Gỡ khó cho ngành công nghiệp thế mạnh

Vấn đề tiêu thụ sản phẩm mới là vướng mắc lớn nhất với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam...

Một số mặt hàng thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày... bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy nguồn cung, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, thậm chí sang đầu năm 2021, những ngành này tiếp tục gặp khó khăn bởi tình hình bất định của dịch bệnh và kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Trong 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 25,7 tỷ USD, giảm hơn 11%; với ngành da giày cũng chỉ đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8%. Đến nay, nhiều doanh nghiệp chỉ tính đơn hàng từng tháng, từng tuần, thậm chí còn chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Khó hoàn thành mục tiêu

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%. 

Thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, sang năm nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, Covid-19 gây đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc. Bắt đầu từ cuối tháng 3/2020, nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng do đó tình hình xuất khẩu ngành dệt may trở nên ảm đạm. 

Quý 1, kim ngạch xuất khẩu giảm 2%. Sang quý 2, kim ngạch giảm sâu tới 27%, quý 3 bắt đầu được cải thiện, các đơn hàng bắt đầu có trở lại, nhưng cũng chủ yếu là đồ thun, đồ mặc nhà. Riêng các mặt hàng quan trọng, chủ lực của ngành dệt may như veston, sơ mi cao cấp... thì vẫn chưa quay lại, vẫn giảm tới 80% so với mọi năm. 

Như vậy, tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may mới đạt 25,7 tỷ USD, giảm hơn 11% so với cùng kì năm 2019. Vitas đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm các đơn hàng sẽ bứt phá và dự kiến cả năm 2020, các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu được 34 - 35 tỷ USD, và khi đó, mức giảm so với năm 2019 khoảng 6%. Ngành dệt may sẽ còn khó hết năm 2021, và phải đến quý 3/2022 mới trở lại tương đối bình thường. 

Đối với ngành da giày, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 9 tăng 4,5% so với tháng 8, nhưng giảm 0,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 9 tháng năm 2020 đạt 12,08 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong 9 tháng qua, những thị trường tiêu thụ giày dép hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bỉ, Đức... đều giảm nhập khẩu khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Trung Quốc, vốn chiếm 12% thị phần xuất khẩu, nhưng 9 tháng qua đã giảm nhập giày dép, túi xách Việt Nam hơn 19%; các thị trường khác là Bỉ giảm 17%, Nhật Bản giảm 2%, Đức giảm trên 10%. Như vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020 của ngành da giày khó có thể hoàn thành.

che bien che tao

Tìm thị trường đầu ra

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, liên quan đến vấn đề đứt gãy nguồn cung ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, dệt may, da giày, điện tử, lắp ráp ô tô là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Sau quý 1/2020, khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi. Đến nay, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tiêu thụ sản phẩm mới là vướng mắc lớn nhất với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là dệt may, da giày khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút.

Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ một số nội dung tháo gỡ khó khăn sau đại dịch về nguồn tiêu thụ sản phẩm như kế hoạch hạn chế tác động của các yếu tố quốc tế; bổ sung thêm chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chiến lược phát triển cho các ngành như dệt may, da giày, gạo nhằm đáp ứng nguồn cung để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng đã trực tiếp điện đàm với các cơ quan, doanh nghiệp của nước ngoài tránh tình trạng đứt gãy kết nối với doanh nghiệp trong nước, giúp duy trì và tìm kiếm nguồn cung mới với các đối tác mới, thị trường mới. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với hệ thống thương vụ để tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp. 

Về thuế, phí, Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ một số chính sách về giảm 50% thuế trước bạ, lùi thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt... để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn; đồng thời, tận dụng các cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1/8/2020.

EVFTA là một trong những kỳ vọng cho đầu ra của sản phẩm. Về vấn đề này, tại hội nghị "Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA" vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, kết quả bước đầu rất tích cực, mức tăng so với cùng kỳ năm trước tăng lên qua 2 tháng.

Tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh trong tháng 8 năm 2020 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong tháng 9 đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến ngày 12/10, sau hơn 2 tháng thực thi hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.

Dẫu vậy, EVFTA mới đi vào thực thi ở tháng thứ 3, vẫn được xem là còn quá mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, nhiệm vụ của các doanh nghiệp còn khá nặng nề, khi phải tìm hiểu để nắm chính xác, đầy đủ các nội dung cam kết liên quan đến hoạt động của mình, từ đó mới có thể khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA. 

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, việc hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu là rất cần thiết. Trong đó, công tác thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là thông tin về thị trường để phục vụ cho các doanh nghiệp trong công tác tìm kiếm thị trường, giúp các doanh nghiệp có phương án tốt hơn.