Gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Gian nan chống lại sự buông xuôi, thỏa hiệp

Dù là người lạc quan đến đâu, chúng ta cũng phải thành thực tin rằng, hành trình chống lại sự buông xuôi, thỏa hiệp, chống lại sự im lặng trước cái xấu còn cả chặng đường dài ở phía trước. Vì vậy, hãy

Việc gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng. Nghiêm trọng ở chỗ sai phạm xuất phát từ con người. Hoàn toàn không có yếu tố “lợi dụng kẽ hở...”, mà ở đây, những Vũ Trọng Lương, Trần Xuân Yến, những Nguyễn Thanh Hoài, Lò Văn Huynh... đã trực tiếp can thiệp vào bài thi, nâng điểm cho hơn 300 bài thi, cá biệt có những thí sinh được nâng tới 26,5 điểm.

Sai phạm do con người còn ở chỗ, 2 cán bộ tên là Nguyện và Huy thuộc Trường đại học Tân Trào được Bộ GD-ĐT ủy quyền cử lên cắm chốt để thanh tra việc chấm thi tại Hà Giang, nhưng đến hôm quét bài thi trắc nghiệm lại tự ý bỏ nhiệm vụ về Trường đại học Tân Trào, mà theo báo cáo là để dự cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm của một cán bộ lãnh đạo trường mà không báo cáo Thanh tra Bộ GD - ĐT về việc này, Sở GD-ĐT Hà Giang cũng không cho Thanh tra Bộ biết việc này.

Yếu tố con người tiếp tục xuất hiện, ngày 7/7, lãnh đạo Hội đồng thi tỉnh Hà Giang phát hiện ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Ban thư ký Hội đồng thi di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và một số thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm về Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Giang) khi chưa được sự cho phép nên đã đình chỉ nhiệm vụ ông Lương. Nhưng mọi công việc chấm bài, gửi kết quả về Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành bình thường, chỉ đến khi báo chí nêu nghi vấn điểm thi bất thường thì Bộ GD-ĐT mới thanh tra toàn bộ và phát hiện ra việc nâng điểm.

Nếu sự cố ở công nghệ, trong vòng 5 phút chúng ta có ngay phương án khắc phục; nếu kẽ hở ở quy trình, sau 1 tháng rà soát sẽ trình ra được quy trình mới; nhưng sự cố ở con người, một sản phẩm giáo dục kéo dài hàng chục năm. Nếu không bị phát hiện, bao giờ mới có những cán bộ trung thực thay thế những Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Trần Xuân Yến? Nếu không bị phát hiện, bao giờ 114 thí sinh Hà Giang trúng tuyển đại học - một sản phẩm lỗi của giáo dục - mới ra khỏi guồng quay của hoạt động xã hội (về hưu)?

Giáo dục là sự đầu tư của mỗi gia đình. Hàng triệu gia đình đầu tư cho con em họ suốt 12 năm sẽ bị tổn thương đến thế nào nếu sự đầu tư ấy có thể bị sự gian lận “đánh cắp”? Xã hội sẽ bị tổn thương đến mức nào nếu nguồn lực đầu tư cho giáo dục chảy sai hướng? Bao trùm lên tất cả là sự thất bại của xã hội, chúng ta đã buông xuôi, đã thỏa hiệp khi không ngăn chặn cái xấu ngay từ đầu. Nếu hành vi của ông Lương bị ngăn chặn, bị xử lý với cá nhân ông và với cả những hậu quả mà ông gây ra, chắc hẳn xã hội sẽ có niềm tin hơn vào sự công bằng, liêm chính trong giáo dục.

Có thể giờ đây, ai cũng nơm nớp lo rằng, liệu những việc tôi đang làm, sắp làm đây có được nhìn nhận, đánh giá công bằng không, có sự gian lận nào “đánh cắp” sự đóng góp của tôi không? Liệu mọi người sẽ lên án, ngăn chặn hay sẵn sàng thỏa hiệp với cái xấu?

Dù là người lạc quan đến đâu, chúng ta cũng phải thành thực tin rằng, hành trình chống lại sự buông xuôi, thỏa hiệp, chống lại sự im lặng trước cái xấu còn cả chặng đường dài gian nan ở phía trước. Vì vậy, hãy bắt tay ngay từ hôm nay, bắt đầu từ Hà Giang, Sơn La.