM TẮT:

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) là xu hướng tất yếu của tất cả các doanh nghiệp, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu đã phân tích thực trạng về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (CTCT Tập đoàn Masan) tại Việt Nam.

Từ khóa: trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, CTCT Tập đoàn Masan, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh công nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng trong hoạt động quản lý doanh nghiệp (Baumgartner, 2014), nhiều nghiên cứu đã khám phá những ảnh hưởng của nó đối với kết quả của các tập đoàn trong lĩnh vực dịch vụ hoặc sản xuất và đối với nhận thức của người tiêu dùng. Điều này chỉ ra rằng tác động của CSR đối với thái độ và quan điểm của khách hàng đã trở thành một trong những nghiên cứu nóng nhất đối với các bức ảnh trong các lĩnh vực nghiên cứu liên quan (Costa và Menichini, 2013). Trong các khía cạnh khác nhau của thái độ và quan điểm của khách hàng, danh tiếng doanh nghiệp được khẳng định là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho sự thành công của công ty trong các thị trường cạnh tranh bao gồm các lĩnh vực khác nhau. Các yếu tố của CSR ảnh hưởng đến thái độ và sự hài lòng của khách hàng, thì thái độ và sự hài lòng của khách hàng lại ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty. 

Tại Việt Nam, CTCT Tập đoàn Masan là một tập đoàn hùng mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng và nước giải khát, thực phẩm,... Sản phẩm của công ty đa dạng bao gồm chế biến thực phẩm, nước tương, tương ớt, mì ăn liền, cà phê hòa tan,... Những sản phẩm của CTCT Tập đoàn Masan phổ biến trên thị trường Việt Nam và đa số người dân Việt Nam ưa chuộng sử dụng các sản phẩm này. Đặc biệt, CTCP Masan đã xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản,…; Masan giữ vị trí thứ 7 trong danh sách 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2016, đứng thứ 2 trong ngành hàng tiêu dùng. Để đạt được những thành tựu này, CTCT Tập đoàn Masan đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Rút ra những bài học về tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, CTCT Tập đoàn Masan đã đề ra các cam kết cộng đồng và thực hiện nhiều dự án trong quá trình nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, củng cố lòng tin người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

2. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của doanh nhiệp (CSR) là một khái niệm xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, qua một quá trình phát triển toàn diện, nó đã ngày càng trở nên ý nghĩa hơn. Được bắt nguồn đầu tiên từ các hoạt động phản đối xâm phạm nhân quyền như sử dụng hay buôn bán nô lệ, năm 1790, cuộc tẩy chay quy mô lớn đầu tiên của người tiêu dùng với sản phẩm được những người nô lệ thu hoạch đã diễn ra thể hiện tinh thần của CSR. Tuy nhiên, đến những năm 1950, các nghiên cứu chính thức về CSR mới được nghiên cứu và từ đó mới hình thành những khái niệm về vấn đề này.

Theo như Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững cũng đã đưa ra định nghĩa rằng CSR là sự “cam kết” của DN với mục đích đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, được thực hiện bởi các chiến dịch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng, của cộng đồng và xã hội, từ đó tạo nên lợi ích cho DN cũng như sự phát triển cho toàn xã hội nói chung.

3. Thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của CTCP Tập đoàn Masan

3.1. Thực hiện trách nhiệm về lĩnh vực kinh tế, tài chính

CTCP Tập đoàn Masan có quy trình thực hiện rất rõ ràng để phục vụ cho mục tiêu gắn kết với các bên liên quan. Quy trình gồm 4 bước:

Bước 1: Xác định các bên liên quan

Đây là giai đoạn mở đầu, có tính xây dựng nền tảng để Masan Group xác định được toàn diện các đối tượng liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty: từ các đối tác bên trong đến đối tác bên ngoài, các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp đến những người bị ảnh hưởng gián tiếp.

