Giám đốc WB: Thế giới đã thay đổi, Việt Nam phải đổi mới mô hình kinh tế

Ông Ousmane Dione Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã nhận định như vậy tại Lễ công bố báo cáo Việt Nam Năng động: Tạo Nền tảng cho Nền Kinh tế Thu nhập Cao
Thế giới thay đổi, Việt Nam sẽ phải đổi mới mô hình kinh tế
Thế giới thay đổi, Việt Nam sẽ phải đổi mới mô hình kinh tế

Ông cho biết, trong bốn năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông hiểu rằng tại Việt Nam không có gì là không thể nếu có một quyết tâm mạnh mẽ.

Nhưng ông cũng tin rằng để đạt được khát vọng này Việt Nam phải đổi mới mô hình kinh tế đã áp dụng trong ba thập kỷ qua, vì cả thế giới và Việt Nam đang thay đổi rất nhiều, và sẽ còn tiếp tục thay đổi, thậm chí với tốc độ nhanh hơn trong thập kỷ tới.

Thế giới đã và đang thay đổi: quá trình toàn cầu hóa có xu hướng chậm lại, thậm chí đảo ngược; tiến trình đổi mới, sáng tạo đang tăng tốc với mức độ tự động hóa cao trong các ngành công nghiệp và sự áp dụng rộng rãi của các công cụ kỹ thuật số.

Đồng thời tác động của biến đổi khí hậu cũng trở nên rõ ràng hơn. Trong những tháng gần đây, thế giới còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra.

Việt Nam cũng đang trải qua nhiều thay đổi. Dân số đang già hoá, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, và một tầng lớp trung lưu đã xuất hiện nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bao trùm trong những năm gần đây.

Khu vực tư nhân đang phát triển, đòi hỏi thể chế hiện đại và hiệu quả, hỗ trợ những ngành kinh doanh ngày càng tinh vi và đổi mới hơn để tiếp cận các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Giám đốc WB cho rằng, Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới phải đặt tăng trưởng năng suất vào vị trí then chốt.

Trên cơ sở các đánh giá trong Báo cáo Việt Nam 2035, kinh nghiệm phát triển của chính Việt Nam và những bài học từ các quốc gia khác, Việt Nam cần cân bằng giữa tích lũy và phân bổ có hiệu lực và hiệu quả bốn loại vốn.

Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới phải đặt tăng trưởng năng suất vào vị trí then chốt.
Chiến lược phát triển của Việt Nam trong thập kỷ tới phải đặt tăng trưởng năng suất vào vị trí then chốt.

Đó là vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn con người và vốn tự nhiên. Sự cân bằng này phụ thuộc nhiều vào năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực thực thi cải cách thể chế và thị trường của đất nước.

Các khuyến nghị cũng cho thấy Việt Nam cần ưu tiên quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo các thế hệ tiếp theo vẫn được tận hưởng vẻ đẹp của đất nước.

Chúng ta không muốn một viễn cảnh mà chúng ta giàu có hơn về vật chất nhưng lại phải sử dụng sự giàu có ấy để khắc phục những thiệt hại do việc phát triển kinh tế thiếu kiểm soát.

Đồng thời, ông Ousmane Dione chia sẻ 3 vấn đề. Thứ nhất, “Báo cáo Việt Nam năng động” là kết quả của một quá trình tham vấn sâu sắc, trong đó các cán bộ của Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với tổ soạn thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cùng với nhiều cơ quan và viện nghiên cứu khác.

Quá trình tham vấn thường xuyên và liên tục như vậy không phải là hiếm tại Việt Nam, nhưng nhờ vậy góp phần nâng cao chất lượng phân tích của báo cáo đồng thời cũng thu hút được sự tham gia tích cực từ các đối tác trong Chính phủ.

Thứ hai, Báo cáo này tận dụng một thế mạnh của Ngân hàng Thế giới trong việc tiếp cận các kinh nghiệm quốc tế từ nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ quốc gia thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao hoặc thậm chí thu nhập cao.

Việt Nam không nhất thiết lặp lại y nguyên những kinh nghiệm này mà có thể điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh trong nước và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.

Cuối cùng, Báo cáo tập trung vào cả những nguyên tắc định hướng và các chính sách cụ thể. Sự kết hợp này nhằm không chỉ đưa ra định hướng chiến lược cho đất nước mà còn đảm bảo mức độ chi tiết cần thiết để biến ý tưởng thành hành động.

Theo Giám đốc WB, khi thảo luận về các chính sách kinh tế, không thể bỏ qua đại dịch COVID-19, đã gây ra cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc nhất kể từ Đại suy thoái, ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam.

Báo cáo này không phân tích nhiều về cuộc khủng hoảng COVID-19 vì phần lớn các nghiên cứu đã được thực hiện từ trước khi đại dịch bắt đầu.

 Mặc dù vậy, Ngân hàng Thế giới đã soạn thảo một loạt các báo cáo chính sách, trong đó phân tích những thách thức và cơ hội liên quan đến cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với Việt Nam.

Mặc dù cuộc khủng hoảng COVID-19 là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, nhưng ông cho rằng nó sẽ không làm thay đổi các khuyến nghị chính nêu trong báo cáo “Việt Nam Năng động”.

Ngược lại, cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh một số xu hướng lớn đã xuất hiện từ trước đại dịch, như sự chậm lại trong quá trình toàn cầu hóa và sự xuất hiện của một nền kinh tế không tiếp xúc.

Nam Sách