Hà Nội muốn xây dựng nền nông nghiệp đô thị.

Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả và việc phát triển trồng cây ăn quả phù hợp với định hướng xây dựng nền nông nghiệp đô thị.

Dựa vào thế mạnh, phân tích nhu cầu thị trường, thành phố đã xác định 4 loại cây ăn quả chủ lực để phát triển, gồm: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn và chuối. Tuy vậy, việc phát triển cây ăn quả thời gian qua của thành phố vẫn gặp một số khó khăn do nông dân phát triển tự phát, không tập trung.

Mặt khác, việc ứng dụng khoa học cũng còn một số hạn chế. Đến nay, toàn thành phố mới có 924,5ha trồng cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao.

Nguyên nhân hạn chế trên xuất phát từ công tác quy hoạch chưa đồng đều, các địa phương cũng chưa mạnh dạn đầu tư vào phát triển các mô hình trồng cây ăn quả. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) Đỗ Văn Thưởng cho rằng, trong phát triển mô hình trồng chuối, thành phố nên quy hoạch đâu là vùng trồng chuối để xuất khẩu, đâu là vùng trồng chuối phục vụ thị trường trong nước, qua đó có đầu tư phù hợp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: Thành phố đang triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020.

Theo đó, đối với cây ăn quả, Hà Nội chỉ duy trì diện tích khoảng 17.500ha, trong đó có 9.000ha trồng tập trung (gồm hơn 4.800ha trồng bưởi và cam, hơn 2.000ha trồng nhãn, hơn 2.200ha trồng chuối...); các loại cây này khuyến khích trồng tại vùng đồi gò, đất bãi ven sông và một số vùng chuyển đổi tại các huyện: Quốc Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín…

Ông Đại cho biết thêm, trên cơ sở quy hoạch phát triển cây ăn quả của thành phố, các địa phương cần rà soát, xác định các vùng sản xuất trọng điểm để có kế hoạch đầu tư và bố trí quỹ đất. Sở sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra việc trồng, mở rộng diện tích theo quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với thực tế từng địa phương.

Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh việc đưa ứng dụng kỹ thuật, đồng bộ hóa trong trồng trọt, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả; nghiên cứu các biện pháp bảo quản trái cây, đáp ứng yêu cầu trồng rải vụ của nông dân; xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ… "Với một loạt giải pháp trên, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 1.348,5ha trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao" - ông Đại khẳng định.

Theo Dân Việt