Bước 2: Phân loại mức độ ưu tiên

Tại bước này, Tập đoàn sẽ nghiên cứu và so sánh kỹ lưỡng, căn cứ vào mức độ chịu ảnh hưởng và tạo ra ảnh hưởng của các đối tượng để phân loại các bên liên quan. Sau đó, các kế hoạch sẽ được dựa trên thang phân loại này.

Bước 3: Gắn kết với các bên liên quan

Các kế hoạch trao đổi và gắn kết thông tin với các bên liên quan sẽ được xây dựng và đưa vào thực tế. Trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng các cơ chế cùng quy trình tiếp nhận các ý kiến và lĩnh vực quan tâm khác nhau của mỗi bên liên quan. Sau khi phát hiện được các vấn đề chủ chốt, sự phản hồi và các giải pháp cần được thực hiện.

Bước 4: Kiểm tra và giám sát

Các phản hồi và thông tin về mối quan tâm của các bên liên quan cần được tổng hợp và đánh giá liên tục, nắm bắt các vấn đề còn tồn đọng để hiệu chỉnh và giải quyết.

3.2. Thực hiện trách nhiệm về lĩnh vực môi trường

Quy tắc sản xuất của CTCT Tập đoàn Masan là đảm bảo chất lượng của sản phẩm song song với đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Để đạt được điều ấy, các nhà máy của Masan bắt buộc phải sử dụng nguồn tài nguyên bền vững và áp dụng xử lý chất thải. Các dự án trước khi tiến hành luôn được yêu cầu tính toán đến các chỉ số ảnh hưởng tới môi trường và đưa ra các phương án giải quyết cho môi trường khi tiến hành xây dựng.

Các biện pháp đánh giá, thanh tra và bảo vệ môi trường luôn được tuân thủ. Quan trắc môi trường và hoạt động kiểm định máy móc cùng hệ thống phòng cháy chữa cháy luôn được kiểm tra định kỳ và phối hợp chủ động với cơ quan địa phương và Nhà nước. Hiện nay, các nhà máy của Masan đã trang bị và nâng cấp các cơ sở vật chất và hệ thống bảo vệ môi trường, việc tái chế chất thải được tận dụng hết mức có thể.

Hai bộ phận có trách nghiệm giám sát hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và quy định về môi trường luôn được phối hợp chặt chẽ là Bộ phận Pháp chế và Tuân thủ và Bộ phận An toàn, Sức khoẻ và Môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động thử nghiệm mẫu chất thải định kỳ do bộ phận kỹ thuật thực hiện cũng được đảm bảo diễn ra định kỳ nhằm kiểm soát sát sao việc đảm bảo các quy định về môi trường.

Tại các khu vực có nhà máy của Masan, 1/5 diện tích được phủ cây xanh để đảm bảo có một môi trường làm việc xanh, sạch và thân thiện. Hệ thống quản lý An toàn và Sức khỏe đạt tiêu chuẩn ISO 180000 đã được nâng cấp lên phiên bản ISO 45001 vào năm 2020 tại các nhà máy của Masan, đóng góp phần lớn vào hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và công tác bảo vệ tài nguyên môi trường.

CTCT Tập đoàn Masan đã thực hiện chương trình “Ý tưởng tiết kiệm năng lượng” và đạt được các thành quả sau:

- Quy trình sản xuất được tối ưu hóa, năng lượng tiêu thụ đã giảm xuống nhờ chính sách tận dụng phần nhiệt bị mất trong quá trình vô trùng sản phẩm, hạn chế các quy trình sản xuất làm biến đổi nhiệt độ và áp dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

- Đào tạo nhân viên có thói quen tiết kiệm bằng cách đưa ra các quy định như: đảm bảo máy móc được vệ sinh sạch sẽ để đạt được sản phẩm tốt nhất và giảm khả năng hư hỏng của thiết bị, tiết kiệm nguồn nước và sử dụng các nguyên liệu tái chế.

