Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, nông nghiệp công nghệ cao đạt 35%

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vẫn luôn là bài toán nan giải đối với ngành nông nghiệp nước ta nói chung, với TP. Hà Nội nói riêng.

Tại buổi Tọa đàm Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội tổ chức ngày 22/11/2016, các chuyên gia, doanh nghiệp đã tập trung nêu nhiều kiến nghị tháo gỡ những rào cản nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC giai đoạn 2016-2020.

Phát triển manh mún, không khoa học

Hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp trên toàn thế giới. Hướng đi này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp và giải quyết được những vấn đề về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu… cho nhiều quốc gia.

Theo Sở NN và PTNT, Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận với tổng số 386 xã, phường còn hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp của thành phố là hơn 188ha, với trên 3,7 triệu cư dân nông thôn, chiếm trên 50% dân số thành phố. Đây thực sự là nguồn lực lớn cho xây dựng, phát triển Thủ đô. Dù quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn có những đóng góp quan trọng, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân... Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) Đỗ Năng Vịnh cho biết: Với nhiều tiềm năng về tự nhiên, địa lý, thổ nhưỡng cũng như nguồn lực như vậy, Hà Nội hoàn toàn hội tụ đủ những yếu tố để tập trung phát triển NNCNC. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm lại đánh giá, NNCNC của Hà Nội hiện nay manh mún, vừa khiêm tốn vừa không khoa học.

Sở dĩ có nhiều ý kiến đánh giá như vậy bởi, trên địa bàn TP tuy đã có một số cơ sở ứng dụng CNC vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: sử dụng công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… song số lượng những cơ sở như vậy còn khá khiêm tốn.

Hơn nữa, việc ứng dụng phát triển NNCNC còn tự phát và dàn trải do chưa có sự quan tâm, đầu tư và ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp một cách thỏa đáng, đúng tầm, đúng yêu cầu và vai trò của NNCNC trong bối cảnh hội nhập.
Nông nghiệp công nghệ cao phát triển còn hạn chế (ảnh minh họa)

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn lạc hậu, do chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thiếu sự liên kết, hợp tác giữa người dân với nhau và với doanh nghiệp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số công đoạn nhất định dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chưa cao.

Cần lập quy hoạch cụ thể

Không thể phủ nhận một thực tế, dù TP. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng chưa có nhiều nông dân, thậm chí ngay cả các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất NNCNC bởi việc sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Những khó khăn, thuận lợi đã được các chuyên gia, doanh nghiệp thẳng thắn chỉ rõ, phân tích cặn kẽ tại buổi tọa đàm. Điều cốt yếu của NNCNC vẫn là phải làm sao để vừa giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn gia tăng chất lượng, giá trị gia tăng đối với mỗi sản phẩm nông nghiệp.

GS.TS. Đỗ Năng Vịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN và PTNT nêu quan điểm: Phát triển nông nghiệp đòi hỏi một cuộc vận động xã hội lớn lao. Các quan điểm, nhận thức, chiến lược, quy hoạch, lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn rõ ràng.

Nhiều doanh nghiệp nhất trí quan điểm này và cho rằng: Hà Nội nên quy hoạch một khu nông nghiệp công nghệ cao, trong đó cần đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, máy móc,... để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đây là chính sách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Hà Nội không nên đầu tư dàn trải, mà nên tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh và phải phù hợp với điều kiện tại vùng sản xuất đó. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập, lợi nhuận tính trên mỗi đơn vị diện tích sản xuất và xác lập thương hiệu riêng cho nông nghiệp Thủ đô.

Định hướng đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng CNC ở Hà Nội sẽ chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ ứng dụng CNC đối với giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đưa vào hoạt động một số khu, trung tâm nông nghiệp CNC… Tuy nhiên, để NNCNC có “đất” phát triển đúng những gì tiềm năng mảnh đất Thủ đô vốn có, bên cạnh lập quy hoạch với lộ trình phát triển cụ thể, vẫn cần sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học; đồng thời, cũng cần những chính sách hỗ trợ khả thi tạo điều kiện thuận lợi cho NNCNC phát triển đúng tầm.

Hà Minh