- Sử dụng thành công hệ thống công nghệ biogas làm từ mùn cưa và trấu để tạo năng lượng sạch cho nhà máy hoạt động. Đây là một nguồn năng lượng sinh khối không chỉ giúp ích cho việc bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

3.3. Thực hiện trách nhiệm về lĩnh vực xã hội

Trong năm 2020, trước sự khó khăn về sinh hoạt và kinh tế của người dân miền Tây bị ảnh hưởng bởi hạn hán và ngập mặn, CTCT Tập đoàn Masan đã vận chuyển hệ thống máy lọc nước cho 4 trường THCS và tiểu học tại 2 tỉnh Hậu Giang và Long An.

CTCT Tập đoàn Masan đặt trung tâm trong chính sách của doanh nghiệp là sự phát triển con người, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng để thúc đẩy sự thay đổi tích cực mang tính bền vững. Do đó, CTCT Tập đoàn Masan đã chung tay đóng góp vào các hoạt động xây dựng cơ sở giáo dục và cơ sở hạ tầng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng. Trong năm 2020, trước sự tàn phá của dịch bệnh đến đời sống xã hội và kinh tế của đất nước, dưới sự kêu gọi của chính phủ, CTCT Tập đoàn Masan đã hưởng ứng vào phong trào hỗ trợ dịch bệnh cũng như việc thực hiện trách nhiệm xã hội của tập đoàn đến cộng đồng, Masan đã tổ chức nhiều chương trình trao thực phẩm thiết thực cho người dân có điều kiện khó khăn.

Vào tháng 4/2020, cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em - Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên TP. Hồ Chí Minh, CTCT Tập đoàn Masan đã thực hiện chương trình “Chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19”. Tại chương trình này, 10.000 suất ăn đã được gửi đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với 300 phần quà hỗ trợ cho các trẻ em có gia cảnh cơ nhỡ tại 8 địa điểm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, CTCP Tập đoàn Masan còn kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế cùng các cơ quan địa phương trao tặng hàng tấn các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như nước khoáng, nước tăng lực, xúc xích ăn liền và mỳ gói cho những người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như các bệnh viện, cửa khẩu, đồn biên phòng, trung tâm cách ly,… cùng vật tư y tế với tổng giá trị lên đến hơn 6 tỷ đồng.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm xã hội cho CTCP Tập đoàn Masan

Thứ nhất, doanh nghiệp tiến hành xây dựng bộ Quy tắc ứng xử về trách nhiệm xã hội. Đây là văn bản cơ sở điều chỉnh hành vi của nhân viên, lãnh đạo trong doanh nghiệp. Đưa trách nhiệm xã hội trở thành nhận thức thường xuyên trong doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường đầu tư, phát triển giá trị con người. Nâng tầm giá trị con người là những điều kiện căn bản phát triển đạt được hiệu quả kinh doanh và danh tiếng của doanh nghiệp. Định hướng nâng tầm giá trị con người bao gồm:

- Đầu tư có tính chiến lược vào giáo dục và đào tạo. Giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, năng lực của nhân viên và các cấp lãnh đạo, từ thành tựu về chuyên môn tạo ra hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Chất lượng nhân lực được cải thiện thông qua các chương trình đào tạo thường xuyên được tổ chức bởi tập đoàn. Tăng cường đào tạo, giáo dục được thể hiện thông qua việc nhân viên tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài doanh nghiệp bằng nhiều phương pháp tiếp cận như học tập trực tiếp hoặc trực tuyến.

- Đảm bảo bình đẳng trong doanh nghiệp trên các khía cạnh, như: bình đẳng giới, bình đẳng trong tuyển dụng, công bằng trong lương thưởng, trợ cấp. Theo đó, bình đẳng tạo sự tôn trọng, thấu hiểu giữa lãnh đạo đối với nhân viên, là động lực thúc đẩy tinh thần làm việc và cống hiến của nhân viên.

- Đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Doanh nghiệp, cụ thể CTCT Tập đoàn Masan cần tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho nhân viên trong quá trình lao động, hạn chế các tai nạn lao động, hỗ trợ nhân viên tham gia các gói bảo hiểm xã hội, tuân thủ các quy định về an toàn, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiến hành đầu tư cải thiện trang thiết bị chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

- Ngoài ra, hạn chế các rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe nguồn lực. Một số hoạt động cụ thể như tiến hành khám sức khỏe định kỳ, giữ vệ sinh môi trường lao động sạch sẽ, sử dụng tiết kiệm năng lượng,…

- Thúc đẩy nhân viên lao động đổi mới, sáng tạo. Văn hóa đổi mới, sáng tạo trong lao động là tiền đề tạo lợi thế cạnh tranh và danh tiếng cho doanh nghiệp.

Thứ ba, thực hiện trách nhiệm xã hội theo quy định của Nhà nước, hạn chế trường hợp nợ lương của công nhân.

Thứ tư, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, ví dụ như công khai các báo cáo tài chính, tình hình lợi nhuận đảm bảo độ tin cậy trước các nhà đầu tư, hạn chế nợ cổ tức cổ đông trong nhiều năm liên tục, thường xuyên lấy ý kiến cổ đông và xem xét cải thiện trong cơ chế quản lý.

Thứ năm, hình thành quỹ đầu tư cho CSR, từ đó xây dựng thương hiệu, gia tăng uy tín của doanh nghiệp, trên cơ sở đó gia tăng giá trị sản xuất, doanh thu của Công ty.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chen, F.Y., Chang, Y.H., Lin, Y.H. (2012). Customer perceptions of airline social respon-sibility and its effect on loyalty. Air Transp. Manag. 20, 49-51. https://doi.org/10. 1016/j.jairtraman.2011.11.007.
  2. Choi, B., La, S. (2013). The impact of corporate social responsibility (CSR) and customer trust on the restoration of loyalty after service failure and recovery. Serv. Mark. 27 (3), 223-233. https://doi.org/10.1108/08876041311330717.
  3. Chong, M. (2007). The role of internal communication and training in infusing corporate values and delivering brand promise: Singapore Airlines' experience. Reput. Rev. 10(3), 201-212. https://doi.org/10.1057/palgrave.crr.1550051.
  4. Chung, A., Jiang, H. (2017). Handling negative publicity: the influence of employing CSR communication in apology statements in reducing anger and negative word-of-mouth (NWOM). J. Commun. Manag. https://doi.org/10.1108/JCOM-11-2016-0091.
  5. Chung, K.H., Yu, J.E., Choi, M.G., Shin, J.I. (2015). The effects of CSR on customer sa- tisfaction and loyalty in China: the moderating role of corporate image. Econ. Bus. Manag. 3(5), 542-547. https://doi.org/10.7763/JOEBM.2015.V3.243.
  6. Baumgartner, R.J., (2014). Managing corporate sustainability and CSR: a conceptual fra- mework combining values, strategies and instruments contributing to sustainable development. Corp. Social Responsib. Environ. Manag. 21 (5), 258- https://doi. org/10.1002/csr.1336
  7. Costa, R., Menichini, T., (2013). A multidimensional approach for CSR assessment: the importance of the stakeholder perception. Expert Syst. Appl. 40 (1), 150- https://doi.org/10.1016/j.eswa.2012.07.028
  8. Tập đoàn Masan (2020), Phát triển bền vững: phụng sự người tiêu dùng cùng với trách nhiệm xã hội từ Tập đoàn Masan. Truy cập tại https://www.masangroup.com/vi/sustainability/livelihood.html

Solutions to improve the effectiveness of corporate social responsibility implementation of Masan Group Corporation in Vietnam

Master. Giao Thi Khanh Ngoc

National Economics University

ABSTRACT:

Corporate social responsibility (CSR) has emerged as an inevitable trend for enterprises to achieve the goal of sustainable development. This paper analyzes the current situation of corporate social responsibility fulfillment and proposes some solutions to improve the effectiveness of corporate social responsibility implementation of Masan Group Corporation in Vietnam.

Keywords: Corporate Social Responsibility, Masan Group Corporation, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]